Theo ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, dự báo biến thể BA.5 của Omicron không nguy hiểm như Delta trước đây, nhưng theo cảnh báo của WHO thì diễn biến sắp tới khó lường và có thể gây ra làn sóng dịch mới.
Những người từng nhiễm Omicron vẫn có thể mắc lại biến thể phụ BA.5 mang đặc tính có thể lẩn trốn hệ miễn dịch, gồm cả khả năng lẩn tránh kháng thể tạo ra từ lần tiêm vaccine hay lần mắc COVID-19 trước đó, thậm chí cả kháng thể tạo ra nhờ từng nhiễm các phiên bản trước đó của Omicron. Điều này lý giải tại sao BA.5 lại lây lan nhanh hơn các biến thể phụ khác của Omicron.
BS Minh cũng thông tin ở một số quốc gia hiện nay, sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 biến thể mới của Omicron BA.5 cũng dẫn đến sự gia tăng nhập viện và điều trị hồi sức tích cực.
Các nghiên cứu phòng thí nghiệm nuôi cấy trên tế bào ghi nhận virus có biến thể BA.5 phát triển nhanh tại phổi và gây triệu chứng bệnh nghiêm trọng trên chuột hamster. Tuy nhiên đến nay không có bằng chứng lâm sàng cho thấy biến thể BA.5 khiến bệnh COVID-19 nặng hơn trên người.
Theo CDC Mỹ, 4 triệu chứng điển hình khi mắc Omicron, bao gồm Omicron BA.5 là ho, mệt mỏi, ngạt mũi, chảy nước mũi.
Giống như các biến thể Omicron xuất hiện từ trước, vaccine vẫn có vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng hoặc giảm tỷ lệ tử vong cho những người bị nhiễm.
Qua các nghiên cứu, kháng thể sau tiêm vaccine liều cơ bản hoặc bị nhiễm COVID-19 sẽ giảm đáng kể sau 10-19 tuần, đặc biệt với biến thể Omicron. BA.5 cũng không phải là biến thể cuối cùng của virus gây bệnh COVID-19. Vì vậy chúng ta cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp cũng như tiêm chủng theo lịch tiêm được Bộ Y tế khuyến cáo.
Các mũi nhắc lại sẽ giúp gia tăng nồng độ kháng thể, bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng bệnh diễn tiến nặng hoặc tử vong, đặc biệt trong tình hình các biến thể mới liên tục xuất hiện trong tương lai.
Gần đây chuyên gia lên tiếng cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch sau khi biến chủng BA.5 xuất hiện. Theo Sở Y tế TP.HCM, số ca nhiễm mới ghi nhận mỗi ngày trung bình ở thành phố là 30-50. Số ca mới xu hướng tăng nhẹ trong 21 ngày qua, trong đó bệnh nhân nặng tăng hơn 10 ngày qua. Viện Pasteur TP.HCM ghi nhận hai ca nhiễm biến chủng BA.4 (trú ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) và một ca nhiễm biến chủng BA.5 (ngụ tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi). Cả ba đều được phát hiện khi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM xét nghiệm ngẫu nhiên.
Bình luận