Mới đây, tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đề xuất việc khống chế tỷ lệ vay trên vốn chủ sở hữu, chi trả lãi vay của phần vốn vượt định mức sẽ không được tính là chi phí hợp lý. Đề xuất này đã vấp phải phản ứng của các chuyên gia, ngân hàng và doanh nghiệp.
Vay nhiều sẽ bị đánh thuế
Bộ Tài chính vừa đề xuất việc khống chế tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất khi có phần chi trả lãi vay của khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) thì phần chi trả lãi vay này sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp ở lĩnh vực khác, định mức để khoản lãi vay được tính vào chi phí hợp lệ là khoản vay không được vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1). Riêng các lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng thì tỷ lệ tối đa là không quá 12 lần vốn chủ sở hữu. Bộ Tài chính cũng đề xuất thời điểm áp dụng quy định này là từ 1/1/2019.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc đề xuất bổ sung quy định mới về khống chế chi phí lãi tiền vay trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm đảm bảo lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá.
Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp. Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, nếu quy định khống chế chi phí lãi vay được áp dụng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội làm ăn, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và làm giảm tăng trưởng tín dụng.
Theo tính toán của một chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu doanh nghiệp có 1 tỷ đồng nhưng cần vay 10 tỷ đồng thì theo quy định mới đề xuất chỉ 4 tỷ đồng được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, còn lại 6 tỷ đồng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp phải đóng thuế cả tiền vay ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho hay, theo đề xuất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp vay tiền để làm ăn càng nhiều sẽ càng bị đánh thuế nặng.
Ông Trần Xuân Định, Giám đốc Công ty kinh doanh ô tô ở Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, đề xuất này chẳng khác nào Bộ Tài chính làm khó doanh nghiệp. Trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang tích cực tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thì quy định này lại tăng thêm rào cản đối với doanh nghiệp.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần xây dựng thương mại Hà Tây khẳng định, việc không cho doanh nghiệp đưa tiền vay vượt quá vốn chủ sở hữu vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn tín dụng.
Đó là chưa kể nếu không được vay ngân hàng thì doanh nghiệp chỉ còn cách vay nóng bên ngoài, qua người thân, bạn bè… với lãi suất cao hơn. Lãi suất vay cao hơn, không được tính vào chi phí khấu trừ thuế, doanh nghiệp chỉ còn cách đưa vào giá thành sản phẩm. Điều này càng làm giảm lợi nhuận, giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Lấn sân ngân hàng?
Tổng Giám đốc một NHTM nêu quan điểm, trước khi phê duyệt một khoản vay, ngân hàng xem xét báo cáo tài chính, kiểm tra dòng tiền lưu động, lợi nhuận của doanh nghiệp, phương án kinh doanh…, nếu đạt yêu cầu mới cho vay. Do vậy, việc Bộ Tài chính đưa ra quy định khống chế chi phí lãi tiền vay là không hợp lý và không rõ ràng. Phải chăng Bộ Tài chính đang định lấn sân cả ngân hàng?
Việc giới hạn tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu chỉ nhằm bảo đảm an toàn vốn vay liệu có phải là trách nhiệm của Bộ Tài chính hay không? Đưa ra quy định này là để hỗ trợ hay là để cản trở doanh nghiệp phát triển? Nếu doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn gấp 10 lần vốn chủ sở hữu mà phương án kinh doanh hiệu quả, có tài sản đảm bảo và là khách hàng uy tín, lâu năm của ngân hàng thì không có lý do gì để ngân hàng từ chối cho vay.
Ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc giám sát ngân hàng Maritimebank cho rằng, quy định này khiến doanh nghiệp khó tiếp cận khoản vay hơn, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp. Đối với những doanh nghiệp này, ngân hàng chủ yếu xem xét cho vay dựa trên phương án kinh doanh. Việc không được tính phần trả lãi vào chi phí tính thuế khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, do đó, ngay cả ngân hàng cũng gặp khó trong việc phê duyệt khoản vay.
Video: Đề xuất đánh thuế 30% với người trúng Vietlott
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay, về nguyên tắc, trước hết, quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng được quy định theo Luật Tín dụng, tức là có thế chấp hoặc đảm bảo bằng tín chấp. “Trường hợp doanh nghiệp vay nhiều nhưng họ vẫn đảm bảo được tài sản thế chấp hoặc đủ tín chấp thì tại sao lại đánh thuế họ nặng hơn các doanh nghiệp khác?”, TS. Nguyễn Minh Phong đặt câu hỏi.
Theo phân tích của ông Nguyễn Trí Hiếu, nếu quy định này được áp dụng thì không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà cả ngân hàng cũng bị tác động. Bởi khi phê duyệt một khoản vay, ngân hàng sẽ nhìn vào tài sản bảo đảm, vòng quay vốn lưu động, đánh giá tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp dựa trên bản cân đối kế toán…
Qua đó xem doanh nghiệp làm ăn có lãi không, tính toán tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là bao nhiêu, tỷ lệ tài sản có ngắn hạn/tài sản nợ ngắn hạn như thế nào. Nếu một doanh nghiệp có uy tín, dòng tiền tốt, tài sản bảo đảm nhiều thì ngân hàng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay của khách với tỷ lệ 6:1, 7:1 hoặc 10:1.
“Do đó, nếu Bộ Tài chính chỉ dùng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu để làm thước đo sức khỏe tài chính của doanh nghiệp là không hợp lý và làm khó cho cả người cho vay và người đi vay”, ông Hiếu khẳng định./.
Bình luận