Quân đội Mỹ đang chuển bị huấn luyện quân đội các nước đồng minh châu Âu sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược nhằm chống lại nước Nga, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết vào ngày 28/2.
Ông Lavrov nhận định các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ tại châu Âu là trở ngại lớn nhất của quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
“Không ai có thể nói rõ rằng nguy cơ này nghiêm trọng như thế nào. Tuy nhiên các quân nhân đang chuẩn bị sẵn sàng. Quân đội Nga đang chuẩn bị và quân đội Mỹ cũng làm điều như vậy. Và các chính trị gia cảnh báo cộng đồng về những hoạt động chuẩn bị ấy”, Trung tướng về hưu Evgeny Buzhinsky, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm PIR, nhận định.
Quân đội Mỹ đang tiếp tục điều chuyển vũ khí hạt nhân ở châu Âu và họ quên mất rằng không còn gì sót lại trên Trái Đất nếu loại vũ khí này được sử dụng, Trung tướng Buzhinsky cảnh báo.
Sự kiện này sẽ diễn ra rất nhanh chóng và gây ra hậu quả cực kỳ khủng khiếp cho tất cả mọi người nếu 1 phía tấn công phía còn lại bằng vũ khí hạt nhân.
Trung tướng Buzhinsky nói: "Nếu Nga bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ đáp trả. Các lực lượng chiến lược của Nga và Mỹ phát động hành động của mình đồng nghĩa với việc hàng trăm megaton đầu đạn hạt nhân sẽ đáp xuống lãnh thổ của Mỹ và Nga".
“Chúng tôi nằm ở lục địa Á-Âu, điều này sẽ mang lại cho Nga một chút ưu thế về kiến tạo. Còn với lục địa Bắc Mỹ, chắc chắn lục địa này sẽ vỡ tan khi Nga đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Đó sẽ là cái kết của toàn bộ nhân loại. Không có gì phải nghi ngờ về điều này”, chuyên gia Trung tâm PIR, chuyên nghiên cứu về an ninh thế giới và việc cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhận định.
Trung tướng Buzhinsky khẳng định Nga chắc chắn sẽ không bị bất ngờ khi Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công nước này: “Quân đội Nga đang sẵn sàng cho tất cả mọi thứ. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói về điều này nhiều lần rồi và tất cả mọi người đều biết”.
Theo ước tính, có khoảng 200 quả bom hạt nhân B61 của Mỹ được bố trí tại Đức, Bỉ, Italia, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia châu Âu thuộc NATO khác trong khuôn khổ chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân của tổ chức này.
Matxcơva coi sự hiện diện của vũ khí hạt nhân và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu ÂU đe dọa đến an ninh quốc gia của Nga.
Bình luận