Video: Những người lính Vị Xuyên xúc động gặp lại nhau, hát cho nhau nghe.
“Những người lính không về sau trận đánh/Chiến trường xưa thấm máu đã bao ngày/Tưởng như họ đã nằm trong đất lạnh/Mà hóa thành muôn vạn sếu bay... (Trích bài thơ Đàn sếu của nhà thơ Nga Rasul Gamzatov-PV)
Mấy nghìn anh em đồng đội còn ở khe đá thung sâu, sườn đồi, hốc đá, điểm cao, cánh rừng hay những chiến hào công sự, các đồng chí linh thiêng hãy phù hộ cho đội quy tập tìm thấy và đưa về Nghĩa trang Vị Xuyên sum họp với anh em”.
Đó là những dòng thơ, những lời cầu nguyện mà ông Đỗ Quang Huy - Trưởng Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên TP Hà Nội - đã đọc trước tấm bia mộ tập thể tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ hy sinh ở bình độ 400.
Đứng cạnh ông Huy ở Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên còn có rất nhiều đồng đội khác. Họ im lặng không nói nên lời, đôi mắt nhòe đi vì xúc động. Có lẽ, lời cầu nguyện của ông Huy cũng là hy vọng của hàng ngàn, hàng vạn gia đình có con em đang nằm lại trong những cánh rừng, khe suối ở Vị Xuyên.
Câu chuyện của những người lính Vị Xuyên như những thước phim lịch sử quay chậm, cho chúng tôi, những người chưa từng biết tới chiến tranh hiểu hơn về một thế hệ đã mất mát, hy sinh, gian khổ nhiều đến như thế nào để có một đường biên giới hòa bình, hữu nghị như ngày hôm nay.
Suốt dọc đường từ Hà Nội lên tới Hà Giang, ông Đỗ Quang Huy nhắc rất nhiều tới một người đồng đội cũ. “Anh Trần Quý Bình là một doanh nhân, một nhà báo, nhưng cũng là một người lính Vị Xuyên. Giờ công tác trên này nên thỉnh thoảng anh vẫn giúp đỡ chúng tôi trong các việc nghĩa tình đồng đội. Anh ấy đang phụ trách xây dựng đài hương ở “ngã ba cửa tử”.
Đúng như lời giới thiệu của ông Huy, ông Trần Quý Bình đã chờ sẵn ở ngã ba xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên để đón đoàn. Cách ngã ba này chừng vài chục mét, một đài hương tưởng niệm đang được xây dựng. Sau khi làm lễ, ông Bình bất ngờ khi nhận được số tiền quyên góp từ anh em cựu chiến binh.
“Đây là tấm lòng của anh em với đồng đội đã hy sinh. Tôi sẽ cố gắng hoàn thiện việc xây dựng Đài tưởng niệm sớm, để lần sau anh em lên tới, nơi này sẽ khang trang, đẹp đẽ hơn”, ông Bình nói.
“Ngã ba cửa tử” năm xưa giờ đã là con đường lớn trải nhựa, nhà dân xây kín hai bên, tấp nập người xe qua lại. Vào các ngày giỗ trận đầu hay kỷ niệm chiến tranh biên giới, hầu hết các đoàn xe qua đây hay lên Đài hương 468 đều dừng chân chụp một bức ảnh, hoặc lắng nghe những nhân chứng kể lại những câu chuyện cũ.
Nếu không được nghe kể lại, có lẽ những người đến đây lần đầu chẳng thể tưởng tượng được nơi đây chính là “ngã ba cửa tử” huyền thoại, là con đường đã in dấu chân hàng vạn anh hùng ra biên cương.
“Ngoài các đồng đội đã được quy tập và an nghỉ tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên, còn hàng ngàn người nữa vẫn nằm lại chiến trường. Chúng tôi chỉ làm những gì có thể để an ủi những gia đình đồng đội mà xác thân đang còn ở lại nơi này”, ông Bình xúc động nói.
Những ngày tháng Hai này, đường lên Điểm cao 468 xe cộ tấp nập. Ông Huy giải thích: “Hầu hết xe lên Hà Giang thời điểm tháng 2, tháng 7 hàng năm là xe của hội cựu chiến binh các tỉnh, thành phố đi thăm lại chiến trường xưa”.
Họ vẫy tay khi hai xe lướt qua nhau. Có đoạn tắc đường, họ hạ kính xe xuống nói chuyện với nhau rôm rả.
- “Quê” lên đây được mấy hôm rồi?
- Các “Quê” lần này đi đông nhỉ?
- Anh em chúng tớ năm nay đi đông gấp đôi năm trước đấy quê ạ!
“Quê” là danh từ chung những người lính hay gọi nhau. Khi ra trận, họ không phân biệt vùng miền, tỉnh thành mà gọi nhau bằng một tiếng “quê”.
Tiếng cười nói, chào mời mua hàng của dân bản dường như kéo ông Huy trở về với thực tại. Ngay cạnh miệng hầm chỉ huy sở xưa, người dân địa phương quây những chiếc sạp gỗ để bán các loại nông sản và đồ lưu niệm cho khách tới tham quan đài hương.
Một số người trong đoàn tranh thủ mua thêm hương hoa chuẩn bị lên đài hương làm lễ. Đến bất kỳ một địa danh nào tại Vị Xuyên, việc đầu tiên là họ cùng nhau chào cờ, cùng hát Quốc ca, làm lễ và dành phút tưởng niệm những người đồng đội.
Chuyến đi này, nhiều cựu chiến binh dẫn theo vợ, con, người thân và bạn bè. Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên TP Hà Nội - tâm sự: “Cả năm, tôi chỉ mong ngóng có chuyến đi này để gặp lại anh em đồng đội, cả người còn sống và những người đã ngã xuống. Anh em ôn lại chuyện xưa cho thỏa nỗi nhớ một thời vào sinh ra tử cùng nhau”.
Đã gần 10 năm nay, bà Vũ Thị Mai Hương (vợ ông Nguyễn Văn Lâm) cùng chồng và đồng đội đi thăm chiến trường xưa.
“Nếu nói về những người lính Vị Xuyên, nghe các anh kể thì cảm động lắm, thương lắm! Năm nào không đến được với đồng đội là chồng tôi mất ăn, mất ngủ. Khi đi, chúng tôi chuẩn bị chu đáo trước cả vài tháng, mua những thứ ngày xưa đồng đội thích, mang lên thắp hương cho các anh”, bà Hương kể.
Trong kí ức của cựu chiến binh Vũ Văn Cảnh, làng Pinh (xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên) không chỉ là nơi tập kết lính Vị Xuyên mà còn có rất nhiều đơn vị có kho tàng đạn dược, hậu cần, và cả một bệnh viện dã chiến ngay lối vào làng.
Trước mặt ông Cảnh là căn nhà cấp bốn đã xuống cấp. Ông giới thiệu đó chính là “trạm phẫu tiền phương”. Nhiều đồng đội của ông đã được chữa trị trong chính căn nhà ấy. Cách trạm phẫu độ hơn chục mét, chính quyền thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy đã gắn biển và xây dựng một đài tưởng niệm.
Từ ngày hoàn thành xây dựng đài tưởng niệm, cuộc sống người dân làng Pinh có nhiều đổi thay. Nhiều người xây dựng homestay đón các đoàn khách du lịch tâm linh.
Ông Hoàng Văn Vĩnh, một chủ homestay tại làng Pinh chia sẻ: “Nhà tôi đón khách liên tục, có thời điểm đón 20 đến 30 mâm khách đặt cơm, ngủ lại qua đêm. Cả thôn Thanh Sơn bây giờ nhà nào cũng có ao nuôi giống cá bỗng đặc sản phục vụ du khách.
Trước kia, nhắc tới làng Pinh là nhớ tới bom đạn, chết chóc và thương vong. Nhưng bây giờ, chính họ, những người lính Cụ Hồ năm xưa, những cựu chiến binh đã mang lại cho làng Pinh đời sống no ấm, hạnh phúc”.
Làng Pinh bây giờ không còn hộ nghèo và đạt chuẩn nông thôn mới gần chục năm nay. Xung quanh “trạm phẫu tiền phương”, những luống mạ non đang mọc lên xanh tốt.
Nhiều người trẻ đi cấy trên đồng không tưởng tưởng được nơi mình sinh ra từng hứng chịu bom đạn khốc liệt của chiến tranh. Chỉ khi gặp được những cựu chiến binh, nghe lại câu chuyện cũ, họ mới biết được ngôi làng nhỏ đang sống từng được mệnh danh là “thành phố của lính”.
Từ mảnh đất chiến trường ác liệt năm xưa, giờ đây màu xanh của sự trù phú đang hiện hữu trên khắp các bản làng, xóm ngõ trong các xã ở huyện Vị Xuyên. Bên cạnh đời sống của người dân ngày càng sung túc, công tác đền ơn đáp nghĩa cũng ngày càng được chú trọng.
Đã nhiều năm nay, bà Trần Thị Kim Liên (em gái của Liệt sĩ Trần Trung Thực) theo các đoàn cựu chiến binh quay trở lại Vị Xuyên thắp hương, tưởng nhớ anh trai mình. Cho đến nay, gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt Liệt sĩ Trần Trung Thực.
Trước lúc hy sinh, anh để lại một cuốn nhật kí. Đã đọc đi đọc lại nhiều lần cuốn nhật kí nên bà Liên thuộc lòng những gì anh trai viết: “Một ngày không xa, đất ta sẽ là của ta, non sông vẹn toàn, nơi đây vẫn mãi mãi thanh bình, không còn tiếng súng giặc. Đồng bào các dân tộc lại trở về xây dựng bản làng giàu đẹp như xưa - Bản Nà Toong ngày 22/12/1984”.
Bên cạnh những dòng về lý tưởng, về cuộc chiến khốc liệt, lá thư cuối cùng gửi mẹ và những trang nhật ký của Liệt sĩ Trần Trung Thực để lại cũng còn nguyên một mùa xuân tuổi trẻ ở Vị Xuyên:
“Ở đây đồi núi trùng điệp nhấp nhô, có rừng xanh bao phủ, có dòng suối Thanh Thủy uốn khúc và dòng sông Lô đỏ ngầu phù sa chảy về xuôi. Đây là chưa kể tới những thác bạc réo rắt như bản nhạc muôn thuở, và sớm chiều mây trắng vờn quấn như đùa giỡn với cỏ, cây hoa lá cùng muôn cảnh vật.
Bản ở đây nghe tên cũng đẹp, Thanh Đức, Thanh Hương, Nậm Ngoặt, Nà Cáy, Nà Toong, Nậm Tà... Quây quần bên những sườn núi, được con người từ bao đời tạo nên những ruộng bậc thang trải dài tựa như một kiến trúc hài hòa, tô điểm thêm cảnh đẹp biên giới của đất nước”.
Những địa điểm được nhắc tới trong cuốn nhật kí của Liệt sĩ Trần Trung Thực cũng từng là nơi xảy ra chiến sự ác liệt nhất. Điều khác biệt có chăng chỉ là nay người dân đã trở lại sinh sống trong an yên, hạnh phúc.
Những luống ngô xanh tốt vươn mình lên từ hốc đá. Những thửa ruộng bậc thang mềm mại uốn cong quanh những ngọn đồi từng là nơi ẩn náu của những người lính Vị Xuyên.
Khi vừa đặt chân đến bản Nà Toong, nghe tin Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang vừa tìm thêm được một hài cốt của liệt sĩ ở bình độ 300, bà Liên rất xúc động và hy vọng đó chính là anh trai mình. Bà ôm lấy bộ hài cốt và liên tục gọi tên người anh trai.
Nhiều lần chứng kiến cảnh tượng như vậy, Thượng tá Thào Mí Dính - Đội trưởng Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang - không kìm nén được xúc động. Thượng tá cảm thấy trách nhiệm trên vai mình và những người đồng đội nặng nề hơn bao giờ hết.
“Còn rất nhiều anh em đồng đội của chúng tôi còn nằm ở đây. Mong cho các đồng chí chân cứng đá mềm, vượt đèo, vượt suối, tìm anh em đồng đội chúng tôi về nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên. Để mỗi khi lên đây, chúng tôi được thắp cho anh em một nén nhang, tưởng nhớ anh em đồng đội đã hy sinh”, thượng tá Dính nhớ lại lời dặn dò và cái bắt tay của của một cựu chiến binh Vị Xuyên.
Hơn 2 năm được điều chuyển về công tác tại đơn vị, Thượng tá Thào Mí Dình đã chỉ huy đơn vị tìm kiếm được hơn 30 bộ hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ duy nhất một liệt sĩ tìm được người thân. Đây là nỗi tâm tư, trăn trở nhất của Thượng tá Dính và toàn đội.
“Thành lập từ tháng 8/2018, sau hơn 5 năm thực hiện nhiệm vụ, Đội quy tập và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tỉnh Hà Giang đã tìm thấy 129 bộ hài cốt liệt sĩ và một ngôi mộ tập thể. Bộ hài cốt mà chị Liên đang hy vọng là anh trai mình là bộ số 12 chúng tôi tìm thấy trong năm nay. Sau khi lấy mẫu gửi đi để xét nghiệm, đối chiếu ngân hàng ADN, chúng tôi sẽ đưa các bác về nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên hương khói”, Thượng tá Dính cho hay.
Đối với những vùng đất còn nhiễm bom mìn nặng như Hà Giang, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gặp không ít khó khăn. Những năm qua, Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã dành không ít nguồn lực nhằm thực hiện rửa sạch bom mìn giai đoạn 1 và đang tiếp tục thực hiện rửa sạch bom mìn giai đoạn 2.
Sau khi làm lễ đưa 2 hài cốt liệt “chưa xác định danh tính” tìm được ở bình độ 300 về nghĩa trang Vị Xuyên, Thượng tá Nguyễn Văn Tân, Chính trị viên Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang có gửi cho chúng tôi một lời nhắn: “Các em nhớ đưa hình ảnh chiếc nhẫn bên trong có khắc chữ KN bên cạnh bộ hài cốt liệt sĩ các anh vừa tìm được nhé. Đây là kỷ vật duy nhất được anh em phát hiện cạnh 1 liệt sĩ “vô danh”. Biết đâu sẽ có cơ hội tìm được tên cho bác”.
Những năm gần đây, rất nhiều tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong Nam ngoài Bắc, trong đó có nhiều người từng là cựu chiến binh Vị Xuyên quay lại để chia sẻ tấm lòng đối với vùng biên ải xa xôi của Tổ quốc.
Họ đến Hà Giang góp tiền xây trường học cho trẻ em; tặng đồng bào nghèo phương tiện sinh kế bằng heo giống, bò giống; xây những ngôi nhà mới vững chãi cho đồng bào thay cho nơi ở cũ dột nát...
Họ xây cả những ngôi chùa hộ quốc ở vùng biên và dựng lên những khu du lịch khang trang, tạo nguồn thu cho địa phương vùng phên dậu còn khó khăn chồng chất.
Đại tá Nguyễn Hoài Nam - Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang - chia sẻ: “Giữ được hòa bình, xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, phát triển đời sống người dân ở vùng đất biên giới là nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Bên cạnh công tác rà phá, làm sạch bom mìn; công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ; công tác đền ơn đáp nghĩa…, thì việc giúp đỡ người dân ổn định, an tâm làm ăn, phát triển kinh tế cũng có một phần trách nhiệm của chúng tôi. Về phần những liệt sĩ còn chưa được tìm thấy hài cốt, chúng tôi sẽ cố gắng tìm và đưa các liệt sĩ về Nghĩa trang Vị Xuyên”.
Bình luận