Sản phẩm hữu ích từ nano bạc
Nhắc tới những sản phẩm ứng dụng công nghệ nano bạc của TS Trần Thị Ngọc Dung, khẩu trang nano bạc kháng khuẩn có lẽ là mặt hàng được nhiều người sử dụng biết đến nhất.
Từ năm 2009, khi nano bạc còn là một khái niệm rất lạ lẫm với đông đảo người tiêu dùng, thì khẩu trang nano bạc do - một sản phẩm tâm huyết của TS. Trần Thị Ngọc Dung và các đồng nghiệp tạiViện Công nghệ môi trường - đã có mặt trên thị trường giúp mọi người phòng chống dịch cúm A H5N1.
Kể từ đó, hàng loạt các sản phẩm ứng dụng nano bạc xuất hiện rộng rãi trên thị trường góp phần đem đến những tiện ích cho cuộc sống.
Theo TS Trần Thị Ngọc Dung: “Bạc là một nguyên tố có hoạt tính kháng khuẩn tự nhiên mạnh nhất được tìm thấy trên trái đất.
Dưới dạng nano hoạt tính này còn tăng lên gấp bội, vì vậy cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ nano các nhà khoa học đã sớm tìm đến hướng nghiên cứu chế tạo nano bạc phục vụ cho mục đích khử trùng.
So với các hệ khử trùng chứa bạc thông thường các hạt nano bạc với năng lượng bề mặt rất lớn có khả năng giải phóng từ từ các ion bạc vào đối tượng khảo sát bởi vậy nano bạc có tính năng kháng khuẩn mạnh hơn nhiều lần và có tác dụng kéo dài hơn so với bạc ở dạng keo, dạng ion hay dạng rắn.”
Nhờ vậy nano bạc đang trở thành vật liệu được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học, sản xuất và đời sống như y học, nông nghiệp, công nghiệp, mỹ phẩm, đồ gia dụng v.v...
Trong lĩnh vực y tế, băng gạc nano bạc của TS Trần Thị Ngọc Dung cũng đã được thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn như Viện Bỏng Quốc gia, Viện 103, BV Việt Đức và BV 108,… được các y bác sĩ đánh giá cao.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, băng gạc nano bạc do Viện Công nghệ môi trường chế tạo có thể điều trị hiệu quả các vết thương bỏng độ I, II, III nông và các vết loét hoại tử lâu ngày, có chất lượng và khả năng điều trị vết thương tương đương với băng nano bạc của hãng ANSON.
Điều trị các vết thương bằng băng gạc nano bạc có tác dụng giảm nhiễm trùng, giảm đau cho bệnh nhân khi thay băng, làm sạch bề mặt tổn thương và giảm số lần thay băng.
Thời gian điều trị được rút ngắn từ 50 – 10% so với điều trị bằng phương pháp thông thường, bệnh nhân sớm ra viện, giảm chi phí điều trị, bệnh nhân sớm trở về với công việc.
Gần đây, chị và các đồng nghiệp tại Viện Công nghệ môi trường lại tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nano bạc trong lĩnh vực nông nghiệp như công đoạn bảo quản sau thu hoạch, , xử lý bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi,…
Luôn tìm cách đưa sản phẩm đến gần hơn với cuộc sống
Chia sẻ với VTC News, TS Trần Thị Ngọc Dung cho biết, nghiên cứu chế tạo nano bạc cho mục đích khử trùng được Viện Công nghệ môi trường đặt ra từ khá sớm. Thông qua nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ Viện đã thực hiện chế tạo thành công nano bạc bằng nhiều phương pháp khác nhau
Hiện nay, Viện có thể sản xuất hàng chục ngàn lít dung dịch nano bạc một tháng. Sản phẩm nano bạc của Viện Công nghệ môi trường có chất lượng cao và rất ổn định, chi phí thấp, giá cả phải chăng.
Nano bạc chế tạo tại Viện có kích thước hạt trung bình trong khoảng từ 10- 30nm, đỉnh hấp phụ plasmon bề mặt trong khoảng từ 395- 420 nm.
Dung dịch nano bạc chế tạo được có tuổi thọ bảo quản trên 2 năm, đã được đánh giá rất nghiêm túc ở nhiều bệnh viện Trung ương (Bệnh Viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện TWQĐ 108, Học viện Quân Y, Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, Bệnh viện Da liễu Trung ương,.. ).
“Nhóm nghiên cứu chúng tôi luôn tìm cách để đưa các ứng dụng của nano bạc vào thực tiễn cuộc sống.
Hiện nay, Viện Công nghệ môi trường đã sản xuất dung dịch nano bạc cung cấp cho thị trường dược mỹ phẩm, thúc đẩy sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Nhiều Công ty sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, đồ tiêu dùng đã sử dụng nano bạc của Viện Công nghệ môi trường để sản xuất nhiều loại sản phẩm như dung dịch vệ sinh phụ nữ, nước súc miệng, băng bỉm vệ sinh trẻ em, người lớn, dung dịch làm sạch vết thương, khăn giấy ướt, khẩu trang, quần áo kháng khuẩn,.... cung cấp cho thị trường.
Góp phần thiết thực tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích cho xã hội, tạo nhiều việc làm và góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng…” – TS Dung cho hay.
Tuy nhiên, theo chị, việc đưa các sản phẩm khoa học này đến với thị trường, đời sống tiêu dùng cần có sự nỗ lực rất lớn từ phía các nhà khoa học.
Các sản phẩm xuất phát từ viện nghiên cứu cần có sự kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, công ty thì hiệu quả thương mại hóa sản phẩm mới được nhân rộng và có sức lan tỏa.
Muốn thương mại hóa sản phẩm chắc chắn cần phải thông qua doanh nghiệp bằng cách phối hợp hoặc chuyển giao công nghệ” – TS Dung cho hay – “Dù theo hình thức nào, các nhà khoa học và phía doanh nghiệp cũng cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm đó phát triển.
Ngoài ra, doanh nghiệp đến với các nhà nghiên cứu cũng cần có sự cởi mở, đứng trên lợi ích của tất cả các bên nhằm mang lại giá trị tốt đẹp cho cả nhóm nhà khoa học – doanh nghiệp – khách hàng và xã hội.”
Bình luận