Trả lời VTC News, Luật sư Nguyễn Doãn Hồng, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Đà Nẵng, phân tích, trong trường hợp người đã ký hợp đồng muốn thay đổi số tiền phải đóng hay thời gian đóng tiền bảo hiểm theo hợp đồng thì người đó phải đàm phán lại với công ty bảo hiểm.
"Trên thực tế, có một số lý do làm nên sự thay đổi trên như người mua chưa đọc hợp đồng vì quá dài hoặc về lý do tài chính khi tại thời điểm ký hợp đồng người đóng có nhiều tiền nhưng nay đang gặp khó khăn nên đề nghị giảm số tiền đóng bảo hiểm...Muốn thực hiện điều này, người mua phải làm việc lại với bảo hiểm và ký lại phụ lục hợp đồng. Nếu phía bảo hiểm đồng ý thì ổn thỏa, còn nếu bảo hiểm không đồng ý thì người đã ký vẫn phải thực hiện theo đúng hợp đồng giữa hai bên", luật sư Hồng nói.
Tuy nhiên, người mua có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nếu không muốn tiếp tục đóng bảo hiểm nữa.
"Nếu người ký hợp đồng đơn phương chấm dứt thì phía bảo hiểm sẽ không chi trả bất cứ khoản nào. Trường hợp nếu hai bên đàm phán lại với nhau và được phía bảo hiểm đồng ý thì phía bảo hiểm sẽ trừ tất cả những chi phí phát sinh, số phí còn lại sẽ được trả cho bên đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, thường thì số tiền còn lại để trả cho bên đóng bảo hiểm chỉ còn khoảng 30% số tiền của hợp đồng”, ông Hồng nói thêm.
Cùng quan điểm trên, TS - Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thông tin, bảo hiểm cũng là một dạng hàng hoá và dịch vụ, nó là một sản phẩm đặc biệt, người mua là người tiêu dùng. Trường hợp bên mua bảo hiểm muốn chấm dứt hợp đồng mà không phải chịu thiệt hại thì họ phải chứng minh được lỗi do bên bán bảo hiểm là lừa dối hay nhầm lẫn. Lúc đó hợp đồng sẽ được tuyên bố vô hiệu và các bên trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi bên đó phải bồi thường. Hoặc hai bên có thể thỏa thuận để đi đến thống nhất giải quyết, sau đó có thể thực hiện một gói bảo hiểm khác.
Thông thường, khách hàng cần lưu ý trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm. Khách hàng mới sẽ có 21 ngày cân nhắc với quyền dùng thử, kể từ ngày khách hàng nhận bộ hợp đồng.
Trong thời gian này, khách hàng có quyền cân nhắc, thay đổi, điều chỉnh một số thông tin, thậm chí từ chối tiếp tục tham gia. Nếu khách hàng đổi ý không tiếp tục tham gia, công ty bảo hiểm sẽ hoàn lại tổng phí đã đóng, không có lãi, sau khi trừ đi một số chi phí xét nghiệm, y khoa (nếu có). Sang ngày thứ 22, yêu cầu hủy hợp đồng và nhận lại phí bảo hiểm sẽ không thực hiện được.
Vì vậy, người mua nên tận dụng khoảng thời gian cân nhắc để xem lại các thông tin đã cung cấp cho đơn vị bảo hiểm; tìm đọc quy tắc, điều khoản cũng như các tài liệu khác trong bộ hợp đồng.
Phân tích kỹ hơn về hợp đồng của diễn viên Ngọc Lan, các luật sư nhấn mạnh chi tiết về thời gian đóng bảo hiểm lên đến 74 năm. Theo ông Hồng, khả năng ở đây có sự nhầm lẫn, bởi thời điểm mua hợp đồng này thì Ngọc Lan cũng hơn 20 tuổi. Nếu đóng tiếp 74 năm thì đây là con số phi thực tế.
“Nếu thời gian đóng bảo hiểm đúng 74 năm được quy định trong các điều khoản của hợp đồng thì phải xem xét để vô hiệu một phần trong hợp đồng. Tuy nhiên, được biết phía bảo hiểm giải thích rằng, không phải hợp đồng này đóng 74 năm mà được bảo hiểm 74 năm”, luật sư Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, tại thời điểm ký kết hợp đồng thì Ngọc Lan trong trạng thái tỉnh táo và hợp đồng được tư vấn viên bảo hiểm hay công ty bảo hiểm bàn giao một cách công khai, minh bạch. Do vậy, Ngọc Lan phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình tại thời điểm đã ký. Hiện nếu liên quan đến vấn đề tranh chấp hay kiện cáo thì hai bên cứ mở hợp đồng ra đối chiếu để thực hiện. Còn bản thân người đã ký, đã đóng tiền bảo hiểm nhưng nay có nêu ý kiến thì đó chỉ là ý kiến cá nhân và mang tính một chiều. Khi đưa ra chắc chắn phía công ty bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm, nhất là ý kiến cho rằng hợp đồng dài quá nên không đọc đã vội vàng ký. Hợp đồng chỉ có thể vô hiệu trong trường hợp khách hàng bị lừa dối, đe dọa, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục...
Còn theo ông Thiệp, về mặt nguyên tắc, điều kiện bảo hiểm sẽ gắn với tuổi thọ con người. Thông thường các bên sẽ ký kết hợp đồng từ sự thỏa thuận và về nguyên tắc không được trái thông lệ chung và nó phải bảo vệ được người mua bảo hiểm.
Theo quy định của pháp luật, đơn vị cung cấp bảo hiểm thì sẽ có hợp đồng theo mẫu. Bên bán bảo hiểm sẽ phải đăng ký với cơ quan chức năng theo đúng quy định của pháp luật và được chấp thuận. Mục đích của hợp đồng bảo hiểm bao giờ cũng nhằm bảo vệ người yếu thế đó là người mua bảo hiểm. Nếu có thể xảy ra tranh chấp, kiện cáo thì toà án cũng luôn đứng ra bảo vệ người yếu thế.
Thời hạn bảo hiểm thì vô cùng nhưng đã gắn với bảo hiểm nhân thọ thì hiệu lực của hợp đồng bao giờ cũng phát sinh cho đến khi người mua bảo hiểm chấm dứt sự sống (chết).
"Theo quy luật thông thường, thời gian sống của con người không thể kéo dài đến vài trăm năm. Do vậy, việc mua bảo hiểm lên đến 74 năm thì cần phải xem lại hợp đồng có đúng như vậy hay không?", luật sư Thiệp lưu ý.
Cũng theo luật sư Thiệp, các bên có thể tự do thoả thuận nhưng không trái với quy định pháp luật và không trái với đạo đức xã hội cũng như quy luật, vì không ai có thể sống đến vài trăm tuổi.
Trước đó, nữ diễn viên Ngọc Lan chia sẻ về việc mua bảo hiểm nhân thọ qua livestream. Cô mua gói bảo hiểm cho mình là 530 triệu đồng/năm, gói của con trai là 170 triệu đồng/năm. Ngọc Lan được tư vấn rằng, sau 10 năm lấy về tiền gốc 7 tỷ cộng thêm tiền lãi là xấp xỉ 10 tỷ. Cho rằng mình quá tin lời tư vấn viên nên đã không đọc kỹ hợp đồng, hiện giờ cô phát hiện phải đóng phí tới 74 năm và con số nhận về không như người tư vấn nói.
Bình luận