Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Narendra Modi khẳng định rằng công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ đối tác giữa hai nước. Hai bên kêu gọi chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức học thuật hai nước thực hiện tầm nhìn chung vì đối thác công nghệ chiến lược, tái khẳng định cam kết của Mỹ và Ấn Độ trong việc củng cố một hệ sinh thái công nghệ mở, dễ tiếp cận và an toàn.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi hoan nghênh hợp tác giữa hai nước trong khoa học trái đất và vũ trụ cũng như công nghệ vũ trụ. Hai nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh quyết định của NASA và Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn ĐỘ (ISRO) nhằm phát triển một khung chiến lược cho hợp tác trong các chuyến bay vào vũ trụ có người lái vào cuối năm 2023.
Hai bên cũng kêu gọi tăng cường phối hợp thương mại giữa lĩnh vực tư nhân hai nước trong toàn bộ chuỗi giá trị của nền kinh tế vũ trụ cũng như giải quyết các vấn đề liên quan tới kiểm soát xuất khẩu đồng thời tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ.
Tổng thống Biden hoan nghênh việc Ấn Độ ký thảo thuận Artemis nhằm thúc đẩy tầm nhìn chung về khám phá vũ trụ nhằm phục vụ lợi ích của nhân loại.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi cam kết rằng chính quyền hai nước sẽ thúc đẩy các chính sách và thông qua các quy định nhằm tạo điều kiện cho các cơ hội chia sẻ công nghệ, cùng phát triển và cùng sản xuất giữa ngành công nghiệp, chính phủ và các tổ chức học thuật của Mỹ và Ấn Độ.
Hai bên hoan nghênh việc thành lập đối thoại thương mại chiến lược đa ngành trong tháng 6/2023 đồng thời chỉ đạo hai bên nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan tới kiểm soát xuất khẩu, tìm kiếm cách thức tăng cường thương mại công nghệ cao, và tại điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ giữa hai nước.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi hoan nghênh việc ký kết bản ghi nhớ về chuỗi cung ứng chất bán dẫn và đối tác sáng tạo, coi đây là một bước quan trọng trong việc phối hợp các chương trình ưu đãi chất bán dẫn giữa hai nước.
Điều này sẽ giúp thúc đẩy các cơ hội thương mại, nghiên cứu, phát triển tài năng và kỹ năng. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc Micron Technology, Inc. tuyên bố đầu tư 825 triệu USD nhằm xây dựng 1 cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn mới ở Ấn Độ với sự hỗ trợ của chính phủ Ấn Độ. Hai nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh đề xuất của Lam Research nhằm đào tạo 60.000 kỹ sư Ấn Độ để thúc đẩy giáo dục chất bán dẫn và các mục tiêu phát triển nguồn lao động ở Ấn Độ.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi hoan nghênh việc thành lập một Cơ chế phối hợp lượng tử Ấn Độ-Mỹ chung nhằm tạo điều kiện cho phối hợp giữa ngành công nghiệp, tổ chức học thuật và chính phủ hai nước cũng như nỗ lực hướng tới một thỏa thuận khoa học thông tin lượng tử và công nghệ toàn diện. Tổng thống Biden nhắc lại cam kết của chính phủ Mỹ sẽ phối hợp với Quốc hội nước này để giảm các rào cản đối với việc xuất khẩu sang Ấn Độ công nghệ máy tính hiệu suất cao và mã nguồn.
Tuyên bố chung nêu rõ quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ-Ấn Độ đã trở thành một trụ cột của hoàn bình và an ninh toàn cầu. Thông qua các cuộc diễn tập quân sự chung, củng cố hợp tác công nghiệp quốc phòng, đối thoại cấp bộ trưởng 2+2, và các cơ chế tham vấn khác, hai nước đã đạt được tiến triển quan trọng trong việc xây dựng một mối quan hệ đối tác quốc phòng tiên tiến và toàn diện qua đó quân đội hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong mọi lĩnh vực.
Lãnh đạo hai nước nhắc lại quyết tâm tăng cường hợp tác an ninh hàng hải đồng thời hoan nghênh việc thiết lập đối thoại trong những lĩnh vực quốc phòng mới bao gồm vũ trụ và AI.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi hoan nghênh việc ký kết một thỏa thuận ghi nhớ giữa General Electric và Hindustan Aeronautics Limited về việc sản xuất động cơ máy bay phản lực GE F-414 ở Ấn Độ và để Hindustan Aeronautics Limited sản xuất máy bay chiến đấu hạng nhẹ Mk2. Sáng kiến sản xuất động cơ máy bay F-414 ở Ấn Độ sẽ tạo điều kiện cho Mỹ chuyển giao công nghệ động cơ máy bay phản lực cho Ấn Độ nhiều hơn so với trước đây.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi hoan nghênh kế hoạch của Ấn Độ nhằm mua máy bay không người lái MQ-9B HALE của General Atomics và các máy bay này sẽ được lắp ráp tại Ấn Độ.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi khẳng định rằng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cần phải được tôn trọng trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước. Hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc xung đột ở Ukraine cũng như các hậu quả nhân đạo của cuộc xung đột này.
Hai bên nhấn mạnh tác động nghiêm trọng của cuộc chiến đối với hệ thống kinh tế toàn cầu bao gồm an ninh lương thực, nhiên liệu và năng lượng cũng như các chuỗi cung ứng quan trọng. Hai bên cam kết tiếp tục trợ giúp nhân đạo cho người dân Ukraine và nhất trí về tầm quan trọng của các hoạt động tái thiết ở Ukraine.
Mỹ và Ấn Độ tái khẳng định quyết tâm chống lại mọi nỗ lực nhằm đơn phương phá hoại hệ thống đa phương. Trong bối cảnh đó, hai bên tiếp tục cam kết đối với nghị sự cải cách Liên Hợp Quốc toàn diện bao gồm thông qua việc mở rộng thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an.
Tổng thống Biden bày tỏ sự ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đồng thời hoan nghênh Ấn Độ ứng cử trở thành thành viên không thường trực của tổ chức này, nhiệm kỳ 2028-2029.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi nhắc lại cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm, hòa bình và thịnh vượng với việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp quốc tế.
Hai bên bày tỏ quan ngại đối với các hành động cưỡng ép và căng thẳng gia tăng đồng thời phản đối mạnh mẽ các hành động gây bất ổn hoặc đơn phương nhằm tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt được thể hiện trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, cũng như duy trì tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ bao gồm ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Lãnh đạo hai nước đều lên án các vụ thử tên lửa đạn đạo gây bất ổn của Triều Tiên vốn vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Hai bên tái khẳng định cam kết đối với phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ của mình trên cơ sở các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cũng như tham gia đối thoại thực chất.
Tuyên bố chung nhấn mạnh Mỹ và Ấn Độ tiếp tục sát cánh trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và lên án chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực dưới mọi hình thức.
Mỹ và Ấn Độ tiếp tục ủng hộ một Afghanistan hòa bình, an toàn và ổn định. Hai bên thảo luận tình hình nhân đạo ở Afghanistan và nhất trí về sự cần thiết tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo tức thời cho người dân nước này.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi hoan nghênh thỏa thuận lịch sử giữa Air India và Boeing nhằm mua hơn 200 máy bay sản xuất tại Mỹ. Thỏa thuận này sẽ hỗ trợ việc làm cho hơn 1 triệu người dân Mỹ ở 44 tiểu bang và góp phần cho nỗ lực hiện đại hóa ngành hàng không dân dụng của Ấn Độ.
Tập đoàn Boeing cũng thông báo khoản đầu tư 100 triệu USD cho cơ sử hạ tầng và các chương trình đào tạo phi công ở Ấn Độ, giúp nước này đào tạo 31.000 phi công trong vòng 20 năm tới. Thủ tướng Modi hy vọng Tổng thống Biden sẽ tham dự thượng đỉnh G20 tại New Delhi vào tháng 9/2023.
Bình luận