• Zalo

Tương lai phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam năm 2040

Sản phẩmThứ Năm, 27/09/2018 16:03:00 +07:00Google News

Sáng 26/9, tại TP.HCM, Bộ KHCN phối hợp với CSIRO|Data61 - Tổ chức Khoa học về Dữ liệu của Chính phủ Úc đã tổ chức hội thảo “Các kịch bản phát triển cho nền kinh tế số của Việt Nam năm 2040”.

Nắm bắt được xu thế chủ đạo của Việt Nam đến năm 2035 là phát triển và đổi mới, đồng thời cách mạng công nghệ và số hóa đang từng bước thay đổi nền kinh tế xã hội, Chính phủ Việt Nam đã và đang góp phần không nhỏ trong việc phát triển tiềm năng của kỹ thuật số thông qua hàng loạt văn bản chính sách như Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020…

Thực tế, ở thời điểm năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 200.000 người sử dụng Internet, tính đến tháng 1/2018, con số này đã tăng lên gấp 320 lần, tức 64 triệu người. Như vậy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế châu Á có tốc độ số hóa nhanh nhất trong thời gian qua.

Đây vừa là cơ hội, thời cơ để Việt Nam có những bước đột phá về kinh tế trong thời gian tới, nhưng trong đó cũng ẩn chứa không ít những rủi ro, khó khăn mà nước ta phải đối đầu, vượt qua để đạt được sự tăng trường tích cực.

Do đó, Dự án Tương lai Nền Kinh tế số Việt Nam ra đời nhằm nghiên cứu, dự đoán các kịch bản nền kinh tế và kinh tế số nước ta, từ đó, đề xuất các hành động kịp thời nhằm chớp lấy thời cơ, cơ hội thuận lợi và hạn chế, vượt qua những khó khăn thách thức mà nền kinh tế nước ta phải trải qua.

TS. Lucy Cameroon - Trưởng Dự án Tương lai Nền Kinh tế số Việt Nam cho biết nhóm thực hiện dự án đã áp dụng kỹ thuật dự báo chiến lược để xây dựng bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số.

kich ban kinh te so vn 2040

 Tham gia hội thảo là đại diện các doanh nghiệp, tác nhân quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế số của Việt Nam (Ảnh: Saigon Innovation Hub)

Theo đó, nhóm thực hiện dự án đã xây dựng 4 kịch bản gồm: Kịch bản 1 – lạc hậu: Là nền kinh tế chuyển đổi số chậm và năng suất lao động trì trệ; Kịch bản 2 – nền kinh tế đã chuyển đổi số: Gia tăng ứng dụng công nghệ số và phát triển ngành CNTT, gia tăng năng suất lao động ở khắp các ngành; Kịch bản 3 – nhà xuất khẩu số: ngành ICT Việt Nam phát triển dựa vào hoạt động thuê ngoài cho các quốc gia khác, tuy nhiên sự áp dụng các công nghệ số nội bộ ở khắp các ngành còn thấp; Kịch bản 4 – nhà tiêu dùng số: ngành công nghiệp của Việt Nam sử dụng các sản phẩm và dịch vụ CNTT-TT từ các quốc gia khác, cải thiện năng suất trong tất cả các ngành.

Kết quả của buổi hội thảo là đầu vào cho bản thảo cuối cùng về các kịch bản có thể xẩy ra của nền kinh tế số trong tương lai. Các kịch bản này là công cụ hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ Việt Nam trong dài hạn, ảnh hưởng tới lĩnh vực khoa học, phát triển ngành và đổi mới của Việt Nam. Những chính sách này sẽ giúp Việt Nam vững vàng hơn trước những thay đổi lớn. Hội thảo này cũng sẽ hỗ trợ chính phủ Úc xác định các lĩnh vực hợp tác và phối hợp giữa hai quốc gia trong thời gian tới.

Tương lai Nền Kinh tế số Việt Nam là dự án hợp tác giữa Bộ KHCN Việt Nam và Data 61 của Úc nằm trong khuôn khổ chương trình Aus4Innovation của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, nhằm dự báo chiến lược về phát triển kinh tế số của Việt Nam trong 20 năm tới.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn