• Zalo

U23 Việt Nam cần gì để vận hành sơ đồ 3-4-3?

Thể thaoThứ Sáu, 15/12/2017 14:17:00 +07:00Google News

HLV Park Hang Seo sẽ phải rất kiên nhẫn với các học trò nếu muốn U23 Việt Nam chơi nhuần nhuyễn sơ đồ 3-4-3 tại vòng chung kết U23 châu Á đầu năm sau.

Hơn 2 tháng sau ngày ký hợp đồng với bóng đá Việt Nam, huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo đang mang tới những điều mới mẻ - đúng như tuyên bố trong lễ ra mắt.

Ở đội tuyển quốc gia, chiến lược gia người Hàn Quốc thực thi "kỷ luật thép" và yêu cầu các tuyển thủ tập lại những bài di chuyển, phối hợp dứt điểm căn bản. Ở U23 Việt Nam, dấu ấn Park Hang Seo tỏ ra đậm nét hơn với sơ đồ 3-4-3 cùng hệ thống chiến thuật hiện đại so với các đời HLV trước đây.

Tín hiệu vui với công thức 3-4-3 đã đến khi U23 Việt Nam chơi tốt trước U23 Myanmar và có thất bại "xem được" trước U23 Uzbekistan. Tuy nhiên, để vận hành thành công sơ đồ 3-4-3 và mang đi chinh chiến tại sân chơi khắc nghiệt như vòng chung kết U23 châu Á, HLV Park Hang Seo cần thêm thời gian. Ở thời điểm này, U23 Việt Nam vẫn thiếu rất nhiều yếu tố để chơi theo cách cựu trợ lý của Guus Hiddink mong muốn.

Video: U23 Việt Nam 1-2 U23 Uzbekistan

Dấu hỏi hàng phòng ngự

Điều dễ nhận thấy nhất ở U22 Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng là sự thiếu chắc chắn nơi hàng phòng ngự. Trên thực tế, Bùi Tiến Dũng cùng các đồng đội đã giữ sạch lưới 4/9 trận tại vòng loại U23 châu Á và SEA Games 29, chỉ để lọt lưới 7 bàn.

Đây là những con số nói dối, bởi U22 Việt Nam (tiền thân của U23 Việt Nam hiện tại) chỉ phòng ngự tốt trong những thế trận áp đặt trước các đối thủ yếu hơn.

Còn lại, đứng trước đối thủ ngang hoặc trên tầm như U22 Thái Lan và U22 Hàn Quốc, U22 Việt Nam lập tức bộc lộ vấn đề. Các bàn thua đến từ sai lầm cá nhân lẫn sai lầm có tính tổ chức. Nhưng tựu chung lại, hàng thủ của U22 Việt Nam rất dễ mất tập trung khi đối phương áp sát nhanh và hàng tiền vệ không tạo được thế trận áp đảo.

Tại giải giao hữu M-150, vấn đề hàng thủ lại là dấu hỏi khi những Duy Mạnh, Đình Trọng bỡ ngỡ với vai trò mới. Sơ đồ phòng ngự 3-4-3 khiến U23 Việt Nam cơ động và chắc chắn hơn trên lý thuyết, song những khoảng trống vẫn cứ lộ ra, ngay cả khi U23 Việt Nam đè bẹp U23 Myanmar 4-0. Bàn thua trong cuộc so tài với U23 Uzbekistan một lần nữa dấy lên vấn đề rất cũ về khả năng đứng vị trí và cản phá bóng bổng của các tuyển thủ.

15-u23-vietnam-u23-uzbekistan 15

U23 Việt Nam gặp khó trước lối chơi áp sát nhanh của U23 Uzbekistan.

Trong sơ đồ 3-4-3, các hậu vệ phải phân chia vai trò và quản lý khu vực rõ ràng. Cầu thủ "thòng" phải quan sát tốt để điều phối di chuyển cho các đồng đội (như David Luiz ở Chelsea hay Leonardo Bonucci ở AC Milan).

Sau 2 trận đấu, HLV Park Hang Seo vẫn chưa tìm được cái tên phù hợp để đá sâu nhất nơi hàng phòng ngự. Duy Mạnh là cái tên sáng giá nhất, nhưng cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội vừa "mất điểm" nghiêm trọng trong trận gặp U23 Uzbekistan.

Đối đầu với những đối thủ rất mạnh tại vòng chung kết U23 châu Á, hàng thủ buộc phải trở thành nền tảng của U23 Việt Nam. Đáng tiếc, đó lại là phòng tuyến khiến Park Hang Seo "mất ăn mất ngủ" nhất ở thời điểm này.

Xuân Trường có đáp ứng kỳ vọng?

Ở vòng loại U23 châu Á, HLV Hữu Thắng chỉ một lần gạt Xuân Trường khỏi đội hình xuất phát trước đối thủ yếu U22 Đông Timor vì lý do thể lực. Còn lại, tiền vệ người Tuyên Quang luôn là hạt nhân trong lối chơi toàn đội, từ U22 đến tuyển quốc gia.

Sự ưu ái dành cho Xuân Trường tiếp tục đến từ Park Hang Seo, khi chiến lược gia người Hàn Quốc hiểu Xuân Trường và đánh giá học trò của mình là cầu thủ mang tính chìa khóa (key player) với đội bóng. Dẫu vậy, Xuân Trường đang chưa đáp ứng kỳ vọng trong sơ đồ 3-4-3 mới mẻ của Park Hang Seo.

Về mặt lý thuyết, những đường chuyền ở cự ly trung bình - dài của cầu thủ thuộc biên chế Gangwon có thể mở ra rất nhiều phương án tấn công cho U23 Việt Nam.

Sự ăn ý của Xuân Trường với các đồng đội tại HAGL như Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh, A Hoàng cũng là điểm cộng. Song ở sơ đồ chiến thuật đòi hỏi sự di chuyển cần mẫn và linh hoạt của tất cả các mắt xích, điểm yếu thể lực của Xuân Trường đang trở thành điểm trừ.

Xuân Trường không tạo được dấu ấn trong cả 2 trận gần nhất, và với nền tảng thể lực rất khó cải thiện trong một sớm một chiều, HLV Park Hang Seo cần có phương án dự phòng cho cầu thủ yêu thích của mình.

Ai đá tiền đạo cắm?

Bộ ba tấn công Công Phượng - Văn Toàn - Quang Hải đã có 90 phút khuấy đảo hàng thủ U23 Myanmar, với điểm nhấn là cú đúp của Quang Hải cùng những đường chuyền sắc bén của Công Phượng. Sự di chuyển linh hoạt của ba cầu thủ nói trên giúp U23 Việt Nam có được lợi thế trước những đối thủ có thể hình tương đương và không giữ vững vị trí ở trong trạng thái phòng ngự. Nhưng với vòng chung kết U23 châu Á, mọi chuyện sẽ rất khác.

U23 Viet Nam vs U23 Thai Lan (3)

Công Phượng sẽ có rất ít khoảng trống ở vòng chung kết U23 châu Á.

U23 Hàn Quốc nổi tiếng với nền tảng thể lực sung mãn cùng lối chơi khoa học, trong khi U23 Australia và U23 Syria có thể hình cực tốt. Nếu U23 Việt Nam tiếp tục đá với sơ đồ chiến thuật không có một trung phong cắm thuần túy, toàn đội rất dễ rơi vào tình trạng tấn công "luẩn quẩn" (như ở SEA Games) khi không có một cầu thủ cụ thể nào là mục tiêu trong các pha lên bóng.

Đứng trước bài toán đó, HLV Park Hang Seo có thể cân nhắc vai trò của Đức Chinh - người chơi tròn vai trong nhiệm vụ mũi nhọn phản công. Dù vậy, Đức Chinh chưa đạt phong độ cao ở thời điểm này và chưa bao giờ được đánh giá cao ở khả năng.... dứt điểm. Muốn chân sút người Phú Thọ mau chóng hòa nhập và lấy lại khả năng "đánh hơi" vị trí ở thời điểm này, Park Hang Seo cùng các cộng sự cần thêm nhiều trận đấu để mài dũa học trò.

Còn không, tiền đạo sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối. Bởi đôi khi, có nhiều cầu thủ tấn công quá cũng đồng nghĩa với... không có gì, khi không cầu thủ nào đảm trách được vị trí cao nhất trong đội hình.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn