Theo tài liệu bị rò rỉ đề ngày 28/2, Lầu Năm Góc cho hay, Ukraine đang sử dụng khoảng 69 tên lửa Buk và 200 tên lửa S-300 mỗi tháng. Với tốc độ bắn này, lực lượng của Kiev sẽ hết đạn Buk vào cuối tuần này và kho dự trữ S-300 sẽ cạn kiệt vào ngày 3/5.
Việc tìm nguồn tên lửa cho các nền thiết bị phòng không do Liên Xô chế tạo đang là bài toán khó giải cho Kiev và các nước phương Tây. Ukraine đã nhận được 3 hệ thống phòng không Iris-T của Đức và 8 hệ thống phòng không NASAMS của Mỹ. Tuy nhiên, các hệ thống này tiêu thụ khoảng 64 tên lửa mỗi tháng, trong khi số lượng các loại tên lửa này hạn chế, không thể so về độ bao phủ của S-300.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt, các nhà hoạch định quân sự Mỹ ước tính rằng Ukraine cần 16 khẩu đội Iris-T hoặc NASAMS và 12 khẩu đội Patriot hoặc SAMP-T. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép triển khai một khẩu đội Patriot cho Kiev, trong khi Đức cam kết cung cấp một khẩu đội khác, còn Pháp và Italy đồng ý viện trợ hệ thống SAMP-T.
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal dẫn lời phát ngôn quân đội Ukraine nói hiện chưa có hệ thống phòng không nào trong số này đến Ukraine.
Trong nỗ lực giành lợi thế trên không trước Nga, Kiev đã yêu cầu thêm các hệ thống phòng không từ phương Tây trong nhiều tháng. Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đề nghị Mỹ và các đồng minh cung cấp thêm các hệ thống phòng không kể từ năm ngoái, gọi thiết bị này là “ưu tiên số một” của Kiev.
Tổng thống Zelensky và các trợ lý cũng đã kêu gọi đồng minh cung cấp các máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất như F-16 của Mỹ. Một số nước châu Âu cho biết họ sẵn sàng tiếp nhận ý tưởng này, trong khi Mỹ cho đến nay vẫn từ chối.
Lầu Năm Góc vẫn chưa xác nhận tính xác thực thông tin tài liệu bị rò rỉ, được đăng tải trên mạng xã hội trong tuần qua. Tài liệu rò rỉ nêu chi tiết kế hoạch tác chiến của Mỹ ở Ukraine, việc theo dõi các đồng minh, cũng như thông tin “nhạy cảm” liên quan đến Ukraine, Trung Quốc, Trung Đông và chủ nghĩa khủng bố.
Bình luận