Vì sao bệnh nhân ở Bệnh viện E 'trước dương tính, sau âm tính' SARS-CoV-2?

Tin tứcThứ Năm, 20/08/2020 18:15:20 +07:00
(VTC News) -

Bộ Y tế cho biết, do mẫu bệnh phẩm “tương đối khó”, kết quả dương tính ở chu kỳ rất muộn nên sau nhiều lần xét nghiệm khẳng định bệnh nhân không nhiễm SARS-CoV-2.

Sáng nay 20/8, Bộ Y tế công bố bệnh nhân COVID-19 số 994 nhưng đến chiều cùng ngày, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh nhân có kết quả khẳng định âm tính với SARS-CoV-2.

Lý giải về kết quả xét nghiệm của bệnh nhân “trước dương tính, sau âm tính”, ông Tấn cho biết, do tiền sử dịch tễ học ngày 12/8, bệnh nhân từ Phú Thọ xuống Bệnh viện E (Hà Nội) khám bệnh và đến ngày 18/8 mới lấy mẫu dịch tỵ họng để xét nghiệm virus SARS-CoV-2, với kết quả ban đầu dương tính.

Phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá đây là một mẫu “tương đối khó”, bởi kết quả dương tính ở chu kỳ rất muộn.

Ngay sau khi nhận kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các đơn vị, nhanh chóng tiến hành khoanh vùng, cách ly, đồng thời chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) để tiếp tục theo dõi, điều trị. Đồng thời, tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân xét nghiệm bằng nhiều phương pháp khác nhau để khẳng định.

Vì sao bệnh nhân ở Bệnh viện E 'trước dương tính, sau âm tính' SARS-CoV-2? - 1

Bệnh viện E (Hà Nội) phong tỏa ngay sau khi nhận được kết quả xét  nghiệm của bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2.

Theo ông Tấn, ngay khi vừa được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Ngoài ra, mẫu bệnh phẩm của người này gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm bằng nhiều phương pháp khác nhau cũng âm tính với SARS-CoV-2.

“Do vậy, có thể khẳng định, trường hợp này âm tính”, ông Tấn nói.

Nhận định về trường hợp này, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng đây là một trong những trường hợp đáng lưu ý với tất cả các bệnh viện. Vấn đề cần đặt ra là các bệnh viện, cơ sở y tế phải luôn luôn lưu ý để tạo “phản xạ mang tính lâm sàng” khi phát hiện bất cứ bệnh nhân nào có dấu hiệu sốt hay bệnh cảnh lâm sàng khác… và đặt tình huống tất cả bệnh nhân tới khám chữa bệnh đều có yếu tố nguy cơ lây nhiễm COVID-19 để phản ứng khẩn cấp khi cần thiết. 

Cụ ông L.B.N. 87 tuổi, có địa chỉ tại xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Báo cáo trước đó cho thấy ngày 11/8, ông N. triệu chứng nghi ngờ và ngày 12/8 đi khám tại Bệnh viện E, sau đó về nhà người thân tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ngày 13/8, ông N. nhập viện khoa Gan mật, Bệnh viện E. Ông được chụp CT có viêm phổi và chuyển khoa Bệnh nhiệt đới.

Đến ngày 18/8, ông N. được lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 19/8. Sau khi nhận kết quả dương tính, ông được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Ngay trong tối 19/8, Bệnh viện E phát đi thông báo tạm dừng công tác tiếp nhận, khám chữa bệnh để đánh giá tình hình triển khai chống dịch COVID-19 theo quy định. Cùng ngày, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng có công văn hỏa tốc gửi đến Giám đốc Bệnh viện E, yêu cầu báo cáo quá trình tiếp nhận và điều trị ca mắc COVID-19 trên.

Video: Đưa người thân của bệnh nhân nghi mắc COVID-19 đi cách ly

 

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn