Trả lời VTC News, nhiều chuyên gia chứng khoán cho biết, thị trường lao dốc mạnh trong bối cảnh giới đầu tư bán tháo cổ phiếu để cắt lỗ, đồng thời chịu sức ép giải chấp cổ phiếu đến từ các công ty chứng khoán.
Ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc kinh doanh của VnDirect nhận định, từ nay đến tháng 7, thị trường chứng khoán sẽ còn nhiều biến động. Nguyên nhân là do trước kia, khi chịu ảnh hưởng của COVID-19, Chính phủ sẽ điều tiết dòng tiền, rót vốn để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lúc đó dòng tiền sẽ chảy sang hoạt động đầu cơ tương đối nhiều.
Nay dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp không còn đầu cơ nữa mà tập trung vào lĩnh vực chính của mình để khôi phục kinh tế, do đó họ sẽ bán cổ phiếu để rút tiền về. Bên cạnh đó, ngân hàng tăng lãi suất huy động có thể cũng là động thái để các nhà đầu tư nghiệp dư, nhà đầu tư cá nhân bán cổ phiếu, rút tiền về gửi tiết kiệm cho lãi suất ổn định hơn.
“Khi mà các doanh nghiệp bán cổ phiếu để tập trung đầu tư vào lĩnh vực của mình, các nhà đầu tư cá nhân cũng rút tiền về thì dòng tiền hụt đi, chứng khoán giảm giá là điều dễ hiểu", ông Hà nói.
Tuy nhiên, theo ông Hà, thời điểm này, nhà đầu tư không nên theo tâm lý đám đông mà vội vàng dốc tiền bắt đáy hoặc bán tháo cổ phiếu. Để giảm thiểu rủi ro thì nên chờ, theo dõi thị trường phục hồi rồi mới bán hoặc mua để cân bằng giá chứ không nên mua đuổi.
Còn ông Nguyễn Văn Toại, Giám đốc khối Tư vấn đầu tư, Công ty CP Chứng khoán VPS cho rằng: “Nguyên nhân khiến chứng khoán giảm mạnh là do biến động thị trường và nhà đầu tư nên chuẩn bị tiền để đầu tư chứ không đầu cơ. Sẽ có thời điểm mua rất lý tưởng tuy không nhiều. Lúc này, nhà đầu tư không nên hoảng loạn mà bán tháo, rút khỏi thị trường”.
Nêu quan điểm của mình về vấn đề này, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần AzFin Việt Nam, cho rằng, nguyên nhân chứng khoán giảm là do tâm lý lo sợ của các nhà đầu tư đang bị cộng hưởng và lan tỏa quá đà. Bên cạnh đó là lãi suất và lạm phát tại Mỹ tăng cao, tác động đến thị trường chứng khoán Mỹ. Thứ ba là nguy cơ nền kinh tế có thể suy thoái do lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng ở Mỹ hay châu Âu tăng từ 3% lên 5%.
“Chẳng hạn trước kia họ vay 1 tỷ để mua nhà thì chỉ thanh toán 30 triệu tiền lãi/tháng, nay tăng lên 50 triệu tiền lãi/tháng. Điều này có thể sẽ xảy ra tình trạng bán tháo cổ phiếu, bán tháo tài sản ồ ạt để mua nhà, trả nợ”, ông Phục nói.
Trong khi đó tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại những thông tin siết chặt về pháp lý, khiến cho dòng tiền đầu cơ lo sợ rút khỏi thị trường, từ đó thiếu đi động lực của dòng tiền đầu cơ để đẩy giá cổ phiếu.
“Tín dụng bất động sản bị siết chặt khiến nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng, sẽ làm cho kết quả kinh doanh kém đi”, ông Phục nói thêm.
Trong bối cảnh đó, ông Phục khuyến cáo các nhà đầu tư chứng khoán cần bình tĩnh, không nên chịu ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Trong bối cảnh chưa chắc chắn rằng thị trường chứng khoán biến động như thế nào thì các nhà đầu tư nên đưa tài khoản về trạng thái an toàn, tức là hạn chế dùng margin.
“Với mức giảm càng mạnh, càng nhanh thì sức bật khi tăng cũng càng mạnh, càng nhanh bấy nhiêu. Do đó các nhà đầu tư nên nắm chặt thời cơ và hành động tốt nhất lúc này là không nên hành động gì”.
Tuy nhiên, ông Phục cũng cho rằng: “Nếu nhà đầu tư còn dư tiền thì đây là cơ hội rất tốt cho mục đích đầu tư dài hạn, còn việc bắt đáy lúc này là không nên, vì không biết lúc nào cổ phiếu là chạm đáy”, ông Phục nói.
Ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 9/5, VN-Index đã giảm mạnh, áp lực bán trùm lên thị trường với toàn bộ nhóm ngành.
Càng về sau, áp lực bán càng lan rộng khiến chỉ số tiếp tục giảm sâu. Về cuối phiên, diễn biến thị trường vẫn kém tích cực dưới áp lực bán tăng mạnh. Nhiều nhóm ngành bị bán mạnh như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thép...khiến hàng loạt cổ phiếu giảm sâu, thậm chí giảm sàn "trắng bên mua".
Kết phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 59,64 điểm (4,49%) xuống 1.269,62 điểm. Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng giảm 20,7 điểm (5,84%) xuống 323,39 điểm. UPCom-Index giảm 5,28% xuống 96,5 điểm.
Số mã giảm trên cả 3 sàn chiếm áp đảo với 943 mã giảm, bao gồm 356 mã giảm sàn, áp đảo so với 121 mã tăng. Dù thị trường giảm mạnh song thanh khoản vẫn khá thấp, giá trị giao dịch 3 sàn chỉ đạt gần 22.000 tỷ đồng.
Bình luận