Thêm một lần nữa, vai trò của doanh nghiệp đã được khẳng định trong việc tham gia những hoạt động vì cộng đồng.
Từ “cơn khát” ASIAD của người hâm mộ
Thực tế, sau giải U23 châu Á 2018, U23 Việt Nam đã tạo ra một hiệu ứng lớn và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam. Trong số đó, có cả người hâm mộ bóng đá, cũng có cả những người vì niềm tự hào dân tộc. Thế nhưng, tất cả cùng có chung sự tin yêu dành cho huấn luyện viên Park Hang-seo và các học trò.
Cũng bởi thế mà sứ mệnh của U23 Việt Nam được gắn với trách nhiệm lớn lao là vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Thế nhưng, tại ASIAD 18, hình ảnh những cầu thủ Olympic Việt Nam mà thực chất là nóng cốt chính là U23 Việt Nam đã không thể đến với người dân một cách trọn vẹn. Bởi Việt Nam không có bản quyền truyền hình ASIAD 18.
Sở dĩ như vậy là vì các nhà đài ở Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội sở hữu bản quyền ASIAD 18 ngay từ đầu. Khi câu chuyện giá bản quyền tăng cao trở thành trở ngại lớn thì các nhà đài tham gia vào việc đàm phán tỏ ra quá đơn độc trong việc đi đến việc chốt hợp đồng. Khi nắm bắt được hiệu ứng Olympic Việt Nam, phía đơn vị sở hữu bản quyền đã đẩy mức giá lên gấp nhiều lần.
Hệ quả này khiến cho khán giả phải mày mò tìm đến các link “lậu” trên internet để xem trực tiếp các trận đấu của Olympic Việt Nam. Việc phát tán các link “lậu” và xem bóng đá trên mạng một cách tràn lan, mất kiểm soát không được khuyến khích vì đó là sự vi phạm bản quyền. Thế nhưng, nhu cầu xem Olympic Việt Nam thi đấu là của hàng triệu người dân chứ không còn của hàng chục nghìn "fan" bóng đá.
Lúc này, nhiều người hâm mộ đang nghĩ đến một cuộc “giải cứu” đến từ các doanh nghiệp lớn như với bản quyền World Cup 2018. Mặc dù, World Cup là giải đấu có tầm cỡ hoàn toàn khác và sức lan toả trên toàn thế giới chứ không phải trong khuôn khổ phạm vi châu lục như môn bóng đá nam ở ASIAD 18. Thế nhưng, ASIAD 18 mới là giải đấu được người dân quan tâm khi có vận động viên Việt Nam tham dự và đại diện cho màu cờ sắc áo của người Việt.
Đến thông điệp doanh nghiệp vì cộng đồng
Sau khi Olympic Việt Nam hoàn thành mục tiêu vượt qua vòng bảng với 3 trận toàn thắng, điều mà cả triệu người dân chờ đợi đã đến. Chiều 21/8, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã chính thức sở hữu bản quyền truyền hình ASIAD 2018. Nhà đài sẽ bắt đầu phát sóng trực tiếp các môn thi đấu của ASIAD 18 từ ngày 22/8 và đặc biệt sẽ đưa trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Bahrain tại vòng 1/8 đến với khán giả truyền hình cả nước.
Đặc biệt, phía sau cuộc “giải cứu” này chính là sự chung tay góp sức của hai tập đoàn Viettel và Vingroup. Đây là lần thứ 2, Viettel và Vingroup cùng chung tay tài trợ cho một đài truyền hình mua bản quyền giải đấu thể thao. Trước đó, hai tập đoàn này đã tài trợ để VTV mua về gói bản quyền truyền hình World Cup 2018 vào tháng 6 và phút chót.
Điều này mang lại ý nghĩa rất lớn khi câu chuyện bản quyền truyền hình ASIAD 18 là niềm mong mỏi của cả triệu người dân. Nói đúng hơn, chính các doanh nghiệp đã nắm bắt được đúng thời điểm và sẵn sàng chung tay vì lợi ích cộng đồng. Cả Viettel và Vingroup đều là những doanh nghiệp kinh doanh luôn đặt lợi ích khách hàng lên lên vị trí số 1. Chính vì thế mà các doanh nghiệp giữ tôn chỉ này trong việc chung tay đưa hình ảnh của ASIAD đến với người dân.
Theo đại diện của Viettel thì: “Chúng tôi biết rằng rất nhiều người hâm mộ Việt Nam đang mong chờ việc có bản quyền truyền hình ASIAD 18 để được xem trực tiếp các vận động viên của nước ta tranh tài. Đồng hành cùng VTC và VOV phát sóng các môn thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 xuất phát từ trách nhiệm của Viettel với cộng đồng. Việc này là một trong nhiều hoạt đông vì cộng đồng mà Viettel đã và sẽ tiếp tục thực hiện thường xuyên”.
Thực tế cũng cho thấy, trong nhiều năm qua Viettel không chỉ là một trong những doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh tốt tại Việt Nam, mà doanh nghiệp này vẫn luôn chú trọng vào các hoạt động vì cộng đồng.
Những chương trình thường niên như Trái tim cho em với 22.000 khám sáng lọc miễn phí và hơn 2.700 em đã được Viettel hỗ trợ mổ tim, Vì em hiếu học hay Internet trường học mang đến cơ hội học tập đầy đủ cho hàng triệu trẻ em nghèo trên khắp cả nước… của Viettel hoạt động rất hiệu quả, với mức chi phí hơn 150 tỷ đồng mỗi năm.
Khi VOV sở hữu bản quyền ASIAD 18, đại diện đơn vị này cũng đã nêu quan điểm nếu không có doanh nghiệp thì không thể thực hiện được thương vụ này. Doanh nghiệp cũng là giúp đỡ đài với mong muốn chủ yếu là phục vụ công chúng, hướng đến cộng đồng, đáp ứng lòng mong mỏi của người hâm mộ.
Rõ ràng ở thời điểm mà Olympic Việt Nam có thể sẽ chỉ còn được thi đấu tối thiểu 1 trận và tối đa 4 trận nữa, việc mua bản quyền truyền hình ASIAD 18 là một sự “đầu tư” hên xui. Bởi chúng ta hoàn toàn có thể dừng bước ở vòng 1/8.
Thế nhưng, ở đây cần hiểu rằng, cả Viettel và Vingroup đều hướng đến mục đích vì sự mong đợi của người dân chứ không vì yếu tố kinh doanh bản quyền truyền hình. Cuộc “giải cứu” vào phút chót cần được ghi nhận ở giá trị nhân văn đó.
Phía trước, cả triệu người dân sẽ hướng về ASIAD 18, nơi có những vận động viên đỉnh cao của châu Á và đặc biệt là đội tuyển Olympic Việt Nam thi đấu tại vòng 1/8 môn bóng đá nam. Hy vọng, sự chung tay của các doanh nghiệp sẽ tiếp thêm sức mạnh cho thầy trò ông Park với sự cổ vũ nhiệt thành của cả triệu người dân./.
Bình luận