Tỷ lệ tiêm vaccine có thành phần bạch hầu chưa đảm bảo tiến độ, mới đạt 36%

Tin tứcThứ Ba, 16/07/2024 14:57:00 +07:00
(VTC News) -

Theo Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm vaccine "5 trong 1" có thành phần bạch hầu và ho gà cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi mới chỉ đạt 36,8%.

Theo kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2025 vừa được Bộ Y tế ban hành, trong 5 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng chưa đạt tiến độ. Chỉ vaccine phòng lao, vaccine sởi và vaccine DPT có thành phần bạch hầu (tiêm cho trẻ lớn lúc 18 - 24 tháng tuổi) đạt tiến độ theo kế hoạch, với tỷ lệ 40%.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine "5 trong 1" có thành phần bạch hầu và ho gà (DPT- DPT-VGB-Hib 3) cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi chỉ đạt 36,8%. Tương tự, tỷ lệ tiêm các vaccine còn lại như phòng viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu, vaccine viêm não, vaccine sởi - rubella chỉ từ 26% đến 36%.

Kế hoạch tiêm chủng mở rộng 2025 của Bộ Y tế gồm các việc cần triển khai như mua sắm vaccine cho tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng bổ sung, tiêm bù, tiêm vét và triển khai vaccine mới trong tiêm chủng mở rộng năm 2025, bao gồm 11 loại vaccine: viêm gan B sơ sinh, lao, bại liệt uống, sởi, sởi - rubella, viêm não Nhật Bản, bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT lúc 4 tuổi), uốn ván - bạch hầu (Td) giảm liều cho trẻ 7 tuổi, uốn ván, rota và DPT-VGB-Hib.

Tác dụng bảo vệ của vaccine có thành phần bạch hầu kéo dài ít nhất 10 năm. (Ảnh minh hoạ)

Tác dụng bảo vệ của vaccine có thành phần bạch hầu kéo dài ít nhất 10 năm. (Ảnh minh hoạ)

Các tỉnh, thành sẽ tổ chức tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh tại các bệnh viện, trạm y tế, tổ chức tiêm chủng cho trẻ có bệnh nền, trẻ cần khám sàng lọc tại bệnh viện. Các địa phương tổ chức tiêm chủng thường xuyên ít nhất 2 lần/tháng, thực hiện tiêm vét ngay trong tháng; triển khai tiêm vét, tiêm bù mũi các vaccine trong tiêm chủng mở rộng cho đối tượng chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi.

Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm 3 mũi vaccine phối hợp có thành phần phòng bệnh bạch hầu vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Đây là liều cơ bản để phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em. Tuy nhiên, nồng độ kháng thể sau tiêm liều cơ bản sẽ giảm dần theo thời gian, nên cần tiêm chủng các mũi nhắc lại để củng cố miễn dịch bảo vệ lâu dài đối với bệnh bạch hầu.

Từ năm 2011, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã triển khai lịch tiêm nhắc vaccine phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) mũi 4 cho trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi. Nhờ đạt được tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu cao trên 90% trong nhiều năm qua đã góp phần giảm đáng kể số ca mắc bạch hầu.

Trong các năm 2013 - 2020 ghi nhận một số ổ dịch bạch hầu xảy ra rải rác ở một số địa phương. Bệnh nhân chủ yếu gặp ở nhóm trẻ lớn và người lớn chưa được tiêm chủng, chưa tiêm đủ mũi vaccine hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Điều này cho thấy sự cần thiết triển khai tiêm nhắc lại thêm 1 mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ lớn khi bước vào độ tuổi đi học.

Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, từ năm 2019, Bộ Y tế đã triển khai hàng năm vaccine uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ 7 tuổi tại các tỉnh, thành nguy cơ cao về dịch, là các tỉnh có ca mắc bạch hầu và tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp. Diện triển khai tiêm vaccine Td từ 30 tỉnh, thành năm 2019 được mở rộng đến 37 tỉnh, thành trong năm nay.

Bình luận
vtcnews.vn