Vạ vật ở chốt kiểm soát dịch ngay cửa ngõ TP.HCM với Long An từ chiều 30/9 đến trưa 1/10, nhiều người dân mệt nhoài nhưng vẫn kiên quyết muốn được về quê. Đến 10h ngày 1/10, một số người dân đã được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa lên các chuyến xe khách để về quê an toàn.
"Biết sai quy định nhưng không còn trụ nổi"
Chị Lâm Thị Ngọt (quê Hậu Giang) mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gia đình 3 người lâm vào đường cùng vì không còn tiền ăn, tiền đóng phòng trọ.
Công ty mà chị Ngọt làm đã đóng cửa từ tháng 7. Hơn 3 tháng nay, chị Ngọt cầm cự qua ngày nhờ vào tiền tiết kiệm ít ỏi và những phần hỗ trợ từ TP.HCM và các mạnh thường quân. “Nhưng ăn mãi cũng hết vì đâu có làm gì ra tiền”, chị Ngọt nói.
Nghe tin thành phố nới lỏng giãn cách xã hội từ 1/10, vợ chồng chị Ngọt đánh liều về quê. Từ chiều 30/9, vợ chồng chị Ngọt dắt díu nhau với đồ đạc lỉnh kỉnh, lái xe máy chạy về quốc lộ 1A, thẳng hướng miền Tây. Con gái của chị Ngọt vẫn ở lại phòng trọ để chờ ngày được đi làm trở lại.
Ngang qua chốt kiểm soát dịch ở huyện Bình Chánh, chị Ngọt và hàng ngàn người dân khác đã bị lực lượng chức năng chặn lại. Nói trong nước mắt, chị Ngọt kể: “Tôi biết việc tự đi về quê là sai quy định chống dịch nhưng khổ quá, đói quá, không về không được”.
Ở cách đó không xa, anh Thi (quê Cà Mau) dùng dây cột con trai vào người rồi đèo nhau trên chiếc xe máy để về quê. Đứng giữa đám đông, cha con anh Thi nổi bật bởi bộ đồ bảo hộ bịt kín từ đầu đến chân. “Mặc đồ bảo hộ từ chiều qua đến giờ nóng lắm mà không dám cởi. Con có khóc cũng không dám nói nhiều sợ lây bệnh”, anh Thi nói.
Đường về Cà Mau hơn 300km, anh Thi biết chạy xe máy nguy hiểm nhưng vẫn muốn được về quê. “Hết tiền rồi, con còn quá nhỏ, người lớn có thể nhịn đói nhưng trẻ con thì cần phải được ăn”, Anh Thi nói. Khi được hỏi có biết chuyện về quê tự phát sẽ gây nguy hiểm cho cộng đồng, anh Thi cho hay bản thân có biết, nhưng vì không còn tiền, đồ ăn cũng dần cạn nên buộc phải về quê.
“Mong thành phố xem xét hỗ trợ thêm chứ tôi cũng không muốn đi như thế này. Biết là làm sai mà không về quê thì biết lấy gì ăn”, anh Thi nói.
Vỡ oà niềm vui khi được hỗ trợ về quê
Đến 10h ngày 1/10, lực lượng chức năng đã được điều động bổ sung đến chốt kiểm soát tại thị trấn Tân Túc. Nhân viên y tế được điều động đến hỗ trợ người dân test nhanh COVID-19.
Anh Nguyễn Duy Khánh, quê Vĩnh Long cho biết, khi lực lượng chức năng test COVID-19 và có kết quả âm tính thì anh cùng vợ con đã được hỗ trợ lên xe để chuẩn bị về quê. “Cảm ơn lực lượng chức năng đã hỗ trợ, giúp đỡ cho chúng tôi được về quê, dù chính chúng tôi là người làm trái quy định của thành phố”, anh Khánh xúc động nói.
Sau hơn 16 tiếng ôm con nhỏ 16 tháng tuổi vạ vật tại chốt kiểm soát dịch, chị Đặng Hồng Linh (22 tuổi, quê Cà Mau) vỡ oà trong hạnh phúc khi được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa về quê.
Chị Linh cho biết, vợ chồng chị đã kiệt quệ tài chính do ảnh hưởng của dịch nên biết sai nhưng vẫn buộc lòng phải làm trái quy định của TP.HCM để về quê. “Không biết nói gì hơn ngoài những lời cảm ơn lực lượng chức năng đã hỗ trợ, giúp đỡ. Họ giúp đỡ chúng tôi từ đêm qua, cho ăn, cho con tôi uống sữa. Và giờ vui nhất là chúng tôi sẽ được test COVID-19 rồi lên xe về quê”, chị Linh vui mừng nói.
Ghi nhận của PV VTC News, đến 10h30, những chuyến xe đầu tiên chở người dân rời TP.HCM về các tỉnh miền Tây đã lăn bánh trong sự vui mừng của hàng ngàn người dân.
Liên quan đến việc người dân muốn rời TP.HCM về quê, tại buổi livestream Dân hỏi - Thành phố trả lời tối 30/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết: "Việc muốn về quê là tâm trạng phổ biến của nhiều người dân. Lãnh đạo thành phố cũng rất chia sẻ với việc này. Nói không cho về thì không được nhưng người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi nếu về khi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể gây dịch cho các địa phương. Thành phố đang rất cần lao động, người dân cố gắng ở thêm vài tháng tới Tết rồi về luôn".
Bình luận