(VTC News) - Đã quá quen thuộc khi HLV Toshiya Miura giấu bài về đấu pháp, lực lượng trước thềm một giải đấu bất kì, song vấn đề ở chỗ là ông 'giấu' luôn cả đội trưởng U23 Việt Nam.
Có lẽ chưa có bất cứ cấp độ đội tuyển nào có nhiều đội trưởng như U23 Việt Nam hiện tại. Sau hơn 1 tháng tập trung và trải qua 6 trận giao hữu, tấm băng đội trưởng U23 Việt Nam đã qua tay tới 9 cầu thủ, và còn xoay tua ngay trong trận đấu song song với thay đổi nhân sự.
Cụ thể, tính đến sau trận giao hữu thua U23 Nhật Bản 0-2 vào tối qua 7/1, những đội trưởng của U23 Việt Nam gồm: Mạnh Hùng, Thanh Hiền, Tiến Dũng, Hữu Dũng, Duy Mạnh, Tấn Tài, Công Phượng, Thanh Bình và Duy Khánh.
Công Phượng là 1 trong 9 ứng viên đeo băng đội trưởng (Ảnh: Quang Minh) |
Trước thềm một giải đấu bất kì, có lẽ người hâm mộ nào đã quá quen với việc HLV Miura thử nghiệm vị trí. Song, việc ông thầy người Nhật Bản này đang "giấu" luôn cả đội trưởng U23 Việt Nam thực sự là một vấn đề, thậm chí là vấn đề khá nghiêm trọng.
Xét ở khía cạnh cầu thủ, người đội trưởng luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong đội bóng. Vị thế, tiếng nói của anh ta trong tập thể có lẽ chỉ xếp sau HLV trưởng, trong vài trường hợp còn ngang bằng hoặc hơn thế. Như HLV Phạm Minh Đức - đội U21 báo Thanh Niên Việt Nam từng khẳng định "Lúc thi đấu trên sân, đội trưởng là người phải luôn sẵn sàng thay thế tôi dẫn dắt anh em cầu thủ".
Cũng vì lí do trên, tấm băng đội trưởng phải được nhắm đến cho một cầu thủ nhất định - có uy tín nhất hoặc chuyên môn tốt nhất đội, và cũng chỉ có tối đa 2 phương án dự phòng trường hợp cầu thủ đó không thể thi đấu.
Bởi nếu "ai đeo cũng được" như cái cách xoay tua tới 9 cầu thủ của HLV Miura với U23 Việt Nam thì, tấm băng đội trưởng chẳng khác nào một vật trang trí trên bắp tay cầu thủ. Dẫn đến thêm một điều xấu rất dễ xảy ra là mất đoàn kết nội bộ. Cầu thủ nào cũng có thể "thay thế HLV" thì còn ai nghe ai nữa?
Thanh Bình (11), một ứng viên khác cho vai trò thủ lĩnh (Ảnh: Hoàng Tùng) |
Xét trên phương diện HLV trưởng, việc ông Miura chưa chọn được đội trưởng U23 Việt Nam hẳn là vì ông chưa thực sự tin tưởng cầu thủ nào cho vai trò này.
Tuy nhiên, dựa trên cách làm việc bảo thủ và cứng nhắc đã quá quen thuộc khi nhắc tới HLV Miura, sẽ không quá suy diễn khi đặt ra nghi vấn rằng, phải chăng người đàn ông Nhật Bản này đang muốn có vị thế, tiếng nói độc tôn ở U23 Việt Nam?
Tuy nhiên, dựa trên cách làm việc bảo thủ và cứng nhắc đã quá quen thuộc khi nhắc tới HLV Miura, sẽ không quá suy diễn khi đặt ra nghi vấn rằng, phải chăng người đàn ông Nhật Bản này đang muốn có vị thế, tiếng nói độc tôn ở U23 Việt Nam?
Việc ông Miura xoay tua vai trò thủ lĩnh thực chất chẳng khác gì lời nhắn nhủ đến các học trò rằng, bất cứ cầu thủ nào cũng đều có tiếng nói ngang nhau nhưng tựu chung lại, tất cả phải đặt dưới mệnh lệnh của HLV trưởng - người tất nhiên phải được nể trọng nhất đội.
HLV Toshiya Miura vẫn đang 'giấu' đội trưởng U23 Việt Nam (Ảnh: H.T) |
Có một chi tiết thú vị khi so sánh giữa HLV Phạm Minh Đức và HLV Miura, ở cách đặt niềm tin vào cầu thủ đeo tấm băng màu sáng duy nhất trong số 11 cầu thủ.
Ở trận U21 báo Thanh Niên Việt Nam - U21 Singapore, lượt cuối bảng A giải U21 Quốc tế, vì trời đổ mưa to nên HLV Minh Đức dù ra rất sát đường biên nhưng không thể chỉ đạo được hết toàn đội và ông phó mặc hết cho trung vệ đội trưởng Thân Thành Tín "chỉ đạo anh em trên sân". Kết quả là U21 báo Thanh Niên Việt Nam giành chiến thắng 2-1 với một thế trận áp đảo.
Hình ảnh này sẽ lặp lại ở VCK U23 châu Á sắp tới đây? (Ảnh: Phạm Thành) |
Trái ngược hoàn toàn, trong các đoàn quân dưới trướng HLV Miura dường như chưa bao giờ có một thủ lĩnh thực sự trên sân - đầu tàu luôn sẵn sàng kéo cả tập thể vượt qua những thời điểm bế tắc, khó khăn. Thay vào đó, tất cả chỉ là những toan tính chiến thuật đã đổ bể, những sai lầm cá nhân dẫn đến thất bại hay đơn giản là do... quá đen.
6 ngày nữa, U23 Việt Nam sẽ có trận đấu đầu tiên tại VCK U23 châu Á. Thời điểm đó, tất cả chắc chắn sẽ biết người đeo tấm băng màu sáng đã "qua tay" 9 cầu thủ, là cầu thủ nào?
Hoàng Tùng
Bình luận