• Zalo

Vì lẽ gì muốn mang một chút xuân khác lạ vào nhà, nỡ chặt cả cây đào?

Thời sựChủ Nhật, 22/01/2017 22:52:00 +07:00Google News

Vì muốn mang một chút xuân khác lạ vào nhà, nhiều người nỡ chặt cả một cây đào.

Thường trên đời cái gì hiếm thì dễ quý; cái gì quý thì dễ đắt; cái gì đắt thì dễ thu hút sự chú ý của người khai thác và rồi rất có thể sẽ biến mất. Vì một cái sừng, một cặp ngà người ta có thể giết cả một con thú hiếm không gớm tay. Vì muốn mang một chút xuân khác lạ vào nhà, nhiều người nỡ chặt cả một cây đào.

Rõ là đào rừng đẹp.

Rõ là đào rừng hiếm.

Rõ là có cành đào rừng thì có vẻ "sang" hơn.

Nhưng cũng rõ là đào rừng sắp tuyệt chủng.

Nếu như chỉ cần một năm để xây được một trung tâm đô thị thuộc hàng bậc nhất khu vực, hàng trăm toà nhà cao tầng thì phải cần 5 năm 10 năm để có được một cây đào rừng.

Đào rừng Sapa xuống phố - Ảnh: Hồng Thảo

Đào rừng Sapa xuống phố - Ảnh: Hồng Thảo 

Để bảo tồn được đào rừng đồng thời đáp ứng nhu cầu của xã hội, cần phải có những khu trồng đào rừng có quy hoạch, được cấp phép. Điều người ta có thể làm với cây trà cổ thụ là nhân giống và trồng với mật độ cao thì cũng có thể làm được với cây đào.

Ai cũng có quyền tự do làm điều mình thích miễn là nó không ảnh hương tới tự do của người khác và đảm bảo phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau.

Thế giới đã bước sâu vào kỷ nguyên hậu công nghiệp và pr marketing 3.0: pr marketing với khuôn mặt nhân văn.

Người tiêu dùng hiện đại tin rằng đồng tiền mình bỏ ra không chỉ mang lại hạnh phúc cho mình mà còn mang lại hạnh phúc cho người sản xuất, phân phối đồng thời còn giúp chung tay bảo vệ thiên nhiên, công bằng và quyền con người.

Một tờ giấy, một cái ghế gỗ sẽ không xuất được sang các nước phát triển nếu thiếu chứng chỉ FSC- chứng chỉ rừng trồng để khai thác gỗ.

Nông sản được dán nhãn fairtrade có nghĩa là người trồng đã cam kết không phá rừng, chăm sóc đúng khoa học và tiêu chuẩn chất lượng để người mua sẵn sàng trả giá cao hơn.

Chúng ta có quyền chọn mua một chiếc áo, một tờ giấy giúp đảm bảo thương mại công bằng. Chúng ta nói không với thực phẩm bẩn, với các nhãn hàng vô trách nhiệm, thiếu đạo đức thì cũng có thể nói không với đào rừng vốn đang sắp cạn kiệt và bị khai thác vô tổ chức.

Xã hội luôn vận động và thay đổi. Văn hoá cũng vậy và việc thay đổi nhận thức, thái đô và hành vi văn hoá cũng là chuyện bình thường. Tiêu thụ đào rừng, sừng tê, ngà voi, phong lan rừng, san hô đỏ... là chém vào đất mẹ và tạo ra những vết thương khó lành.

Đào rừng xuống phố - Ảnh: Hồng Thảo

Đào rừng xuống phố - Ảnh: Hồng Thảo 

Bởi vì chúng ta cảm thấy mình vô can

Khi anh chàng Richard Williams (Prince Ea) truyền đi thông điệp gửi lời xin lỗi thế hệ tương lai bởi sự tàn phá mẹ thiên nhiên của thế hệ hôm nay, có hơn 6 triệu người đã xem đoạn video đó. Rất nhiều người đã tải xuống và chia sẻ. Họ đều hiểu, nhưng có bao nhiêu người hành động?

Chúng ta đang sống trong một thế giới ảo nhiều hơn là thực. Chúng ta dễ kích động vì một dòng trạng thái chia sẻ trên Facebook, dễ lên tiếng về một vấn đề đạo đức, dễ lên án “người ta” hoặc xã hội chung chung…

Nhưng rất khó để chúng ta dừng lại một giây nhặt một cái rác, rất khó để chúng ta tắt bớt một ngọn đèn không cần thiết, rất khó để chúng ta cưỡng lại sự quyến rũ của một cành đào rừng…

Bởi vì, mỗi chúng ta đều cảm thấy mình vô can hoặc đứng ngoài cái vấn đề rất nóng hổi mà chính chúng ta đang tích cực cảnh báo trên mọi diễn đàn - vấn đề biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu.

Chúng ta đang bày tỏ quan ngại sâu sắc với môi trường bị phá huỷ, với những khu rừng bị tàn phá, nhưng sẵn lòng trả tiền cao mua những cành đào rừng rực rỡ hoang dại, những bữa ăn thịt thú rừng gần như tuyệt chủng, hoặc vô tư thả túi nilon đựng cá chép cúng ông Táo xuống sông hồ.

Hình như, trong cái thế giới ảo nhiều hơn thực này, hành động khó hơn lời nói.

Video: Nam thanh nữ tú khoe sắc bên vườn hoa tết

(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Bình luận
vtcnews.vn