Các chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp vũ khí của Nga có thể xử lý được lượng xe tăng bị mất hàng tháng trên chiến trường Ukraine. Theo tình báo của Bộ Quốc phòng Anh, Moskva có thể cung cấp khoảng 100 xe tăng mỗi tháng cho lực lượng của mình - gần bằng lượng xe tăng bị mất ở Ukraine.
Tuy nhiên, những xe tăng này không phải là xe mới ra khỏi dây chuyền lắp ráp. Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST), một nhóm nghiên cứu của Nga, báo cáo rằng cứ mỗi xe tăng T-90M mới được sản xuất thì lại có ba xe tăng T-90A được nâng cấp. Việc sản xuất hàng loạt bắt đầu vào năm 2018 nhưng bị chậm trễ do lỗi động cơ.
T-90M trước xung đột
Từ năm 2017 đến năm 2019, Nga có kế hoạch mua khoảng 160 xe tăng T-90M, chủ yếu thông qua việc hiện đại hóa T-90A. Lô đầu tiên được bàn giao vào tháng 4/2020, với 10 chiếc được bàn giao cho Sư đoàn súng trường cơ giới cận vệ số 2.
Vào tháng 11/2020, lô hàng thứ hai bao gồm 10 xe tăng cho Trường xe tăng Kazan và 10 chiếc khác cho Sư đoàn súng trường cơ giới cận vệ số 2. Lô hàng thứ ba gồm 8 xe tăng được giao vào tháng 3/2021, cho Lữ đoàn súng trường cơ giới Cận vệ số 27, đơn vị này cũng nhận thêm 18 xe tăng vào tháng 8/2021.
Những đợt giao hàng này cho thấy tốc độ sản xuất T-90M của Nga trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là khoảng 40 xe tăng/năm. Theo dữ liệu của Military Balance+, Nga có khoảng 67 xe tăng T-90M đang hoạt động khi cuộc xung đột bắt đầu.
Số lượng T-90M mới
Câu hỏi về số lượng xe tăng T-90M mà nhà máy Uralvagonzavod, cơ sở sản xuất xe tăng lớn nhất của Nga, có thể sản xuất còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, bằng cách phân biệt giữa xe tăng mới sản xuất và khung gầm xe tăng cũ được nâng cấp chuyển đổi thành phiên bản T-90M, các chuyên gia đã tìm ra được đáp án.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trước tháng 2/2022, Uralvagonzavod có sản lượng hàng năm khoảng 40 xe tăng T-90M. Đến năm 2023, sản lượng xe tăng được sản xuất trong thời chiến ước tính tăng lên 60-70 chiếc và có thể cao hơn vào năm 2024. Các chuyên gia quân sự sự đoán rằng, sản lượng T-90M từ năm 2025 trở đi có thể vượt quá 90 chiếc mỗi năm.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mới
Việc bổ nhiệm ông Andrey Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng mới, nhấn mạnh vào một trọng tâm chính của Nga là sức mạnh công nghiệp. Mục tiêu của ông là tăng sức đề kháng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
Vào tháng 12/2023, cựu Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Sergei Shoigu tuyên bố đã cung cấp 1.530 xe tăng trong năm. Tuy nhiên, con số này vẫn đang còn gây nhiều tranh cãi. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ước tính rằng, 1.180 đến 1.280 trong số những xe tăng này đến từ kho dự trữ.
Ước tính này cũng không tính đến những xe tăng có thể được giấu trong gara, hầm dự trữ, khuất tầm nhìn của vệ tinh. Các căn cứ lưu trữ xe tăng của Nga có thể chứa khoảng 1.600 xe tăng chiến đấu chủ lực, nhưng không rõ liệu chúng có chứa các loại xe khác hay không.
Có một khoảng cách đáng chú ý giữa con số mà cựu Bộ trưởng Shoigu đưa ra với ước tính của IISS là khoảng 350 xe tăng. Một số xe tăng này có thể mới được chế tạo, nhưng nhiều xe có thể là những mẫu được tân trang lại từ kho dự trữ.
Xe tăng T-90M
T-90M là phiên bản nâng cấp của xe tăng chiến đấu chủ lực T-90. Đây là bản nâng cấp đáng kể so với các phiên bản trước, xe được tích hợp công nghệ hiện đại và cải thiện khả năng chiến đấu. Khả năng bảo vệ, hỏa lực và tính cơ động của T-90M đều được cải thiện.
T-90M có chiều dài khoảng 9,63 mét (tính cả chiều dài nòng pháo), chiều rộng khoảng 3,78 mét và chiều cao khoảng 2,22 mét. Với kích thước này, T-90M được đánh giá là một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực tương đối nhỏ gọn, phù hợp với nhiều địa hình và môi trường hoạt động khác nhau.
T-90M được trang bị động cơ diesel V-92S2F, với công suất khoảng 1.130 mã lực. Động cơ này giúp cho xe tăng có tốc độ tối đa khoảng 60 km/giờ và phạm vi hoạt động lên tới 500 km với bình nhiên liệu ngoài.
Xe tăng được bổ sung giáp composite tiên tiến và giáp phản ứng nổ (ERA) để tăng cường khả năng bảo vệ. T-90M cũng được trang bị hệ thống nạp đạn tự động, giảm số lượng kíp lái xuống còn ba thành viên: chỉ huy, pháo thủ và lái xe. Ngoài ra, T-90M còn có hệ thống kiểm soát hỏa lực hiện đại để cải thiện độ chính xác khi ngắm bắn.
Hệ thống và vũ khí của T-90M
T-90M sử dụng một số loại hệ thống điều khiển hiện đại để tăng cường hiệu quả hoạt động. Chúng bao gồm hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số, hệ thống dẫn đường tiên tiến và hệ thống quản lý chiến trường. Các hệ thống này cho phép xe tăng nhận thức tình huống tốt hơn, ra quyết định nhanh hơn và phối hợp hiệu quả hơn với các đơn vị khác.
Vũ khí chính của T-90M là pháo nòng trơn 2A46M-5 125 mm. Pháo có khả năng bắn nhiều loại đạn, bao gồm đạn xuyên giáp ổn định bằng cánh vây (APFSDS), đạn chống tăng nổ mạnh (HEAT) và đạn phân mảnh nổ mạnh (HE-FRAG). Pháo chính cũng có thể phóng tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) để giao chiến tầm xa.
Các loại đạn được T-90M sử dụng bao gồm đạn APFSDS, được thiết kế để xuyên giáp hạng nặng; đạn HEAT có hiệu quả chống lại cả mục tiêu bọc thép và không bọc thép; đạn HE-FRAG được sử dụng để tấn công bộ binh và xe bọc thép hạng nhẹ. Khả năng bắn ATGM của xe tăng làm tăng tính linh hoạt, cho phép nó tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa hơn.
Tầm bắn hiệu quả của T-90M phụ thuộc vào loại đạn được sử dụng. Đạn APFSDS thường có tầm bắn hiệu quả lên tới 2.500 mét, trong khi đạn HEAT và HE-FRAG có tầm bắn ngắn hơn một chút. ATGM được phóng từ pháo chính có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 5.000 mét, mang lại cho T-90M khả năng tác chiến đáng gờm.
Bình luận