Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn vào các sạp hàng tiêu dùng đang diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, những đơn vị, tổ chức, cá nhân làm ăn gian dối cũng luôn nghĩ ra đủ chiêu trò để "móc túi" khách hàng cũng như làm thất thoát thuế của nhà nước. Vậy, để tự bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần làm gì?
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, trước hết, để bảo đảm quyền lợi, người tiêu dùng nên tìm đến những địa chỉ tin cậy để mua sắm hàng hóa. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Vì tại những địa chỉ bán hàng uy tín, người tiêu dùng có thể dễ dàng khiếu nại nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng liên quan để bảo vệ quyền lợi của mình.
Khi mua sắm, cần giữ lại các loại hóa đơn chứng từ mua hàng, phiếu bảo hành. Nếu muốn khiếu nại, cần cung cấp cho cơ quan khiếu nại đầy đủ thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ khiếu nại như địa chỉ chính xác của đơn vị bán hàng. Ngay cả khi mua hàng online, người tiêu dùng cũng phải có địa chỉ chính xác của các trang mạng bán hàng và phải kiểm tra địa chỉ đó còn tồn tại…
Khi có thắc mắc, khiếu kiện, cần bảo vệ quyền lợi, người tiêu dùng có thể gọi điện đến tổng đài 1800-6838 (miễn phí cước cuộc gọi), để nhận được các thông tin tư vấn chính sách và các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cạnh tranh ở Việt Nam; để được hướng dẫn, tư vấn cách thức khiếu nại, giải quyết khiếu nại; tư vấn cách thức tiêu dùng thông minh.
Khi gửi đơn khiếu nại, khiếu kiện, người tiêu dùng có thể nộp đơn theo đường email về địa chỉ: [email protected] và theo đường bưu điện về địa chỉ: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần phải thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật về quyền của người tiêu dùng để có thể chủ động và có ý thức tự bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Bình luận