Giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện sự hào hứng khi hoàn thành ký kết thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc, tạm dừng 18 tháng xung đột thương mại mệt mỏi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì bên kia bán cầu, phản ứng của Bắc Kinh có phần im ắng.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra những bình luận không mấy tích cực về thỏa thuận tốn nhiều hơi sức đàm phán giữa hai bên, với giọng điệu thận trọng.
“Giai đoạn một của thỏa thuận… chắc chắn vẫn khiến cả hai bên có những hối tiếc và không vui, phản ứng chính xác mà một thỏa thuận công bằng sẽ gợi ra. Tranh cãi ai thua ai thắng chỉ là bề nổi” –Hoàn Cầu thời báo, tờ báo nhà nước Trung Quốc thông thường có những quan điểm khá gay gắt về tranh chấp thương mại viết.
Hôm 16/1, một ngày sau khi ký thỏa thuận, truyền thông Trung Quốc đưa tin nhắc lại những bình luận của ông Tập Cận Bình, mô tả thỏa thuận mới là dấu hiệu Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết khác biệt bằng đối thoại, rằng hai nước “đã có bước tiến” và nên “giải quyết thỏa đáng mối quan tâm của nhau” để thúc đẩy quan hệ song phương “đi đúng hướng”.
Những bình luận này trái ngược với quyết tâm “chiến đến cùng” trước đó của Bắc Kinh để bảo vệ lợi ích của mình trong chiến tranh thương mại.
"Tổng thể, Mỹ giành được một chiến thắng nhỏ", chuyên gia kinh tế Shen Hong thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Tianze Bắc Kinh nói. "Nếu cuộc chiến thương mại tiếp diễn, chắc chắn sẽ bất lợi hơn cho Trung Quốc."
"Như thế này tốt hơn cho Trung Quốc. Có nghĩa là chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã nhận ra rằng những thỏa hiệp như vậy là tốt cho Trung Quốc."
Theo thỏa thuận, Bắc Kinh hứa sẽ mua thêm 200 tỷ USD các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ. Dù thỏa thuận tạm dừng áp thuế quan mới, phần lớn khoản thuế đối với 360 tỷ USD các sản phẩm Trung Quốc vẫn duy trì. Thuế quan trả đũa của Trung Quốc đối với hơn 100 tỷ USD hàng hóa Mỹ cũng không thay đổi.
Các nhà quan sát cho rằng phản ứng dè dặt của Trung Quốc không có nghĩa là Bắc Kinh "đầu hàng". Nhấn mạnh ý tưởng về "lợi ích chung" và hợp tác "hai bên cùng có lợi" của mối quan hệ là một dấu hiệu thường thấy trong ngôn ngữ ngoại giao Trung Quốc, thường được sử dụng khi nói về Sáng kiến Vành đai và Con đường.
"Tuy nhiên, phản ứng tương đối im lặng của họ cho thấy lo ngại về việc thỏa thuận sẽ được tiếp nhận trong nước như thế nào", ông Yun Jiang, biên tập viên China Neican - một bản tin phân tích chính sách Trung Quốc, cho biết.
Mỹ tỏ ra lạc quan về các cuộc đàm phán tiếp theo. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, nói với Fox Business Network rằng các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận giai đoạn hai đã bắt đầu.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo rằng những cuộc đàm phán này có thể còn khó khăn hơn. Đài truyền hình CCTV nói: "Càng nhiều vấn đề cần giải quyết, trò chơi càng trở nên dữ dội".
Bình luận