So sánh là điều cần thiết trong bóng đá. So sánh tạo ra cạnh tranh, ganh đua, thúc đẩy cầu thủ nỗ lực và phát tiết sức mạnh tiềm ẩn. Việc so sánh đội bóng này với đội bóng khác, cầu thủ này với cầu thủ khác, nhìn theo khía cạnh tích cực, luôn tạo ra động lực để cá nhân hay tập thể đi lên. Bóng đá là môn thể thao ganh đua, nhất là bóng đá đỉnh cao với những người chọn nó làm cái nghề, cái nghiệp.
U23 Việt Nam hôm nay sẽ không tị nạnh với thế hệ đàn anh. Trái lại, nhờ có kỳ tích của Công Phượng, Xuân Trường, Duy Mạnh,... trên đất Thường Châu năm nào, U23 Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung mới được quan tâm, mến mộ nhiều hơn. U23 Việt Nam của năm 2018 từng lặng lẽ bước vào chiến dịch vòng loại trên mặt sân "đầm lầy" với không nhiều kỳ vọng. U23 Việt Nam hôm nay được đặt niềm tin nhiều hơn, đó đã là một đặc ân.
U23 Việt Nam 1-0 U23 Indonesia
Sự so sánh giữa U23 Việt Nam hôm nay và U23 Việt Nam 2018 là điều cần thiết, bởi như đã nói, bóng đá cần có sự ganh đua, thậm chí cạnh tranh đến mức... nghẹt thở như cuộc đua giữa Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Dẫu vậy, khi so sánh bất cứ lứa cầu thủ nào với nhau, cần đặt họ vào đúng một hệ quy chiếu với những tiêu chuẩn thống nhất.
"Dường như chúng ta đang nhầm lẫn trước hào quang của U23 Việt Nam 2018 nhiều quá. Người hâm mộ chỉ nhớ U23 Việt Nam đoạt ngôi á quân, hãy nhớ xem toàn đội đã đá với U23 Hàn Quốc, U23 Australia thế nào", chuyên gia Phan Anh Tú chia sẻ sau khi một bộ phận khán giả thở dài vì chiến thắng chật vật của U23 Việt Nam trước U23 Indonesia. Đúng là U23 Việt Nam hiện tại không bằng "tiền bối", nhưng là không bằng U23 Việt Nam ở thời điểm vào chung kết U23 châu Á.
Còn ở thời điểm dự vòng loại, đội bóng hiện tại của HLV Park Hang Seo đâu có kém cạnh đàn anh?
U23 Việt Nam 2018 từng chơi ở mức trung bình khá ở vòng loại, thắng những đối thủ yếu như Timor Leste (4-0) hay Macau (8-0), thua đội hình phụ của Hàn Quốc 1-2. Sau đó không lâu, thầy trò HLV Hữu Thắng thua ê chề ở SEA Games, bị loại từ vòng bảng. U23 Việt Nam hiện tại cũng có 6 điểm/ 2 trận đầu, chưa thủng lưới và còn thắng được U23 Indonesia, điều mà 11 năm qua, bóng đá Việt Nam chưa làm được lần nào ở giải đấu chính thức.
Tức là xét về hành tích vòng loại, U23 Việt Nam hiện tại không kém thế hệ trước.
Về lối chơi, U23 Việt Nam hiện tại chưa thể hiện được nhiều. Phòng ngự lỏng lẻo, tấn công thiếu bài vở, không có nhiều mảng miếng đặc sắc. Nhưng một lần nữa, khán giả nên cảm thông với lứa cầu thủ này. Thời gian tập trung ít ỏi cộng với việc ít được thi đấu ở V-League khiến các cầu thủ giữ được cảm giác bóng còn khó, chứ chưa nói đến chuyện thăng hoa.
Tiến Dũng, Thành Chung, Thái Quý dự bị ở CLB Hà Nội, Tấn Sinh ít khi được ra sân ở Quảng Nam, Thanh Bình là phương án 2 ở Viettel, trong khi Hoàng Đức mới được hít thở không khí V-League.
Việt Hưng, Thanh Thịnh, Tấn Tài được đá nhiều hơn, nhưng kinh nghiệm thi đấu quốc tế là con số 0 tròn trĩnh. Sự non nớt của lứa này khác hẳn với lứa trước khi Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Hồng Duy, Duy Mạnh, Đình Trọng đã "nhẵn mặt" với V-League, còn Quang Hải là vua giải trẻ.
HLV Park Hang Seo thành công một phần nhờ lứa U20 World Cup kết hợp với lứa cầu thủ của lò HAGL JMG khoá 1, 2 đã đủ độ chín sau khi bầu Đức đưa các cầu thủ lên đá V-League. Dù các CLB mạnh dạn trẻ hoá hơn, song để lứa tìm được một lứa U23 giàu kinh nghiệm, đá nhiều giải quốc tế và tích luỹ đủ... thất bại để có sức bật là chuyện không dễ dàng. Nếu dễ như thế, đã chẳng có khái niệm "thế hệ vàng".
Còn quá sớm để kết luận về lứa U23 Việt Nam hôm nay. Hoàng Đức, Thái Quý, Thanh Thịnh, Tấn Tài,... đều có tiềm năng, song vấn đề là họ ít được cọ xát đỉnh cao như các đàn anh nên chưa đủ trưởng thành. Các cầu thủ cần thêm thời gian và cả sự bao dung, kiên nhẫn của khán giả. Phải có ngọn lửa nóng bỏng như ngọn lửa U23 Indonesia tối qua để luyện nên vàng nguyên chất.
Và nếu so sánh đi nữa, thì cũng nên là những so sánh công tâm, mang tính chất động viên. "Dìm hàng" một lứa cầu thủ vừa thành hình và mới có đôi ba trận đá cùng nhau không phải cách hay để bóng đá Việt Nam phát triển.
Bình luận