1. 20/1/2016, sân Grand Hamad (Doha, Qatar), U23 Việt Nam bước vào cuộc so tài quyết định với U23 UAE sau hai trận mở màn toàn thua. Phút 67, bóng đến chân Tuấn Anh sau tình huống tấn công chớp nhoáng. Tiền vệ sinh năm 1995 xoay xở trong vòng vây hậu vệ đối phương, trước khi tung cú sút xa hiểm hóc khiến thủ môn UAE không có cơ hội cản phá.
Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến rất nhiều bàn thắng đẹp. Nhưng để tạo nên một tuyệt phẩm giữa hàng thủ đội bóng vào đến tứ kết giải U23 châu Á năm đó, trong bối cảnh toàn đội gần như tuyệt vọng, cầu thủ phải sở hữu sự lì lợm tố chất kỹ thuật ưu tú. Tuấn Anh là cầu thủ như vậy, và cầu thủ người Thái Bình bước vào trái tim người hâm mộ bằng những pha xử lý nghệ sĩ và tinh tế như vậy.
Video: Tuấn Anh ghi bàn tuyệt đẹp vào lưới U23 UAE
Trong men say chiến thắng sau thành công tại giải U23 châu Á 2018, có thể điểm mặt không ít trụ cột của U23 Việt Nam được tạo nên từ lứa U19 Việt Nam bốn năm trước. Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Toàn vẫn ở đó, nhưng Tuấn Anh thì không. Trong ngày những đồng đội thân thiết được chào đón như người hùng khi trở về nước, Tuấn Anh có lẽ đang lặng lẽ theo dõi tất cả qua máy thu hình.
Đội hình chiến thắng của HLV Park Hang Seo không còn đôi chân của một trong những cái tên đáng chú ý nhất của bóng đá Việt Nam ít năm trước.
2. Nhắc đến Tuấn Anh, có hai đặc điểm khiến người ta nhớ tới hơn cả. Một, đó là phẩm chất kỹ thuật đặc trưng cùng khả năng chuyền bóng chính xác của các cầu thủ trưởng thành từ Học viện HAGL - JMG, song để lọt vào "mắt xanh" của Arsene Wenger, tiền vệ số 8 phải có tố chất dị biệt.
"Mẫu tiền vệ như Tuấn Anh hiện tại là rất hiếm ở bóng đá Việt Nam. Tuấn Anh có sự tài hoa, lãng tử như những đàn anh một thời ở hàng tiền vệ ĐT Việt Nam là Hồng Sơn hay Minh Phương, nhưng toàn diện hơn nhờ được đào tạo bài bản" - BLV Quang Huy nhận định.
Tuấn Anh không quá mạnh ở một kỹ năng cụ thể, như Xuân Trường giỏi chuyền dài hay Công Phượng rê dắt tốt, nhưng HAGL hay U19 Việt Nam không thể vận hành lối chơi ban bật nhuần nhuyễn, đẹp mắt nếu thiếu "buồng phổi" của cầu thủ với mái tóc lãng tử ở khu trung tuyến. Tuấn Anh như người nhạc trưởng, điều phối nhịp điệu, cách chơi cho cả dàn nhạc giao hưởng và trở thành niềm hy vọng mới ở vòng tròn trung tâm, ở thời điểm bóng đá Việt Nam rất "khát" những cầu thủ đủ khả năng kiến thiết lối chơi.
Đặc điểm thứ nhất đưa Tuấn Anh bước lên đỉnh cao, còn đặc điểm thứ hai dồn tiền vệ người Thái Bình xuống vực thẳm thất vọng: những chấn thương. Không nhiều cầu thủ Việt Nam nói chung mẫn cảm với chấn thương và phải nghỉ thi đấu để điều trị chấn thương như Tuấn Anh. Hình ảnh tiền vệ thuộc biên chế HAGL ra sân với đôi chân băng trắng dần trở nên quen thuộc, và Tuấn Anh phải chơi hầu hết các trận với thể trạng không đạt 100%.
Bi kịch của Tuấn Anh đến ngay trước thềm SEA Games 29, khi học trò cưng của Hữu Thắng phải tiêm thuốc giảm đau liên tục để níu giữ cơ hội tham dự đấu trường khu vực. Công thức Tuấn Anh - Xuân Trường là nền tảng để chiến lược gia xứ Nghệ xây dựng lối chơi đẹp mắt, hoa mỹ cho đội tuyển quốc gia hay U22 Việt Nam, nên không khó hiểu khi Tuấn Anh phải chạy đua để rút ngắn thời gian trở lại sân cỏ.
Kết quả, Tuấn Anh không kịp trở lại, đồng thời di chứng của những lần tiêm thuốc liên tục khiến tiền vệ này phải ngồi ngoài thêm một thời gian rất dài sau đó. Hai lần "trễ đò", chấn thương của Tuấn Anh phảng phất nét buồn của bóng đá - môn thể thao đối kháng từng chứng kiến không ít cái tên "tài hoa, bạc mệnh". Nhưng chấn thương ấy còn là minh chứng cho căn bệnh thành tích, có thể phải đánh đổi bằng tương lại của một trong những niềm hy vọng sáng giá của bóng đá nước nhà.
3. Bóng đá Việt Nam không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào. Không Tuấn Anh, U23 Việt Nam vẫn "sống khỏe", thậm chí còn lọt vào chung kết U23 châu Á, so với thành tích đáng buồn cách đây hai năm. Xuân Trường có "cạ cứng" mới ở giữa sân, đó là Đức Huy. HAGL "cầu viện" lứa cầu thủ mới để nuôi hy vọng tranh đoạt ngôi cao tại V-League, còn người dân Thái Bình cũng sớm tìm cho mình một thần tượng mới: Đoàn Văn Hậu.
Nước vẫn chảy, dòng đời vẫn trôi dù Tuấn Anh có trở lại đỉnh cao phong độ hay không. Trong bối cảnh các tài năng trẻ mọc lên như nấm sau mưa, sự thiếu vắng của một cầu thủ có thể được thay thế bởi nhiều cầu thủ trẻ khác với tài năng không hề kém cạnh.
Nhưng nhiều người vẫn sẽ nhớ Tuấn Anh. Không phải nhớ về câu chuyện buồn với chấn thương dai dẳng cùng đôi chân quấn băng, mà là nhớ về một cầu thủ, thuộc thế hệ cầu thủ từng xuất hiện và khơi dậy lại tình yêu của người hâm mộ khi bóng đá Việt Nam lâm nguy và khủng hoảng nặng nề nhất. Sự xuất hiện của Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng,... cũng cổ vũ cho thứ bóng đá sạch sẽ cùng tư duy làm bóng đá từ gốc, vốn bị vùi sâu bởi bệnh thành tích cùng những thương vụ đầu tư bóng đá xa hoa, chớp nhoáng mà không mang lại hiệu quả cụ thể nào.
Thành công của U23 Việt Nam hôm qua và những bước chuyển mình hôm nay được bắt đầu từ những tháng ngày bình dị như thế.
Câu chuyện của Tuấn Anh vẫn chưa kết thúc. Ở tuổi 22, tiền vệ người Thái Bình còn rất nhiều cơ hội làm lại, trước mắt là V-League 2018 với 26 trận đấu cùng HAGL. Đội bóng của giám đốc kĩ thuật Chung Hae Soung đặt mục tiêu top 5, và với sự giao thoa giữa lứa cầu thủ trẻ trung được đôn lên từ học viện và lứa cầu thủ đang ở độ chín phong độ, vai trò của Tuấn Anh càng trở nên quan trọng.
Tuấn Anh đã chọn số áo 46, thay cho số 8 quen thuộc. Một biện pháp phần nào giảm tải sức ép, giúp Tuấn Anh có thêm thời gian để từng bước trở lại để chứng tỏ bên cạnh người đồng đội Xuân Trường.
"Em cũng như Tuấn Anh và tất cả các tiền vệ khác ở HAGL đều muốn trở thành cặp tiền vệ chơi hay nhất V-League. Với cá nhân Tuấn Anh, em vẫn luôn hy vọng chúng em có cơ hội được chơi cùng nhau. Em rất mừng là cậu ấy đã có thể trở lại tập luyện bình thường và sức khỏe đã tốt lên nhiều, phong độ cũng đang dần trở lại" - Xuân Trường khẳng định.
Khởi nguồn cho sự trở lại của bóng đá Việt Nam, giờ là lúc Tuấn Anh - Xuân Trường viết tiếp câu chuyện cổ tích, khi những ám ảnh đã ở lại phía sau.
Bình luận