Ngày 26/8, Triều Tiên được cho là phóng 3 tên lửa ra theo hướng đông bắc ra khu vực biển Nhật Bản. Tiếp đó, vào ngày 29/8 Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản và sau đó tên lửa này rơi xuống Thái Bình Dương.
Nhận định về sự kiện này, Thiếu tướng Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an cho rằng Triều Tiên đủ trình độ làm chủ được công nghệ tên lửa đạn đạo, và nếu chưa làm chủ được công nghệ này thì họ còn tiến hành thử nghiệm, có thể là hàng chục lần cho tới khi họ nắm chắc được công nghệ.
- Thưa ông, vì sao sau khi Mỹ đã dịu giọng với Triều Tiên, cụ thể ngoại trưởng Mỹ tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên, thì Triều Tiên vẫn tiếp tục tiến hành thử tên lửa?
Về mặt công nghệ kỹ thuật mà nói thì việc phóng thử tên lửa, gồm các loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung, tên lửa đạn đạo, nước nào cũng phải qua nhiều lần thử nghiệm mới làm chủ được công nghệ. Những loại công nghệ tân tiến này không phải cứ sản xuất ra là làm ngay được.
Kể cả các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Nga hay Trung Quốc cũng vậy, muốn làm chủ một công nghệ mới phải qua rất nhiều lần thử. Do đó về mặt công nghệ kỹ thuật thì đây là chuyện bình thường, để làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo thì phải thử nhiều lần chứ không thể làm một lần mà ăn ngay được.
Cho nên việc Triều Tiên thử tên lửa là nằm trong chương trình, kế hoạch của họ để hoàn chỉnh và làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo. Đó là việc họ làm, còn việc ngoại trưởng Mỹ có dịu giọng hay thế nọ thế kia thì không ảnh hưởng đến họ bao nhiêu, khi Triều Tiên chưa làm chủ thực sự công nghệ tên lửa đạn đạo thì họ vẫn tiến hành thử nghiệm.
Tôi cho rằng Triều Tiên chưa làm chủ được công nghệ tên lửa đạn đạo, và nếu chưa làm chủ được công nghệ này thì họ còn tiến hành thử nghiệm. Còn thử nghiệm đến khi nào? Qua hàng chục lần thử và họ nắm chắc được công nghệ. Mỗi lần thử như vậy họ sẽ phát hiện ra được nhược điểm của tên lửa, sau đấy điều chỉnh, rồi lại thử, rồi điều chỉnh.
Video: Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng ngày 29/8
Hiện nay như Nga và Mỹ họ đã hoàn chỉnh công nghệ ba chục năm rồi, người ta không cần thử nữa. Còn Triều Tiên bây giờ mới bắt đầu phát triển công nghệ này nên việc họ thử thì xét về mặt công nghệ kỹ thuật đây là chuyện bình thường.
Do đó kể cả ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có xuống giọng với họ thì điều này với Triều Tiên không có giá trị nào cả. Triều Tiên sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa vì trên phương diện kỹ thuật đây là điều mà họ phải làm, làm càng nhiều càng tốt để đảm bảo tính chính xác. Thế nên không có chuyện chỉ với một câu nói của ông Tillerson mà Triều Tiên ngừng chuyện thử tên lửa.
- Thưa ông, phải chăng đòn cấm vận nặng nề nhất, ảnh hưởng đến 1 tỷ USD doanh thu xuất khẩu không đủ răn đe Triều Tiên?
Thật ra chuyện này khó có thể khẳng định được vì ta không rõ dự trữ ngoại tệ của Triều Tiên là bao nhiêu. Với Trung Quốc hay Mỹ thì 1 tỷ USD không có ý nghĩa gì cả, nhưng với Triều Tiên thì cũng có những thiệt hại nhất định. Nhưng dù có mất 1 tỷ hay 2 tỷ USD thì Triều Tiên vẫn tiếp tục hoàn chỉnh công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Triều Tiên vẫn có cách làm. Phải nói thẳng rằng không có chuyện Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của mình. Dó đó nghị quyết thì cứ ban, còn Triều Tiên thì cứ làm. Tất nhiên nghị quyết này có gây cho họ một số khó khăn nhất định, nhưng không thể nói nghị quyết sẽ ngăn họ được vì với họ cái đó là vô nghĩa.
- Trong thời gian vừa rồi, phía Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung ‘Người bảo vệ tự do Ulchi’ vốn bị Triều Tiên phản đối nhiều lần. Theo ông, liệu việc Triều Tiên phóng tên lửa lần này có liên quan đến cuộc tập trận nói trên?
Chắc chắn hai việc này có mối liên hệ với nhau. Cuộc tập trận thường niên của Mỹ và Hàn Quốc, theo quan điểm của Mỹ thì cuộc tập trận này diễn ra nhiều năm rồi, năm ngoái cũng tập trận chứ không phải là do căng thẳng thì bây giờ mới tiến hành tập trận. Do đó Mỹ cho rằng cuộc tập trận này là việc thường xuyên và chúng tôi cứ làm thôi.
Xét trên phương diện khác, cuộc tập trận này hướng vào đối phó với Triều Tiên và Triều Tiên bất bình. Triều Tiên có cái lý của họ cho sự bất bình này là vì tập trận ngay trước cửa ngõ của họ. Bây giờ trước cửa ngõ nhà mình có đội ngũ ồn ào trước cổng là người ta không thích rồi, bình thường đã như vậy rồi, cho nên tập trận thế này chắc chắn Triều Tiên phản đối.
Còn việc Triều Tiên nói đây gần như là lời tuyên chiến lại là chuyện khác. Nhưng riêng việc Mỹ với Hàn tập trận thì cho dù là tập trận thường niên theo kế hoạch như trước đây, diễn ra năm ngoái đi chăng nữa thì Triều Tiên phản đối tập trận cũng có lý của họ. Mỹ có lý của Mỹ, còn Triều Tiên cũng có lý của Triều Tiên.
Hai cái lý này đối lập nhau, và chắc chắn khi Mỹ tập trận bắn đạn thật với Hàn Quốc, huy động lực lượng binh sĩ và vũ khí hiện đại như vậy thì chắc là có việc Triều Tiên phóng thử liên tục tên lửa đạn đạo để gửi thông điệp răn đe đối với Mỹ và Hàn Quốc, chứ không hẳn là vô cớ, ngẫu nhiên.
Thông qua việc phóng tên lửa đạn đạo này, Triều Tiên muốn gửi thông điệp răn đe cho Mỹ và Hàn Quốc hãy cẩn thận, các ông đừng khiêu khích chúng tôi vì chúng tôi sẵn sàng đáp trả.
- Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có tuyên bố sau khi Triều Tiên phóng tên lửa ngày 29/8 rằng Triều Tiên khiêu khích Mỹ và đông minh của nước này. Theo ông, thông điệp này của ông Tillerson chứa đựng những điều gì?
Phải nói rằng hành động phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an, nghị quyết yêu cầu Triều Tiên phải dừng chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Xét trên phương diện luật pháp quốc tế, vụ phóng này Triều Tiên đã vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc, vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an.
Còn chuyện phóng tên lửa như vậy có đe dọa đến Mỹ hay không thì còn phải xem xét vì Mỹ cách xa Triều Tiên, cách đến 15.000 km mà tên lửa này chưa có khả năng với tới. Nhưng việc phóng tên lửa như vậy thì chắc chắn đe dọa đến Hàn Quốc và Nhật Bản.
Và ngoài ra ông Kim Jong-un còn tuyên bố đặt căn cứ Guam của Mỹ trong tầm ngắm rồi, mà đây lại là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Thái Bình Dương. Nên chuyện ông Kim Jong-un nói như vậy đã là đe dọa đến Mỹ rồi, còn tên lửa của Triều Tiên có với tới hay không lại là chuyện khác.
- Phía Nga và Trung Quốc cũng có đưa ra một số phản ứng liên quan đến các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, ông nhận định tính chất của những phản ứng này như thế nào?
Nga và Trung Quốc phản ứng bằng cách bỏ phiếu thuận trong Hội đồng bảo an, tức là họ phản đối. Về nguyên tắc, Trung Quốc và Nga đứng về phía cộng đồng quốc tế phản đối Triều Tiên phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trung Quốc cũng tuyên bố nhiều lần chủ trương của mình là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, phía Nga cũng thống nhất như vậy. Do đó, về nguyên tắc Trung Quốc và Nga thống nhất việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, thái độ này được thể hiện rõ ràng.
Bình luận