Ngày 14/4, nhận định về nguyên nhân bệnh nhân số 22 người Anh mắc COVID-19 khỏi bệnh dương tính trở lại, PGS. TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trường hợp này có nhiều khả năng. Trong đó, hai khả năng đáng chú ý bệnh nhân chưa hết virus trong người và do kết quả xét nghiệm của hai nơi TP.HCM, Đà Nẵng khác nhau.
Với trường hợp bệnh nhân còn sót lại chút ít virus thì khó có thể lây bệnh cho người khác. Bởi lúc đó virus bị suy yếu, không còn khả năng gây bệnh.
Về kết quả xét nghiệm của 2 nơi TP.HCM và Đà Nẵng, chuyên gia này cho hay, việc xét nghiệm COVID-19 hiện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm cả sai số, công đoạn lấy mẫu… Hơn nữa, lấy mẫu ở thời điểm nào cũng phụ thuộc vào người lấy và vận chuyển mẫu.
“Do vậy để khẳng định nguyên nhân, chúng ta cần xem xét, đối chiếu kết quả xét nghiệm của cả 2 nơi TP.HCM và Đà Nẵng”, ông Nga nói.
Chung quan điểm, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, trường hợp như bệnh nhân số 22 được coi là rất đặc biệt, có thể nói đây là lần đầu ở Việt Nam. Trên thế giới, Trung Quốc và Hàn Quốc từng có những báo cáo tương tự về tình huống như trên.
Theo PGS. Nhung, bệnh nhân 22 người Anh dương tính trở lại sau 14 ngày xuất viện có thể tính tới 3 khả năng. Đó là sai sót khi lấy mẫu, xét nghiệm; bệnh nhân nhiễm lại virus corona sau khi ra viện và khả năng thứ 3 là tái phát do chính virus trong người. Trong đó, khả năng cuối cùng là nguy hiểm nhất.
Ở tình huống này, có thể tại thời điểm xét nghiệm, virus trong người bệnh nhân còn thấp nên cho kết quả âm tính. Sau đó khi sức đề kháng giảm, virus bùng lên lượng lớn, kết quả xét nghiệm sẽ dương tính trở lại. Một khía cạnh khác có thể xảy ra, là virus trong cơ thể người bệnh có sự đột biến. Nghĩa là trong số tất cả các virus sẽ có một con mới, đột biến, vượt qua kiểm soát của hệ miễn dịch để nhân lên. Đây chính là tình huống nguy hiểm nhất.
Về khả năng bệnh nhân nhiễm lại virus corona từ người khác sau khi xuất viện, ông Nhung cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ độ bền của virus này là bao nhiêu. Việc cần thiết là phải điều tra lại lịch sử dịch tễ xem bệnh nhân đã đi đến đâu, tiếp xúc với những ai trong thời gian trên.
Về giả thiết sai sót trong quá trình làm xét nghiệm, ông Nhung cho rằng tình huống này rất khó có khả năng xảy ra. Bởi theo báo cáo, bệnh nhân này có 3 lần xét nghiệm âm tính. Lúc này, cơ quan chức năng chỉ cần đối chiếu lại toàn bộ quy trình, kết quả xét nghiệm ở 2 điểm TP.HCM và Đà Nẵng là có thể đưa ra kết luận cuối cùng.
Bệnh nhân 22 mắc COVID-19 được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng theo dõi, cách ly và điều trị bắt đầu từ 8/3 đế 27/3. Theo báo cáo từ Sở Y tế Đà Nẵng, quá trình điều trị, bệnh nhân có 3 lần âm tính với virus corona vào các ngày 19/3, 23/3 và 25/3. Bệnh nhân được xuất viện sau 20 ngày điều trị (27/3).
Theo quy định, sau khi xuất viện, bệnh nhân tiếp tục phải cách ly tập trung 14 ngày. Người này tiếp tục được chuyển đến cách ly tập trung tại khách sạn Sam Grand (Đà Nẵng).
Thời gian này, bệnh nhân không đi ra ngoài, chỉ ở trong phòng, không tiếp xúc với ai và hàng ngày được theo dõi sức khỏe.
Sáng 10/4, bệnh nhân hoàn thành thời gian cách ly y tế, sức khỏe bình thường, đủ điều kiện xuất viện. Bệnh nhân được khách sạn thuê xe ô tô chở đến Sân bay Quốc tế Đà Nẵng để đến TP.HCM trên chuyến bay VN125 quá cảnh trở về nước.
Tuy nhiên, ngày 11/4, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) bệnh nhân được lấy mấy xét nghiệm, kết quả dương tính với virus corona.
Ngày 14/4, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngay khi có kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 22, TP.HCM lập tức cho cách ly khách sạn IBIS (nơi bệnh nhân 22 lưu trú trước khi xuất cảnh) để lấy mẫu xét nghiệm những người từng tiếp xúc với bệnh nhân.
Thành phố cũng thông báo với hãng hàng không Vietnam Airlines để thông báo đến các hành khách đi cùng chuyến bay với người Anh này.
Đến sáng nay, ngành y tế TP.HCM xác minh được 50 người tiếp xúc với bệnh nhân 22 tại khách sạn, người ngồi gần trên chuyến bay. Những người này được cách ly, lấy mẫu, chờ kết quả xét nghiệm.
Video: 68% ca mắc covid-19 ở Hà Nội không có triệu chứng ban đầu
Bình luận