Cùng với UAE, Malaysia là đội bóng sốt sắng nhập tịch nhất ở bảng G để nâng cấp chất lượng đội hình. So với lực lượng thi đấu ở 5 trận đầu vòng loại World Cup trong năm 2019, HLV Tan Cheng Hoe bổ sung thêm 3 gương mặt: Guilherme de Paula (Brazil), Liridon Kraniqi (Kosovo) và Jacob Sommerville (Australia).
Cộng với trung vệ Dion Cools (gốc Malaysia) vừa được hoàn thành thủ tục thi đấu cách đây 6 ngày, HLV Tan Cheng Hoe có thể tung vào sân đội hình có 9 cầu thủ nhập tịch và gốc gác nước ngoài. Đây là kết quả của quá trình "quốc tế hóa đội hình" được tuyển Malaysia thực hiện suốt 3 năm. Số cầu thủ Malaysia bản địa chỉ còn xuống 3, 4 cái tên.
Hiệu quả
1 ngày sau khi Dion Cools được triệu tập, trung vệ này được trao suất đá chính ở trận gặp UAE. Tương tự, De Paula và Kraniqi được tin tưởng, dù bộ đôi này mới ra sân 1 trận trong màu áo ĐTQG.
Video: UAE 4-0 Malaysia
Xét về năng lực và kinh nghiệm, Cools, De Paula và Kraniqi vượt trội dàn cầu thủ bản địa. Cools từng chơi cho Club Brugge, Midtjylland ở Champions League - đẳng cấp cầu thủ Malaysia chưa từng đạt tới. Đây là lý do Malaysia liên tục nhập tịch cầu thủ trong thời gian giải đấu tạm hoãn vì đại dịch COVID-19.
Dù vậy, nhóm cầu thủ nhập tịch Malaysia để lại nỗi thất vọng lớn ở trận gặp UAE. De Paula, Krasniqi thi đấu mờ nhạt, Mohamadou Sumareh rất nỗ lực, nhưng không tạo ra hiệu quả trong lối chơi. Dion Cools cũng có trận đấu thảm họa ở vị trí trung vệ.
Khó trách nhóm cầu thủ nhập tịch của Malaysia, khi lực lượng này chỉ có ít tuần tập luyện để hòa nhập vào hệ thống của Tan Cheng Hoe. Trung vệ Dion Cools chỉ có 1 ngày duy nhất để tập luyện, chưa chắc thuộc hết tên các đồng đội.
UAE cũng là đối thủ quá mạnh để đội hình rời rạc của Malaysia đủ sức chống đỡ. Sau trận thắng 3-1 của đội bóng Tây Á trước Thái Lan, dễ thấy Malaysia bại trận vì UAE quá mạnh, hơn là các học trò của Tan Cheng Hoe yếu ớt.
Tuy nhiên, làn sóng nhập tịch ồ ạt của Malaysia khiến dư luận trong nước đặt dấu hỏi: đội bóng này có thiếu tài năng đến mức phải tìm kiếm nguồn lực nước ngoài, dù nhập tịch đang là xu hướng mới của các ĐTQG?
Lứa trẻ Malaysia từng gây tiếng vang ở giải U23 châu Á 2018 khi là một trong hai đội Đông Nam Á (cùng với Việt Nam) vào tứ kết. Tại ASIAD 2018, Olympic Malaysia quật ngã Olympic Hàn Quốc của Son Heung-min, Hwang Hee-chan, Hwang Ui-jo để giành vé vào vòng 1/8. Tại đây, Olympic Malaysia chỉ dừng bước trước á quân Olympic Nhật Bản.
AFF Cup 2018, đội hình trẻ trung của HLV Tan Cheng Hoe vào tới chung kết. Vị trí thứ nhì tại vòng loại World Cup 2022 cũng cho thấy cấu trúc của Malaysia tương đối ổn định. Song, Tan Cheng Hoe "đập đi xây lại" 4/11 vị trí để tin tưởng nhóm cầu thủ "quốc tế".
Khó khăn
Tất nhiên, nhập tịch là xu hướng khó cưỡng lại. Chỉ cần thực hiện một vài thủ tục, HLV Tan Cheng Hoe có ngay đội ngũ nhân sự, thay vì chờ đợi các tài năng trong nước của Malaysia tích lũy kinh nghiệm, trưởng thành. Điều này giống như một công ty tuyển mộ lực lượng lao động nước ngoài, thay vì đào tạo bài bản nguồn lực trong nước.
Song, bóng đá có những đặc trưng riêng. Thêm cầu thủ giỏi, chưa chắc có chiến thắng. Trình độ, đẳng cấp đôi khi không phải yếu tố quyết định, mà khát vọng, quyết tâm cùng sự am hiểu chiến thuật mới là yếu tố tiên quyết của thành công.
"Với những gì đã thể hiện thì việc đưa các cầu thủ nhập tịch ra sân có ích lợi gì? Lần trước, ngay cả khi không có cầu thủ nhập tịch, Malaysia vẫn có thể đủ điều kiện tham dự Olympic.
Bây giờ, sự hiện diện của họ không thể giúp chúng tôi giành chiến thắng. Tôi không tức giận với bất kỳ bên nào nhưng tôi rất buồn khi họ không thể hiện chất lượng như từng thể hiện ở Super League. Hãy chơi vì tình yêu của đất nước", huyền thoại Datuk Singh của Malaysia khẳng định.
Sau trận đấu với UAE, CĐV Malaysia lên tiếng chỉ trích De Paula, Krasniqi thiếu động lực, quyết tâm cống hiến cho màu áo Malaysia. "De Paula và Krasniqi không xứng đáng khoác áo Malaysia. Họ lười biếng và không có ý chí chiến đấu. Có lẽ HLV nên trao cơ hội cho Syafiq Ahmad", CĐV Wong Hon Hoong bình luận.
"Malaysia không thua vì kém chất lượng, mà họ bị đè bẹp vì không đủ nhiệt huyết. Hãy đưa những cầu thủ thi đấu cống hiến ở giai đoạn đầu vòng loại trở lại sân thôi", CĐV Mujahid Mujibuddin.
Syafiq Ahmad, Syahmi Safari là những cái tên được chờ đợi trở lại. So với cầu thủ nhập tịch, dàn sao trẻ Malaysia không bằng về trình độ, nhưng hơn ở tinh thần và nhuệ khí chiến đấu. Thành công của "Harimau Malaya" dưới triều đại Tan Cheng Hoe hiện tại hay Rajagobal của 10 năm trước đều được xây dựng nhờ những cầu thủ giàu khát vọng.
Nhưng, HLV Tan Cheng Hoe đã đánh đổi bằng một canh bạc ngay trước 3 trận quyết định của Malaysia. Ông chỉ còn 2 trận để sửa sai.
Bình luận