6h50 ngày 16/10 (giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động của USD với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) ở mức 113,29 điểm.
Đồng USD đã chốt phiên tuần ở mức tăng mạnh 0,94%. Đặc biệt, trong tuần qua, đồng USD đã tiếp đà tăng tuần 0,45%, đạt mốc 113,30.
Trong hai phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD tăng giá so với hầu hết các loại tiền tệ chính, trước thềm dữ liệu lạm phát Mỹ được công bố.
Đến phiên giao dịch ngày 13/10, đồng USD tăng – giảm thất thường sau khi biên bản cuộc họp tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố, thể hiện quyết tâm của Fed trong việc tăng lãi suất “khủng” nhằm kiềm chế lạm phát, “ngay cả khi thị trường lao động phát triển chậm lại”.
Tuy nhiên, tới phiên giao dịch tiếp theo, đồng USD đã quay đầu giảm giá sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy tình hình lạm phát tại Mỹ tăng nóng hơn dự kiến. Theo đó, giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng hơn dự kiến trong tháng 9 và áp lực lạm phát cơ bản tiếp tục leo thang, củng cố kỳ vọng về việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (bps) nữa tại cuộc họp chính sách vào tháng tới.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,4% trong tháng 9, sau mức tăng 0,1% trong tháng 8, và vượt mức dự đoán của các nhà kinh tế là 0,2%. Xét trên giai đoạn 12 tháng, lạm phát tổng thể tăng 8,2% trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với đỉnh 9% hồi tháng 6, nhưng vẫn dao động gần mức đỉnh 40 năm. Hợp đồng tương lai của các quỹ cũng đã định giá 13,4% khả năng Fed tăng lãi suất 100 bps.
Vào phiên giao dịch cuối tuần, đồng USD đã phục hồi trở lại nhờ vị thế tài sản trú ẩn an toàn, giữa tất cả những biến động và căng thẳng trên thị trường. Ngoài ra, doanh số bán lẻ của Mỹ đã bất ngờ không thay đổi trong tháng 9 do lạm phát cao và lãi suất tăng nhanh làm giảm nhu cầu hàng hóa. Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát từ Đại học Michigan hôm 14/10 cho thấy, tâm lý người tiêu dùng đã được cải thiện hơn trong tháng 10. Cả hai yếu tố trên đều phù hợp với kỳ vọng của thị trường đối với việc Fed sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nữa tại cuộc họp chính sách vào tháng tới.
Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng từ Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát đang tăng. Thông tin lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao khiến thị trường lo ngại cuộc họp đầu tháng 11 của Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Lạm phát dai dẳng vẫn là vấn đề đối với Fed và lo ngại của nhà đầu tư xung quanh việc thắt chặt chính sách của các Ngân hàng Trung ương. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ hiện đạt 3,901% đã hỗ trợ USD lên cao.
Trong một diễn biến khác, đồng bảng Anh giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ sau khi Thủ tướng Anh Liz Truss sa thải bộ trưởng tài chính của bà và loại bỏ các phần trong gói kinh tế của họ đã gây ra sự tàn phá trên thị trường tài chính Anh.
Mặt khác, đồng đô la tiếp tục leo cao hơn so với đồng yên, chạm mức cao nhất trong 32 năm mới là 148,74. Lần cuối cùng nó tăng 1% ở mức 148,67 yên.
Đồng đô la đang trên đà công bố hiệu suất hàng tuần tốt nhất so với đồng tiền của Nhật Bản kể từ khoảng giữa tháng 8.
Tỷ giá USD trong nước
Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch 15/10, tỷ giá trung tâm USD/VND tại Ngân hàng Nhà nước ở mức 23.541 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức 23.925 đồng.
Sáng 16/10, tỷ giá USD/VND tại Ngân hàng Vietcombank được niêm yết ở mức 23.620 - 24.230 đồng/USD (mua - bán). Ngân hàng Vietinbank niêm yết ở mức 23.905 - 24.247 đồng/USD (mua - bán), tại BIDV là 23.950 - 24.230 đồng/USD (mua - bán).
Cũng trong sáng nay, tỷ giá đồng euro tại Vietcombank là 22.939 - 24.222 đồng/EUR (mua - bán), Vietinbank niêm yết 22.602 - 23.892 đồng/EUR (mua - bán), BIDV niêm yết mức giá 23.152 - 24.212 đồng/EUR (mua - bán).
Bình luận