Về Bình Định, tìm đến huyện Phù Mỹ, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức đặc sản bún rạm trứ danh. Người dân địa phương thường ví, bún rạm thân thuộc với người Phù Mỹ như mì Quảng gắn liền với người Quảng Nam. Ở đây, hầu như nhà nào cũng biết nấu bún rạm. Nhờ sự phát triển của du lịch mà ngày càng nhiều du khách tìm đến ăn thử, rồi bún rạm trở thành món ăn nổi tiếng gần xa.
Rạm là loài thuộc họ cua, vỏ cứng, thịt ngọt. Muốn nước dùng ngọt thanh, không bị tanh hay có mùi khai khái, rạm phải thật tươi, chế biến ngay sau khi bắt về. Cách làm rạm cũng chẳng khác cua là mấy: rửa sạch, bóc mai, đem xay nhuyễn rồi chắt lấy nước cốt. Phần gạch và trứng được lọc ra từ trước, sau đó đem trộn với thịt rạm xay để tạo màu và độ bóng bẩy cho miếng chả rạm.
Không như nhiều món nước khác, bún rạm có phần nước dùng khá đơn giản, chỉ cần đem nước rạm nấu lên, cho thêm dầu ăn, hành phi và nêm nếm gia vị. Vị ngọt nguyên sơ của những con rạm đang vào mùa cũng đủ giúp món ăn trở nên đậm đà, đặc biệt.
Khâu cầu kỳ nhất trong quá trình chế biến đặc sản này có lẽ nằm ở bước làm bún. Sợi bún được làm tại chỗ, từ gạo lấy ở những cánh đồng quê Phù Mỹ rồi sau đó ép ra từ máy, luộc sơ qua nước gạo, vắt qua nước trong rồi mới cho vào tô. Có lẽ cũng nhờ thế mà ăn bún có cảm giác tươi, dai và ngọt hơn những loại thông thường.
Khi ăn, người Phù Mỹ sẽ để nước rạm riêng, tô bún riêng, ăn đến đâu rưới nước dùng đến đó, từng chút từng chút một để thưởng thức được hết những nét tinh túy của hương đồng gió nội. Ngoài ra, người sành ăn phải biết kết hợp với muối hột, ớt bay thì mới đúng vị bún rạm và nhất thiết phải có lá ngành ngạnh, xoài xanh, đậu phộng rang nguyên hạt.
Khách ăn lần đầu chưa quen thịt rạm sẽ thấy khó ăn, tuy nhiên mùi thơm của hành ngò làm dịu lại vị cho tô bún. Vị ngọt tự nhiên của rạm, của nước gạo, của sợi bún quyện vào nhau tạo nên một hương vị thật đặc biệt khiến cho bất cứ ai có dịp thưởng thức đều mê mệt.
Bình luận