(VTC News) – Mặc dù là ngôi chùa nhỏ nằm trong khu dân cư chật chội nhưng cứ vào dịp rằm tháng giêng, rằm tháng bảy...thì chùa Phúc Khánh lại thu hút cả ngàn người tới lễ bái.
Chùa Phúc Khánh còn có tên gọi là chùa Sở, và tên nữa là chùa Thịnh Quang, theo tên địa danh nhân dân thường gọi.
Chùa Phúc Khánh hiện nay thuộc phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội, nằm trên phố Tây Sơn, gần Ngã Tư Sở.
Hàng năm dòng người đổ về đây chiêm bái, lễ Phật cầu an, dâng sao giải hạn, cầu siêu rất đông. Trong đó tháng giêng là tháng đông nhất, mỗi ngày có hàng nghìn phật tử đổ về đây.
Đặc biệt, vào các khóa lễ, phía trong khuôn viên của nhà chùa không còn một chỗ trống. Hàng nghìn người dân đứng kín từ trong chùa tràn ra đến ngoài phố Tây Sơn, lan sang cả Ngã Tư Sở, nhiều người còn chấp nhận đứng xa cả cây số để vái vọng.
Dòng người nối dài cả cây số trên đường Tây Sơn, bên ngoài chùa Phúc Khánh để lễ bái. |
Khóa lễ dự thu hút được lượng người tham dự đông nhất là “Đại lễ cầu an cả năm cho mọi gia đình” thường được tổ chức vào tối 14 tháng giêng âm lịch hàng năm. Còn lễ dâng sao giải hạn thường được tổ chức vào các ngày mùng 8, 15 và ngày 18 tháng giêng.
Các khóa lễ thường được tổ chức vào 7h tối nhưng nhiều người phải đến từ sáng sớm, mang theo ghế hoặc giấy báo, chuẩn bị cơm, bánh mỳ... đến chiếm chỗ ngồi trước.
Mặc dù mỗi khi nhà chùa tổ chức các khóa lễ, lực lượng công an sở tại được tăng cường rất đông để đảm bảo trật tự và phân luồng giao thông nhưng vẫn diễn ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau để làm lễ, tranh cướp nhau để giành lộc...
Ở Hà Nội có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, trong đó có rất nhiều ngôi chùa to đẹp nổi tiếng. Vậy tại sao chùa Phúc Khánh - một ngôi chùa nhỏ nằm trong khu dân cư chật chội lại thu hút được nhiều người đến lễ bái như vậy?
Chùa thiêng vì nhiều người có chức, có quyền tới lễ?
Được biết, chùa Phúc Khánh được dựng vào thời Hậu Lê. Vào thời Lê, chùa là cơ sở đào tạo tăng tài cho Phật giáo. Sau đó, chùa gặp hỏa hoạn và bị hư hỏng hoàn toàn.
Có tài liệu cho rằng, chùa nằm trong khu vực diễn ra trận đánh Đống Đa năm 1789 nên bị đổ nát, sau được nhà sư Chiếu Liên xây dựng lại với sự hỗ trợ của Đô đốc Trần Văn Lễ (thời Tây Sơn) đã từng ém quân ở chùa.
Ông còn cho đúc quả đại hồng chung và pho tượng Cửu Long cúng chùa. Năm 1950, dân làng đã góp công góp của xây dựng ngôi chùa ngày nay. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm.
Không ít người cho rằng, chùa Phúc Khánh linh thiêng thì mới được nhiều người nổi tiếng tới lễ bái. |
Lịch sử lâu đời của ngôi chùa với nhiều công trình kiến trúc cổ kính cũng chỉ là một phần trong các yếu tố thu hút đông đảo Phật tử đến chùa. Theo những cao niên ở gần chùa Phúc Khánh, còn có nhiều nguyên nhân khác khiến chùa được nhiều người lựa chọn là nơi lễ Phật cầu an, giải hạn...
Nhiều người cho rằng, Phúc Khánh là một ngôi chùa thiêng. Khi mọi người tới đây cầu sao giải hạn, cúng, khấn, lễ thì đất nước được ổn định, phát triển giàu mạnh; gia đình thuận hòa, nhận được nhiều phúc đức; đường công danh, sự nghiệp được hanh thông, thuận lợi; con cháu thì đuề huề, sung túc; bản thân thì được an tâm, tĩnh tại...
Cảnh đông đúc, tràn cả ra đường lễ bái chỉ xuất hiện từ khoảng 10 năm trước. |
Hiện nay, chưa có cơ sở nào cho thấy, hàng triệu người tới chùa Phúc Khánh có “cầu được ước thấy” hay không? Tuy nhiên, theo nhiều người dân sống gần chùa Phúc Khánh thì hàng năm có nhiều người có chức có quyền, người nổi tiếng đến làm lễ cho gia đình. Đây chính là một trong những lý do khiến ngôi chùa thu hút cả triệu người tìm đến trong các buổi khóa lễ.
“Trong các buổi khóa lễ, tên những người đăng ký cầu an, giả hạn đều được đọc công khai trên loa phóng thanh, trong đó tên của nhiều người có chức có quyền, nhiều người nổi tiếng thường được đọc đầu tiên. Ai nghe thấy thế cũng bảo, đến những người như vậy người ta còn lựa chọn chùa này để làm lễ thì chắc chắn là linh thiêng lắm nên mình cũng chọn chùa này để làm lễ.
Còn một số người đi chùa theo kiểu tâm lý đám đông, thấy người ta đến chùa này đông thì mình cũng đến mặc dù chẳng hiểu vì sao lại cứ phải chọn chùa này”, một vị cao niên bán hàng mã ở gần chùa Phúc Khánh lý giải.
Chỉ “nổi tiếng” khoảng 10 năm gần đây?
Ông Thanh (hơn 70 tuổi), nhà ở gần chùa Phúc Khánh cho biết, vốn dĩ ban đầu đây chỉ là một ngôi chùa làng, thuộc làng Sở. Trước đây chùa cũng chỉ là nơi lễ Phật của người dân làng Sở.
Chùa chỉ thu hút được nhiều người từ khắp các địa phương tìm đến trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi Thượng tọa Thích Thanh Quyết - một bậc cao tăng nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam về đây trụ trì.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Sở nên từ bé, cuộc sống của tôi đã gắn liền với ngôi chùa này. Trước đây chùa chỉ là chùa làng nên rất vắng, kể cả những ngày lễ lớn.
Thời chiến tranh, lớp học của chúng tôi còn được tổ chức học nhờ trong khuôn viên chùa. Chùa chỉ thực sự đông người từ khắp nơi tìm về trong khoảng hơn chục năm nay”, ông Thanh chia sẻ.
Tranh cướp lộc sau buổi lễ. |
Trong khi đó, trên một số diễn đàn mạng xã hội, nhiều người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội cũng cho rằng, trước đây, không có nhiều người biết tới chùa Phúc Khánh. Khoảng hơn 10 năm trước, khi xuất hiện cảnh cả triệu người tới lễ bái chật kín đường Tây Sơn, tràn ra cả Ngã Tư Sở thì chùa Phúc Khánh mới bắt đầu nổi tiếng.
“Tôi nói thực là nhà tôi cả nội cả ngoại đều sinh ra và lớn lên ở đất Hà Nội này ít nhất là 3 đời, sống trong khu 36 phố cổ nhưng đến tận sau này nhờ cái vụ ngồi đầy ra đường mới biết ở Hà Nội có cái chùa Phúc Khánh này.
Như thế để thấy rằng, nó không hề nổi trong những thập niên trước, may ra chỉ có người dân loanh quanh đấy thì biết chứ trên trung tâm thì ít người biết lắm.
Thời bố mẹ tôi thì khu Tây Sơn đã là xa xôi lắm rồi. Nên nếu nói là nó linh thiêng và nổi tiếng thì tôi nghĩ là không, vì ngày xưa dân Hà Nội chắc ít người biết đến nó lắm.
Tìm hiểu lại thông tin thì tôi nhớ không nhầm nó chỉ thực sự nổi tiếng và đông khoảng mười năm gần đây khi có một vị lãnh đạo cấp cao đến dâng hương. Kể từ sau năm đó mới đông và xuất hiện cảnh ngồi tràn ra đường”, một người dân sinh ra và lớn lên tại khu phố cổ Hà Nội cho biết.
Nói về sự linh thiêng và nổi tiếng của chùa Phúc Khánh, chị Tâm - một người từng đi giải hạn ở ngôi chùa này chia sẻ: “Rằm, mùng một tôi đều đến lễ ở chùa này. Tôi cũng đã làm giải hạn sao một lần, vì năm đó cả hai vợ chồng sao Thái Bạch.
Không biết giải sao tốt, hay số vợ chồng tôi may nên năm đó nói chung không xảy ra chuyện gì. Những năm sau, có năm sao Kế Đô, năm sao La Hầu nhưng tôi không đi giải hạn thì cũng thấy chả sao cả.”
Hữu Lê
Bình luận