Trong công cuộc tìm kiếm phương pháp chữa trị ung thư, rất ít nhà nghiên cứu bận tâm nhìn lại những loại thuốc thất bại để tìm hiểu điều gì đã xảy ra.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Translistic Medicine năm 2019 chỉ ra rằng, 97% các loại thuốc được thử nghiệm lâm sàng cho một loại ung thư cụ thể không bao giờ được đưa ra thị trường. Theo nhóm tác giả, nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ thất bại cao như vậy là bởi các loại thuốc không thực sự đạt mục tiêu mà các nhà khoa học đặt ra lúc đầu.
Nhóm sử dụng CRISPR - công cụ chỉnh sửa gene mới nhất và chính xác nhất hiện có để kiểm tra xem 10 loại thuốc ung thư có hoạt động như mong muốn của những người tạo ra nó hay không.
Kết quả, trong cả 10 trường hợp, các loại thuốc này đều không phát huy hiệu quả như dự kiến.
"Tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp mọi người thấy được tầm quan trọng của việc nâng cao tiêu chuẩn khi lựa chọn và xác định đâu là mục tiêu của các loại thuốc điều trị ung thư", William George Kaelin - một giáo sư y khoa của Đại học Harvard nói.
Theo nhà sinh học ung thư Nathanael Gray đến từ Viện Ung thư Dana-Farber, nghiên cứu là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà phát triển dược phẩm.
"Tỷ lệ thất bại rất cao trong các thử nghiệm lâm sàng về ung thư khiến chúng tôi nghi ngờ có thể có nhiều trường hợp khác nữa, trong đó thuốc điều trị ung thư được phát triển với tiêu chuẩn thấp (và mục tiêu nhắm tới của các loại thuốc này không hiệu quả) lại đang được thử nghiệm trên các bệnh nhân", nhà sinh học ung thư Jason Sheltzer - tác giả của nghiên cứu nói.
Theo ông Sheltzer, các cơ quan tài trợ nghiên cứu về ung thư thường chỉ quan tâm tới các kết quả tích cực. Do đó, họ không hào hứng với các nghiên cứu đòi hỏi tái lặp kết quả thử nghiệm. Thực tế các nghiên cứu mang tính xét lại này giúp các nhà khoa học sửa chữa, phát hiện lỗi sai và đẩy nhanh quá trình tìm kiếm các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, khó có thể tìm ra một giải pháp điều trị duy nhất cho ung thư bởi nó không phải chỉ là một căn bệnh. Nó là một thuật ngữ chung cho hơn 200 căn bệnh khác nhau. Mỗi một loại ung thư do một loạt các đột biến khác nhau gây ra và khi khối u phát triển, ngày càng nhiều đột biến tích tụ, điều này đồng nghĩa mỗi khối u đều có một tập hợp đột biến riêng lẻ.
Do đó nếu một loạt thuốc có tác dụng với một loại ung thư cụ thể, chưa chắc nó đã hiệu quả với loại ung thư khác.
"Đến nay vẫn chưa ai có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống ung thư", Azra Raza - bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Columbia (Mỹ) khẳng định.
Bình luận