Hôm 14/3, lực lượng Mỹ nói một máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của nước này bị bắn hạ khi đang “hoạt động trong không phận quốc tế” trên biển Đen. Mỹ cáo buộc 2 máy bay Su-27 của Nga nhiều lần xả nhiên liệu lên chiếc UAV và đâm vào cánh quạt của máy bay không người lái này.
Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận việc lực lượng nước này là nguyên nhân gây ra sự cố UAV Mỹ rơi trên biển Đen, đồng thời cáo buộc UAV MQ-9 của Mỹ xâm phạm ranh giới không phận tạm thời được thiết lập tại bán đảo Crimea cho chiến dịch quân sự đặc biệt. Nga xem việc UAV Mỹ do thám ngoài khơi Crimea là hành động khiêu khích và UAV Mỹ gặp sự cố do thay đổi hướng bay đột ngột trên không dẫn đến mất độ cao và đâm xuống biển.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên.
Theo chuyên gia Graham T. Allison viết trên National Interest, trong khi các chi tiết về vụ việc vẫn chưa được tiết lộ, có thể nhìn lại những sự cố trong quá khứ để tìm hiểu về những gì có thể xảy ra.
Trường hợp gần nhất là vào tháng 6/2019, khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái giám sát Global Hawk của Mỹ trên eo biển Hormuz. Trong khi Mỹ tuyên bố rằng máy bay này bay cách bờ biển Iran hơn 33 km, Iran cho rằng máy bay đã bay đến khu vực nằm trong phạm vi 12,8 km tính từ biên giới, tức là trong vùng lãnh hải được công nhận, dẫn đến xâm phạm chủ quyền.
Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump viết trên Twitter rằng Iran đã phạm phải một "sai lầm lớn" và được cho là đã cân nhắc triển khai một loạt cuộc tấn công vào các cơ sở tên lửa và radar của Iran. Tuy nhiên, không có cuộc tấn công nào được tiến hành. Thay vào đó, Mỹ đệ đơn khiếu nại lên Liên hợp quốc, áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung và được cho là đã tiến hành các cuộc tấn công mạng với Iran.
Năm 2001, năm đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush, một máy bay do thám EP-3 của hải quân Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam, Trung Quốc sau khi có va chạm với máy bay Trung Quốc trên Biển Đông. Sự cố khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng, đoàn bay Mỹ 24 người bị giữ ở Trung Quốc trong 10 ngày. Kết thúc vụ việc, Mỹ bày tỏ “sự tiếc nuối và đau buồn”, Trung Quốc thả đội bay Mỹ, và sau khi tháo rời máy bay để thu thập thông tin, vài tháng sau Trung Quốc trả lại các bộ phận máy bay.
Năm 1968, tàu USS Pueblo của Mỹ với 83 thủy thủ bị Triều Tiên bắt giữ khi tiến hành các hoạt động giám sát ngoài khơi bờ biển Triều Tiên. Triều Tiên cho rằng tàu đã đi vào lãnh hải, trong khi Mỹ phản bác. Sau 11 tháng đàm phán, Mỹ xin lỗi, thừa nhận con tàu hoạt động do thám và đưa ra cam kết không do thám trong tương lai để đổi lấy sự trở lại của thủy thủ đoàn. Triều Tiên vẫn giữ tàu Pueblo.
Trong khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, hai máy bay U-2 của Mỹ bay qua lãnh thổ của đối thủ. Chiếc đầu tiên bay qua Liên Xô, được cho là nhằm cập nhật mục tiêu trước khi tấn công. Chiếc thứ hai bay qua Cuba, nơi Liên Xô đang gấp rút hoàn thành việc xây dựng các bệ phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Trong vụ thứ nhất, dù cả máy bay chiến đấu của Liên Xô và Mỹ đụng độ, không có phát súng nào được bắn ra và các máy bay trở về căn cứ an toàn. Chiếc U-2 thứ hai bị lực lượng phòng không tên lửa đất đối không (SAM) của Liên Xô bắn hạ ở Cuba, khiến phi công thiệt mạng, nhưng không có hành động đáp trả nào.
Như vậy, theo chuyên gia của National Interest, quay lại vụ UAV Mỹ trên biển Đen, trong vài ngày tới, hai bên có thể sẽ tiếp tục đưa ra những luận điểm tranh cãi về những gì đã xảy ra. Mỗi bên sẽ cố gắng để chứng minh câu chuyện của mình.
Một số diễn biến khác có thể đoán trước bao gồm những chỉ trích trong nội bộ chính quyền Mỹ vì đã để sự việc xảy ra, bên cạnh đó là lên án hành động của Nga. Dù vậy, kịch bản trả đũa về mặt quân sự được cho là ít có khả năng xảy ra.
Bình luận