• Zalo

Bất ngờ trước khẩu pháo ‘lai’ Nga vừa tung ra chiến trường

Quân sựThứ Hai, 12/08/2024 14:18:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong bối cảnh thiếu hụt vũ khí thì việc triển khai hệ thống pháo lai này có thể khắc phục được những tổn thất về pháo binh mà Nga đang hứng chịu trên chiến trường.

Binh sĩ Nga sử dụng khẩu pháo lai trên chiến trường

Theo Army Recognition, một video xuất hiện trên mạng xã hội X vào ngày 1/8 cho thấy, các binh sĩ Nga đang triển khai một hệ thống pháo mới, được kết hợp giữa pháo kéo M-46 và pháo hải quân AK-130.

Hình ảnh cắt từ video cho thấy các binh sĩ Nga đang sử dụng khẩu pháo mới.

Hình ảnh cắt từ video cho thấy các binh sĩ Nga đang sử dụng khẩu pháo mới.

Pháo M-46

Pháo M-46 130 mm là loại pháo dã chiến nòng dài, do Liên Xô sản xuất từ năm 1947, đến năm 1954 chính thức được đưa vào sử dụng. Chiều dài nòng pháo gấp 52 lần cỡ nòng, có tầm bắn lên đến 27,4 km đối với đạn thường, khi sử dụng đạn tăng tầm có thể lên tới 38 km. Pháo sử dụng đầu đạn nặng 33,4 kg.

Pháo có hai chân giúp giữ ổn định khi bắn và có hai tấm chắn bằng thép dày nhằm bảo vệ an toàn cho kíp chiến đấu. M-46 có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau như đạn nổ mảnh, đạn xuyên giáp, đạn khói và đạn chiếu sáng.

M-46 là trụ cột của lực lượng pháo binh Liên Xô/Nga trong nhiều thập kỷ qua, nhờ hiệu suất chiến đấu cao và cấu trúc chắc chắn. Khẩu pháo này thường được sử dụng để bắn phá tầm xa và phản pháo, nhờ sự đơn giản trong sử dụng, tính ổn định trong chiến đấu và cơ động trên nhiều loại địa hình khác nhau.

Hệ thống khóa nòng trượt ngang và hệ thống giật thủy lực khí nén vận hành thủ công của hai chân pháo, hấp thụ hiệu quả lực giật khi bắn giúp tăng cường độ chính xác và độ bền của pháo.

Pháo M-46 đã được sử dụng trong các cuộc xung đột biên giới Trung - Xô, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Ấn Độ - Pakistan, chiến tranh Trung Đông lần thứ 3 và lần thứ 4, chiến tranh Angola, chiến tranh Iran - Iraq, chiến tranh vùng Vịnh, nội chiến Nam Tư…

Pháo M-46.

Pháo M-46.

Pháo AK-130

Trong khi đó, pháo hải quân AK-130 chủ yếu được sử dụng trên các tàu chiến của Nga. Nhưng do khối lượng rất nặng (lên đến 100 tấn) nên nó chỉ được lắp đặt trên những chiến hạm cỡ lớn, như tàu khu trục lớp Sovremenny. Sở hữu tốc độ bắn rất nhanh, lên tới 90 viên/ phút/nòng, rất hiệu quả khi tấn công tiêu diệt các mục tiêu di chuyển nhanh.

Được phát triển trong Chiến tranh Lạnh, AK-130 là pháo hải quân với 2 nòng cỡ 130 mm, chiều dài gấp 70 lần đường kính, tầm bắn xa và uy lực đáng gờm, có khả năng tác chiến cả trên mặt nước và phòng không.

Cỡ nòng của AK-130 tương đương với pháo M-46, sự tương đồng này là điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp hai hệ thống pháo trên thành một khẩu pháo lai đặc biệt.

AK-130 là một tháp pháo hải quân, được Liên Xô phát triển vào những năm 1970 để thay thế tháp pháo SM-2, trang bị trên tàu khu trục và tàu tuần dương. AK-130 hiện vẫn là một trong những tháp pháo hải quân mạnh nhất thế giới đang được Hải quân Nga sử dụng.

Pháo hải quân AK-13.

Pháo hải quân AK-13.

Là một trong số ít tháp pháo hai nòng hiện đại, hiệu suất chiến đấu một nòng của AK-130 cũng được đánh giá cao, tương đương với các hệ thống pháo tiên tiến như Mk 45 127mm của Mỹ và Compatto 127mm của Italia. Pháo AK-130 có thể sử dụng được đạn 130mm của lựu pháo kéo M-46.

Với tầm bắn lên đến 23 km đối với các mục tiêu trên mặt nước, tốc độ bắn từ 10 đến 35 viên phút cho mỗi nòng, AK-130 có thể đạt tối đa 70 viên mỗi phút khiến nó trở thành một vũ khí rất hiệu quả trong tác chiến hải quân.

Sự kết hợp giữa khung pháo M-46 và nòng pháo hải quân AK-130 là sự đột phá mang tính sáng tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu chiến đấu trên chiến trường. Việc tích hợp hỏa lực tiên tiến của AK-130 vào xe chở di động của M-46 đã tăng khả năng sát thương lên đối phương. Hệ thống pháo lai này không chỉ cung cấp hỏa lực mạnh mẽ của pháo hải quân mà còn duy trì được tính cơ động và linh hoạt của một khẩu pháo dã chiến truyền thống.

Trong bối cảnh thiếu hụt vũ khí thì việc triển khai hệ thống lai này, có thể  giải quyết được những tổn thất về pháo binh mà Quân đội Nga đang hứng chịu trên chiến trường Ukraine. Mặt khác thể hiện khả năng thích ứng của Quân đội Nga trong việc sửa đổi công nghệ quân sự để tăng cường khả năng chiến đấu, đánh dấu một sự đổi mới trong chiến thuật của Nga, với mục tiêu tăng cường khả năng pháo binh trên chiến trường.

Cuộc xung đột đang diễn ra đã chứng kiến ​​sự hao mòn đáng kể vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự cho cả hai bên, đã thúc đẩy các nhà chiến lược quân sự đổi mới công nghệ hiện có để duy trì hiệu quả chiến đấu.

Bằng cách sử dụng hỏa lực của AK-130 cho điều kiện chiến đấu trên bộ, lực lượng Nga đặt mục tiêu tăng cường khả năng pháo binh và duy trì áp lực lên hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Lê Hưng(Armyrecognition)
Bình luận
vtcnews.vn