Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở năm 2015 (QCVN 04: 2015/BXD), mục về yêu cầu an toàn cháy quy định đối với nhà cao trên 100m phải bố trí gian lánh nạn. Gian lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng; phải được bảo vệ bằng bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150; phải có diện tích đảm bảo đủ chứa được ít nhất một nửa tổng số người của tất cả các tầng trên và tầng dưới của gian lánh nạn với định mức 0,3m2/người; có cửa thông với buồng thang không nhiễm khói và phải có cửa ra thang máy chữa cháy; phải có trang thiết bị chống cháy riêng…
Trong quy định này có chú thích rất rõ: Có thể sử dụng tầng kỹ thuật hoặc một phần tầng kỹ thuật làm gian lánh nạn.
Tuy nhiên, hầu như các chung cư cao tầng hiện nay đều bỏ qua tầng lánh nạn này. Trong khi đó, hàng loạt vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại các chung cư cao tầng.
Có thể kể đến như vụ cháy chung cư Carina Plaza (TP.HCM) hồi đầu năm 2018 khiến 13 người thiệt mạng. Ban đầu khói bốc lên từ tầng hầm, sau đó lan lên các tầng trên. Nhiều người dân hoảng loạn từ tầng trên chạy xuống và từ tầng dưới chạy lên. Người dân không có chỗ thoát thân, nhiều người phải tìm đến thang dây tự chế bằng rèm cửa, dây điện…
Hồi tháng 7/2019, tại tầng 30 toà nhà CT3 The Pride (đường Tố Hữu, Hà Đông, Hà Nội) xảy ra cháy. Phải đến khi ngọn lửa bùng phát lớn, chủ nhân căn hộ phát cháy mới biết và bỏ chạy ra ngoài. Người dân sống tại tòa nhà cho biết, vào khoảng thời gian này có còi báo cháy và mùi khét nồng nặc tại nhiều hành lang, ngay sau đó, mọi người hô hoán và gọi người thân chạy xuống dưới sảnh.
Cũng vào tháng 7/2019, một căn hộ ở tầng 15 tòa nhà B10A, khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội) xảy ra hỏa hoạn. Khói lan tỏa, bao trùm từ tầng 14 đến tầng thượng 17. Hàng trăm người dân hò nhau theo cầu thang bộ thoát ra ngoài.
Hầu hết các vụ hỏa hoạn, cư dân đều hoảng loạn tìm đường thoát thân xuống tầng thấp hoặc lên tầng trên cùng, mà không có một phòng lánh nạn đủ tiêu chuẩn PCCC nào để cư dân trú chân.
Theo chuyên gia, sở dĩ các chủ đầu tư bỏ quên tầng lánh nạn này vì chi phí rất tốn kém, trong khi diện tích phải bỏ ra quá lớn. Nếu bỏ qua tầng lánh nạn này, biến diện tích tầng lánh nạn thành căn hộ để bán hoặc tầng thương mại cho thuê, chủ đầu tư có thể thu lợi lớn.
Khi được hỏi về việc tại sao nhiều chủ đầu tư bỏ quên tầng lánh nạn (hay còn gọi phòng lánh nạn), lãnh đạo một công ty bất động sản tại Hà Nội cho biết, xây dựng tầng lánh nạn, gian lánh nạn đạt chuẩn không những tốn kém chi phí thiết lập mà còn mất thêm chi phí cơ hội tận dụng diện tích hình thành căn hộ bán.
Còn theo ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng), theo quy chuẩn, các nhà cao tầng đều có không gian lánh nạn, tuy nhiên nếu làm như vậy, chủ đầu tư không hề thích vì họ muốn bán những không gian này như căn hộ thông thường, nên không gian lánh nạn bị biến tướng hoặc không làm.
Mới đây, trong Dự thảo Quy chuẩn quốc gia về nhà chung cư đang trong quá trình lấy ý kiến vẫn tiếp tục quy định “đối với nhà có chiều cao từ 100m đến 150m cần phải bố trí tầng lánh nạn, gian lánh nạn, đáp ứng các yêu cầu như Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở năm 2015.
Ông Trần Chủng cho rằng, quy định đã khá chặt chẽ, nhưng vấn đề là việc thực hiện và giám sát thực hiện. Theo ông, để các chủ đầu tư thực hiện nghiêm Quy chuẩn này, khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, các nhà cao tầng buộc phải có không gian lánh nạn mới đủ điều kiện đưa người dân vào ở. Trong suốt quá trình hình thành từ thiết kế sơ bộ đến thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công phải có sự giám sát của cơ quan chức năng. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra việc này.
Bình luận