Ông Nguyễn Hồng Tâm (Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế - Sở Y tế TP.HCM) cho biết, cô gái ở Bình Dương đến từ vùng dịch Hàn Quốc khai báo gian dối ở sân bay Tân Sơn Nhất để không bị cách ly bắt buộc.
Ngoài ra, cô gái từng ở Daegu - tâm dịch Covid-19 của Hàn Quốc nhưng đã đến Busan rồi từ đây mới đáp máy bay về Việt Nam. Trên giấy tờ người này cung cấp chỉ thể hiện các thông tin về Busan, không có thông tin liên quan đến vùng dịch, nên vẫn hợp lệ khi làm thủ tục nhập cảnh.
"Từ những khó khăn khách quan đó, cơ quan kiểm dịch sót thông tin cô gái này đã đi qua Daegu. Nếu hành khách khai báo trung thực, cơ quan chức năng mới nắm được", ông Tâm nói. Ví dụ, một người sống ở TP.HCM về các tỉnh miền Tây Nam Bộ chơi một vài ngày rồi lên thành phố lại mà không khai báo thành thật, nếu có kiểm tra các loại giấy tờ như CMND hay hộ khẩu cũng không thể biết được người này từng qua miền Tây.
Tuy nhiên, sau khi phát hiện thông tin, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất cung cấp thông tin cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương để kịp thời cách ly người này.
"Tờ khai y tế vẫn dựa trên sự trung thực là chính, nếu hành khách cố tình không khai báo sẽ gây khó khăn cho việc kiểm dịch. Khó nhưng cũng không phải là bế tắc vì cũng có những cách khác để phát hiện, vì có trường hợp công an biết trước thông tin trước cả khi họ nhập cảnh", ông Tâm nói.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), Covid-19 đã được Bộ Y tế bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A tại Quyết định 219/QĐ-BYT là "bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao...". Do đó, công dân hoặc bất kỳ người nào từ vùng dịch, đi qua vùng dịch khi nhập cảnh vào Việt Nam đều phải khai báo y tế và kiểm dịch y tế, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày để theo dõi, kiểm tra tình hình sức khỏe.
Những người khai báo gian dối đã vi phạm các quy định tại Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Tức là che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Những người có hành vi khai báo gian dối ngoài việc phải cách ly theo quy định còn bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng theo điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP (ngày 14/11/2013). Nếu có đủ căn cứ, người khai báo gian dối còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự cao nhất 10 năm tù về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS 2015.
Luật sư Công cho biết thêm, cô gái từ vùng dịch Daegu trốn được cách ly y tế cho thấy công tác phòng chống dịch bệnh trong nước có lỗ hổng ở khâu kiểm tra, xác minh khai báo y tế trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Trong trường hợp hành khách cố tình che giấu hay khai không đúng sẽ khó xác minh.
Tuy nhiên, đại tá Lê Hồng Thái (Cục phó Cục xuất nhập cảnh - Bộ Công an) cho rằng, việc khai báo y tế dựa trên sự trung thực bởi mỗi ngày cả nghìn người nhập cảnh. Vấn đề không phải do lỗ hổng trong quy trình kiểm dịch, nhập cảnh mà là do cô gái thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. "Là người Việt Nam trở về nước phải ý thức được việc đó, đằng này lại đi khai gian để qua mặt cơ quan chức năng. Hành vi này đáng bị xã hội lên án và đáng bị xử lý", ông Thái nói.
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành công văn CV 1637/BGTVT-VT, từ 21h ngày 26/2, hành khách là người mang quốc tịch Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động ở Hàn Quốc khi nhập cảnh vào Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày cho dù không khởi hành từ tâm dịch.
Tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất, từ hôm qua, việc giám sát hành khách Việt Nam đến từ Hàn Quốc đã được áp dụng quy định này nên không xảy ra tình trạng tương tự.
Ngày 25/2 mạng xã hội lan truyền hình ảnh livestream của cô gái tự xưng quê Bình Dương, về từ Daegu - tâm dịch Covid-19 của Hàn Quốc, chia sẻ "bí quyết" khai báo y tế không trung thực để được nhập cảnh vào Việt Nam, qua sân bay Tân Sơn Nhất.
Đến chiều 26/2, Sở Y tế Bình Dương thông báo đã tìm được người này và buộc phải cách ly tập trung tại khu cách ly của địa phương trong 14 ngày do về từ vùng dịch. Hiện cô gái không có triệu chứng bệnh.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bình Dương đã điều tra dịch tễ của cô gái, lập danh sách tất cả người đã tiếp xúc gần trên máy bay, khi nhập cảnh, đường di chuyển từ khi nhập cảnh đến lúc được cách ly, gia đình, người thân... để khoanh vùng và giám sát sức khỏe họ trong 14 ngày.
Trước đó, cũng có trường hợp, sau khi trở về từ Trung Quốc, hai người ở Kiên Giang "trốn" lên Bình Dương để né cách ly y tế. Sau khi nhận thông tin của Sở Y tế Kiên Giang, cơ quan chức năng tại Bình Dương đã rà soát, phát hiện và thực hiện cách ly để giám sát y tế với hai người này.
Bình luận