• Zalo

Từ cửa chuồng lên bàn nhậu, giá thịt heo tăng gần gấp đôi

Thị trườngThứ Ba, 02/08/2022 11:59:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định thực trạng này, trong bối cảnh giá thịt heo giảm chậm và bất hợp lý kéo dài, gây khó cho người tiêu dùng.

Trả lời báo chí, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện giá thịt heo đang rất cao, ở chợ phổ biến mức 110.000 - 170.000 đồng/kg, còn trong siêu thị giá từ 170.000 - 260.000 đồng/kg. Đặc biệt, ngay cả khi giá heo hơi hạ nhiệt thì giá ở ngoài chợ vẫn giảm chậm hơn nhiều, khiến cả người nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt. Thừa nhận thực trạng này, ông Tiến nhấn mạnh, giá thịt heo ở cửa chuồng ra đến bàn ăn đang chênh nhau từ 1,5 - 1,7 lần, nhiều lần Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ ngành điều tiết song việc chuyển biến còn chậm.

Tuy nhiên, ông Tiến khẳng định khi giá heo hơi và nguồn cung ổn định thì giá thịt ở chợ sẽ ổn định theo.

Ông Tiến cũng bày tỏ, sẽ cố gắng điều chỉnh sao cho tốc độ tăng trưởng với giá thị trường không quá cao nhưng cũng không quá thấp, do giá lợn hơi đã giảm thời gian dài gần 2 năm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30-45%. Như vậy, người tiêu dùng và người chăn nuôi đều được hưởng lợi.

Từ cửa chuồng lên bàn nhậu, giá thịt heo tăng gần gấp đôi - 1

Giá thịt heo biến động mạnh trong thời gian gần đây. (Ảnh minh họa)

Giá thịt heo trong nước thời gian gần đây biến động mạnh cũng khiến nhiều người nghi vấn có hay không việc xuất lậu sang Trung Quốc và nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên thì Việt Nam có đủ nguồn cung thịt lợn những tháng cuối năm?

Trả lời câu hỏi này, ông Tiến cho biết hiện biên giới đã được siết chặt, heo không xuất khẩu lậu như trước nhưng vẫn có hiện tượng thịt heo sau khi mổ được chặt mảnh rồi chở sang Trung Quốc.

“Việc này diễn ra trong bối cảnh giá thịt heo ở các nước xung quanh biến động mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đảm bảo nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, kể cả thời điểm Tết Nguyên đán", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, Bộ NN&PTNT đã sớm đẩy mạnh rà soát, kiểm tra tình hình buôn bán thịt heo ở các tỉnh biên giới, vừa kiểm soát an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước ổn định. Hiện 16 doanh nghiệp lớn, chi phối tỷ trọng chăn nuôi heo vẫn đang trong đà tăng trưởng 4,8% đối với đàn heo, đạt trên 28 triệu con. Hơn nữa, chúng ta cũng đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi, đây là công cụ quan trọng để khống chế dịch bệnh.

Ngoài ra, dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh cũng đang được khống chế tốt. Cùng với giá xuất chuồng như hiện nay sẽ thuận lợi cho tốc độ tăng trưởng đàn lợn.

Lý giải câu hỏi vì sao giá xăng dầu giảm mạnh mà giá heo hơi vẫn tăng, chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho biết không chỉ giá thịt heo mà hầu hết các loại thực phẩm khác trên thị trường Việt Nam đều có độ trễ sau khi giá xăng dầu điều chỉnh vì các doanh nghiệp, tiểu thương có tâm lý đợi xem đà giảm của xăng dầu có bền vững không rồi mới từ từ điều chỉnh giá sản phẩm.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu chỉ chiếm phần nhỏ (khoảng 10%) là ảnh hưởng trực tiếp đến giá heo hơi. Còn yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất chính là giá các sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Các công ty thức ăn chăn nuôi lý giải việc tăng giá bán là do các nguyên vật liệu đầu vào đều tăng. Mà để chờ nguồn nguyên liệu đầu vào giảm giá sau khi giá xăng dầu đã giảm cũng cần có độ trễ. Như vậy, nếu giá heo hơi hạ nhiệt theo giá xăng dầu thì sẽ phải trải qua 3 lần độ trễ, gồm: độ trễ giảm giá nguyên vật liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, độ trễ giảm giá thức ăn chăn nuôi và cuối cùng là độ trễ giảm giá heo ở các khâu trung gian, bán lẻ. Chính quá trình phức tạp này khiến giá heo hơi chậm giảm”, ông Phú phân tích.

Hạo Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn