Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Góp ý vào nội dung thảo luận, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết những năm qua, các đơn vị quân đội tích cực tham gia, cùng với Trung ương, cấp ủy địa phương các chương trình, đề án về phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng dân tộc, miền núi, các vùng đặc biệt khó khăn trên nhiều lĩnh vực.
Theo Thượng tướng Nghĩa, các đơn vị kinh tế quốc phòng phát huy được hiệu quả đầu tư, giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm rõ rệt, thu hút được đội ngũ tri thức trẻ, góp phần bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ tại chỗ ở khu vực.
Các lực lượng đơn vị kinh tế quốc phòng giúp đỡ các địa phương, đưa nhân dân ra sinh sống trên các địa bàn, các khu vực biên giới, nơi phên dậu Tổ quốc giúp nhân dân lập nghiệp, phát triển sản xuất, góp phần xây dựng bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới thiêng liêng.
"Hiện nay, quân đội đang thực hiện kết luận điều chỉnh tổ chức biên chế quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, đồng thời tiếp tục khẳng định 3 chức năng: chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu công tác và đội quân lao động sản xuất làm kinh tế. Đây là chủ trương nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, trở thành bản chất truyền thống tốt đẹp của quân đội.
Các đoàn kinh tế quốc phòng và các đơn vị quân đội sẽ góp phần củng cố các khu kinh tế quốc phòng, góp phần tạo thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh", ông Nghĩa cho hay.
Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết vừa qua, Bộ Chính trị kết luận tiếp tục kết hợp quốc phòng an ninh với kinh tế, đưa ra các cơ chế chính sách để huy động nguồn lực để phát triển kinh tế quốc phòng an ninh, trong đó việc tập trung xây dựng các khu vực phòng thủ, củng cố phát triển các khu kinh tế quốc phòng ở các địa bàn trọng điểm biên giới và biển đảo.
Để hoàn thiện đề án, ông Nghĩa đưa ra một số đề xuất.
Thứ nhất, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị thay cụm từ xây dựng các đoàn kinh tế quốc phòng thành củng cố, phát triển bởi thực tế đã có các đoàn kinh tế quốc phòng, kể cả 2 binh đoàn 15,16, các đơn vị cấp sư đoàn, các trung đoàn.
Thứ hai, ông Nghĩa đề nghị cân nhắc lại cụm từ các đơn vị quân đội (bộ đội biên phòng, các bệnh viện quân đội..) tích cực tham gia các chính sách về giáo dục y tế. Theo ông, phạm vi này quá hẹp phải mở rộng ra là các đơn vị chức năng quân đội, đơn vị nào đóng ở địa bàn nào phải tham gia đề án này.
Ngoài ra, Đảng, Nhà nước có chủ trương các doanh nghiệp quân đội trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự quốc phòng và các tập đoàn kinh tế quốc phòng được phép sử dụng đất quốc phòng vào nhiệm vụ lao động sản xuất.
Theo đó, ông đề nghị chính phủ có nghị định, Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương này để tạo hành làng pháp lý để chức năng làm kinh tế quốc phòng của các đoàn kinh tế quốc phòng tham gia đề án này có hiệu quả tốt hơn.
Thu hẹp dần khoảng cách với vùng phát triển
Chính phủ đặt mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển...
Cụ thể, đến năm 2025: Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2,0 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3% đến 5%;
100% xã có đường ô tô đến trung tâm, theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giao thông vận tải; 70% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa;
80% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; sắp xếp ổn định 70% số hộ di cư tự phát, số hộ đang sinh sống trong rừng đặc dụng, khu vực xung yếu nguy hiểm; hỗ trợ giải quyết 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, còn ở nhà tạm so với cuối năm 2020; tỷ lệ độ che phủ rừng duy trì 42%;
Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 50%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ từ 10-15%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học phổ thông trung học trên 60%; thanh niên 15 đến 35 tuổi đọc thông viết thạo tiếng Việt trên 95%;
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số dân tộc thiểu số; 95% người dân tộc thiểu số biết nói tiếng dân tộc của mình trong giao tiếp; 80% xã, thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ truyền thống; trên 80% phụ nữ được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thiếu cân xuống dưới 15%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 85-90%.
Đến năm 2030: Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2,5 lần so với năm 2026; không còn hộ đói; giảm 80% hộ nghèo so với năm 2020; phấn đấu 80% hộ gia đình có mức sống bằng với mức sống dân cư trong khu vực; trên 85% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ sở hạ tầng (đường, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc…) đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; giải quyết căn bản tình trạng di cư tự phát trong đồng bào dân tộc thiểu số; cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Bình luận