• Zalo

Tuyển Việt Nam: Lò xay HLV, luẩn quẩn triết lý bóng đá

Thể thaoThứ Tư, 04/10/2017 15:23:00 +07:00Google News

Mỗi đời HLV mang đến một triết lý bóng đá khác nhau, khiến tuyển Việt Nam không có bản sắc và không ổn định về thành tích.

Bóng đá Việt Nam đã có thời gian dài nương nhờ bóng đá Đức, hướng vọng bóng đá Đức với triết lý cơ bản là kỷ luật và khoa học. Nhưng rút cuộc thất bại. Điển hình là bản hợp đồng với Falko Goetz một người sinh ra ở Rodewisch, Đức, từng khoác áo Bayer Leverkusen khi còn là cầu thủ, từng huấn luyện Hertha BSC, 1860 Munich…

Thực tế, sức vóc người Việt có hạn, chơi bóng kiểu châu Âu là sở đoản. Phải một người nằm gai nếm mật như Calisto ở Việt Nam mới biết đường tới thành công. Song thành công cũng chỉ gói gọn ở đấu trường khu vực với triết lý phòng ngự phản công.

biemhoa-1346315 4

 Falko Goetz khi mới sang đã tuyên bố sẽ "tẩy" hết triết lý bóng đá của người tiền nhiệm Calisto.

Bóng đá Việt Nam dưới đời 2 thầy nội Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc chẳng có gì để bàn bởi nó chưa kịp tạo nên hình hài đã sụp đổ.

Khi U23 Việt Nam thất bại ở SEA Games 27 trở về cũng là lúc lứa 1, Học viện HAGL JMG trình làng và nhanh chóng gây chú ý với thứ bóng đá ban bật ngắn, kỹ thuật, đẹp mắt và đặc biệt gây cảm giác thích thú khi luôn áp đảo những đối thủ đồng trang lứa ở khu vực, trong đó có Thái Lan.

Thế là một chân trời hy vọng mới mở ra, tương lai bóng đá Việt Nam được đặt lên vai lứa cầu thủ này, và đi cùng nó là một triết lý bóng đá mang bản sắc Việt Nam.

Dẫu vậy, trong cơn “cuồng vọng” U19 Việt Nam, những khuyết điểm từ những cuộc đối đầu với những đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn lộ ra mồn một như hay mắc sai lầm cá nhân, phòng ngự thiếu chắc chắn, và người cầm quân non kinh nghiệm, chỉ dừng lại ở khả năng của một thầy sư phạm.

HLV-Guillaume-Graechen-2

Graechen đã tạo nên một U19 Việt Nam đầy hoa mỹ nhưng thiếu hiệu quả. 

Thế là VFF chẳng cần học đâu xa nữa, họ tính học chính những đối thủ vừa đánh bại lứa cầu thủ tài năng của mình là Nhật Bản. Toshyia Miura sau đó đã đến như một người biệt phái của Liên đoàn bóng đá xứ mặt trời mọc.

Có điều, ông đến cùng triết lý bóng đá kỷ luật, thiên về sức mạnh, tốc độ. Thời điểm ông đến, đám trẻ nhà bầu Đức ở U19 Việt Nam và những cầu thủ trong tay ông ở U23 Việt Nam chuẩn bị cho Asiad 17 là hai thế giới gần như khác biệt.

Cũng bởi vậy, mâu thuẫn, bất đồng đã xảy ra khi những cầu thủ U19 năm nào hội lại dưới tay thuyền trưởng người Nhật trong màu áo U23 Việt Nam và chơi thứ bóng đá của ông chứ không phải thứ bóng đá từng làm đổ tường rào trụ sở VFF, vỡ sân Mỹ Đình.

Hệ quả của những bất đồng về triết lý bóng đá ấy là ông Miura phải dừng lại khi bản hợp đồng vẫn còn 2 tháng. Thế là bóng đá Việt Nam mất thêm 2 năm nữa đi theo hai ngả rồi khi gộp lại chẳng thành hình, thành tướng.

170859_HLV_Miura1 3

 Miura rời Việt Nam vì không sử dụng triết lý bóng đá ngắn và những cầu thủ của HAGL.

Miura đi thì Hữu Thắng lên. Ngày Hữu Thắng nhậm chức, ông tuyên bố sẽ theo đuổi triết lý bóng đá kiểm soát bóng, ban bật ngắn đúng ý bầu Đức và những ai yêu mến cầu thủ lò HAGL mong muốn.

Vậy nhưng kết quả thật bẽ bàng. U22 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng của kỳ SEA Games mà bầu Đức tuyên bố “nếu không vô địch hãy gọi ông là Đức nổ”, hay “nếu không vô địch, tôi sẽ nghỉ làm ở VFF”.

Chia sẻ với báo giới sau ngày rời đội tuyển, HLV Hữu Thắng nói rằng, hai năm không phải là thời gian dài với một HLV đội tuyển quốc gia. Trong thời gian đó, ông đã dùng nhiều thời gian và công sức để xây dựng lối đá cho đội tuyển. Nhưng khi lối chơi vừa được định hình và đang hoàn thiện thì ông phải dừng công việc. Và đó là điều ông cảm thấy tiếc nuối nhất.

Ngày Hữu Thắng bước chân ra khỏi ngôi nhà VFF, thì những người lãnh đạo trong ngôi nhà ấy cũng khẳng định, bóng đá Việt Nam dù thất bại tại SEA Games nhưng vẫn đang sở hữu một lứa cầu thủ tài năng, thậm chí ông Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia còn khẳng định là tốt nhất từ trước đến nay. Thế nên, mục tiêu khi tìm người thay thế Hữu Thắng của VFF là phải chọn một HLV có thể phát huy hết khả năng của lứa cầu thủ này.

Huu Thang (2)

Hữu Thắng mới chỉ vừa kịp định hình lối chơi cho đội tuyển đã phải ra đi.

Bây giờ ông Park Hang Seo đến. Trong ngày cơ bản đạt được thỏa thuận với chiến lược gia người Hàn Quốc, VFF trấn an dư luận rằng, họ lựa chọn ông Park vì ông có triết lý bóng đá phù hợp với tố chất con người Việt Nam. Thực tế phải chờ ông Park đến làm mới rõ và không ai có thể đảm bảo dưới trướng của ông, mọi thứ không bị đập đi xây lại.

Một điều nữa rất đáng nói, khi tuyển Việt Nam luẩn quẩn với triết lý bản sắc Việt thì ở cấp độ trẻ, bóng đá Việt Nam đang gặt hái được nhiều thành công với thứ bóng đá kỷ luật, đơn giản, hiệu quả mang đậm dấu ấn HLV Hoàng Anh Tuấn và GĐKT Jurgen Gede. Thế nhưng để đồng bộ và tạo sự liền mạnh vào U23 Việt Nam và đội tuyển Quốc gia lại là điều không dễ, nhất là khi Park Hang Seo và bộ đôi Hoàng Anh Tuấn - Jurgen Gede không cùng hệ triết lý.

Rất có thể, bóng đá Việt Nam sẽ lại tiếp tục trong vòng luẩn quẩn khi không có tính kế thừa. Mà hiển nhiên rồi, bản sắc là thứ được hình thành nhờ tính kế thừa, liên tục.

Hà Thành
Bình luận
vtcnews.vn