Theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, ở phương diện khoa học, tiêm vaccine không để lại di chứng lâu dài như việc trẻ bị COVID-19. Nguyên nhân, khi bị nhiễm SARS-CoV-2, virus có thể tích hợp vào hệ gene của con người và tương tác với hệ gene.
Quá trình mắc COVID-19, virus thật tấn công vào cơ thể sẽ để lại những tàn tích còn sót lại tại các cơ quan, tế bào nhiễm virus. Đây chính là nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch của con người tạo ra những cuộc tấn công không cần thiết đến các cơ quan đó rồi dân đến những tổn thương lâu dài về sau.
Tiêm vaccine COVID-19 vào cơ thể thì khác. Theo TS Thái, kể cả với các loại vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA hay vector cơ chế bắt chước virus đưa vật liệu di truyền vào để sản xuất ra gai của virus, sau đó từ gai tạo ra miễn dịch cho cơ thể, thì quá trình trên sẽ xảy ra trong thời gian rất ngắn với lượng vật liệu cố định theo liều. Do đó, cơ thể không bị quá tải. Đặc biệt, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các mRNA đó tự tiêu huỷ và hoàn toàn không tích hợp với hệ gene của người nên không để lại những di chứng dài.
"Đó là lý do bị mắc COVID-19 nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc tiêm vaccine COVID-19 vào cơ thể", BS Thái nói.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính tới sáng 22/3, cả nước tiêm được 201.828.138 liều vaccine COVID-19. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.768.739 liều (mũi 1 là 70.943.341 liều, mũi 2 là 67.884.313 liều, mũi 3 là 1.496.237 liều, mũi bổ sung là 14.650.864 liều và mũi nhắc lại là 29.793.984 liều).
Số liều tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi là 17.059.399 liều (mũi 1 là 8.753.306 liều và mũi 2 là 8.306.093 liều).
Bộ Y tế cho biết đang chuẩn bị về thủ tục để lô vaccine đầu tiên cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ về Việt Nam đúng dự kiến vào cuối tháng 3. Trước khi vaccine được đưa ra tiêm chủng vào tháng 4, Bộ Y tế sẽ triển khai tập huấn lại cho hệ thống tiêm chủng do những đặc thù về theo dõi sau tiêm cho nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi.
Bình luận