• Zalo

Từng có người sốc phản vệ sau khi ăn cơm rang, lau giấy ướt

Gia đìnhThứ Năm, 28/10/2021 08:31:55 +07:00Google News

Trước vụ cháu bé 8 tuổi ở Quảng Bình sốc phản vệ sau khi ăn mỳ tôm, các bác sĩ từng gặp những trường hợp sốc phản vệ sau khi ăn cơm rang, lau giấy ướt...

Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình vừa cấp cứu thành công bệnh nhân phản vệ sau khi ăn mì tôm. Bệnh nhân Nguyễn Thuỳ G. (8 tuổi, trú tại Quảng Phương- Quảng Trạch) nhập viện trong tình trạng mẩn ngứa, khó thở, đau bụng, nôn, mạch nhanh nhẹ, huyết áp không đo được. Trước đó, cháu có ăn mì tôm trong bữa sáng. Qua thăm khám, xác định đây là trường hợp phản vệ độ III, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

Ngay lập tức, trẻ được kíp trực khoa Nhi cấp cứu phản vệ theo phác đồ. Sau 8 giờ, bệnh nhân hết mẩn ngứa, huyết động ổn định, khó thở nhẹ, có thể ra viện sau 1 - 2 ngày.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Trung Dũng, khoa Nhi, mì tôm là món ăn được nhiều người ưa thích, nhưng chuyện dị ứng thậm chí sốc phản vệ như trường hợp mới đây cũng có khả năng xảy ra. Rất may người nhà đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời, cũng như tập thể cán bộ Bệnh viện ĐKKV Bắc Quảng Bình kích hoạt báo động đỏ, phối hợp nhịp nhàng giữa lãnh đạo bệnh viện, khoa Cấp cứu 115 và khoa Nhi để cùng cứu sống bệnh nhân.

Từng có người sốc phản vệ sau khi ăn cơm rang, lau giấy ướt - 1

Bệnh nhi G. được bác sĩ thăm khám. 

Biểu hiện của dị ứng là nổi mề đay, phát ban, nôn, tiêu chảy, khó thở ngay sau khi ăn hoặc sau một vài giờ. Nặng hơn, có thể sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Các bác sĩ khuyến cáo: Người dân khi có biểu hiện của sốc phản vệ cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, tránh để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp người bệnh còn tỉnh táo, có thể xử lý tại nhà bằng cách tự gây nôn, uống nhiều nước trước khi đưa đến bệnh viện.

Theo GS Nguyễn Gia Bình – nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, sốc phản vệ là hiện tượng phản ứng với dị nguyên có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất cứ dị nguyên nào từ thức ăn, thuốc, vắc xin, hoá mỹ phẩm, phấn hoa, khói bụi, côn trùng cắn. Diễn biến có người có thể nổi mẩn ngứa, khó thở...

Nguyên nhân của sốc phản vệ ngày càng nhiều. Có những người dị ứng dọc mùng, dị ứng với cua biển thậm chí dị ứng với chất bảo quản của thuốc. Các thuốc tiêm hiện nay nhất là thuốc tiêm tĩnh mạch đặc biệt là thuốc kháng sinh các thầy thuốc không nên tiêm tĩnh mạch có thể pha loãng truyền chậm để hạn chế nguy cơ sốc phản vệ.

Hiện nay, sốc phản vệ hoàn toàn chẩn đoán lâm sàng từ người tiếp xúc với bệnh nhân. Việc chẩn đoán sớm phản vệ giúp cấp cứu bệnh nhân nhanh hơn. Khi chẩn đoán sốc phản vệ thì sử dụng thuốc tiêm Adrenalin có tác dụng tuyệt đối vì thuốc này giúp bệnh nhân co mạch, giãn phế quản, tác dụng tế bào mast. Sử dụng tiêm bắp tốt nhất là tiêm mặt trước đùi để hấp thu tốt hơn, chỉ cần sử dụng liều nhỏ liều thấp nên thời gian bán huỷ rất nhanh.

GS Bình cho biết ông từng gặp bệnh nhân ở Gia Lâm, Hà Nội sốc phản vệ sau khi ăn cơm rang buổi sáng. Bệnh nhân ngứa, dị ứng, đỏ da, buồn nôn, tụt huyết áp, phù mi mắt. Sau đó bệnh nhân được đưa vào bệnh viện huyện Gia Lâm cấp cứu nhưng không tìm ra nguyên nhân. Bệnh viện Gia Lâm tiếp tục tiêm Adrenalin 3 ngày sau không hiệu quả nên đã chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai.

Sang Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân phải thở máy. Các bác sĩ tiếp tục tiêm duy trì Adrenalin và đến ngày thứ 7, sau khi tiêm 450 mg Adrenalin, bệnh nhân đã tỉnh lại, kể có ăn cơm rang với nhộng tằm. Đây là lần đầu tiên bệnh nhân ăn nhộng tằm và người mẹ cũng không nhớ từng mua nhộng tằm về ăn.

Một bệnh nhi 22 tháng tuổi sau khi mẹ lấy khăn giấy ướt lau mặt thì bị nổi mẩn trên da, đỏ da quanh mặt; đây là hiện tượng sốc phản vệ do các chất bảo quản trong khăn ướt. Một nam thanh niên khác ở Thanh Hoá, 19 tuổi, nặng 70 kg, ngày Tết đi chơi và bị một con ong đốt. 5 phút sau, bệnh nhân thấy khó thở, vã mồ hôi, tụt huyết áp.

"Đối với bệnh nhân sốc phản vệ, cần phải cấp cứu nhanh, xử trí bằng tiêm Adrenalin. Liều lượng với trẻ dưới 10 kg tiêm ¼ mg, trẻ dưới 20 kg tiêm 1/3 mg, trẻ trên 30 kg tiêm 1.2 mg, người lớn tiêm 1/2 – 1mg Adrenalin sẽ là cách nhanh nhất cứu bệnh nhân" – GS Bình cho biết. 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn