Hệ sinh thái biển toàn cầu đang đứng trước mối đe dọa liên quan đến rác thải nhựa, xuất phát từ những vật dụng tiện lợi, rẻ tiền gắn chặt với đời sống nhân loại nhiều năm qua.
Rác thải nhựa đại dương không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, mà còn đe dọa sự sống của những sinh vật biển, hay sâu xa hơn là sức khỏe con người. Rác thải nhựa khó phân hủy, nằm lại dưới đáy đại dương, trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển.
Theo một số báo cáo khoa học, khối lượng rác thải nhựa trên biển có thể nhiều hơn khối lượng của cá vào năm 2050, tính theo tốc độ xả thải hiện tại. Điều này đòi hỏi các quốc gia cần nâng cao năng lực xử lý rác thải, giảm thiểu rác nhựa đổ ra đại dương bằng những chương trình hành động cụ thể.
Trong đó, truyền thông hướng tới ngư dân là một trong những khía cạnh cần đặt ra hàng đầu.
Hướng tới ngư dân
Để tiến tới mục tiêu trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong giảm ô nhiễm nhựa đại dương, Việt Nam đã có những kế hoạch rốt ráo. Nghị quyết số 36-NQ/TW đặt mục tiêu "Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương".
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành "Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”; Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Bên cạnh đó là Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Quyết định số 175/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025" và Quyết định số 647/QĐ/TTg phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.
Trong các giải pháp toàn diện được áp dụng, công tác truyền thông để nâng cao nhận thức ngư dân về rác thải nhựa đại dương được Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đặc biệt quan tâm.
Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 100% nông, ngư dân tại các vùng ven biển, vùng nuôi tập trung và cán bộ quản lý thủy sản các cấp được phổ biến tuyên truyền, tập huấn về quản lý và hành động giảm thiểu rác thải nhựa.
Để đạt con số tuyệt đối (100%), Tổng cục Thủy sản đề ra nhiệm vụ nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thay đổi thói quen cộng đồng ngư dân với những nội dung chủ yếu như: Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa; biên soạn tài liệu cho các lớp tập huấn...
Tuy nhiên, từ lý thuyết đến hành động còn khoảng cách rất xa.
Nằm trong ban quản lý thực hiện đề án "Thí điểm quản lý rác thải nhựa đô thị khu vực vùng bờ Vịnh Hạ Long, Việt Nam" và tiếp xúc với nhiều ngư dân tại đây, ông Nguyễn Văn Công, đại diện Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), cho rằng khó khăn trước tiên trong công tác truyền thông về rác thải nhựa đại dương nằm ở đặc thù của đối tượng tiếp nhận.
"Ngư dân tại khu vực Hạ Long có hộ khẩu trên đất liền chủ yếu là các huyện ven biển Quảng Ninh hoặc các tỉnh khác như Thanh Hoá, Nghệ An... có khi là cả ở các tỉnh nam miền Trung khác nên rất khó quản lý và tiếp cận theo cách thông thường như trên đất liền.
Ngoài ra lịch trình làm việc của họ rất khác nhau, có nhóm làm ngày, làm đêm hoặc làm cả ngày và đêm tại các khu vực đánh bắt khác nhau", ông Công chia sẻ với VTC News.
Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng việc nắm bắt đặc thù của ngư dân là yếu tố bắt buộc để thiết kế các chương trình truyền thông hiệu quả.
"Ngư dân đi biển, lênh đênh 15-20 ngày rồi mới trở lại đất liền, nên làm truyền thông phải lựa những ngày ngư dân không đi biển. Thông thường, ngư dân đi biển ở thời điểm tối trời, từ ngày 20 tháng này đến ngày 10 Âm lịch tháng sau.
Những ngày rằm, trăng rất sáng, ngư dân không đánh bắt được, nên họ phải vào bờ. Hoặc những lúc bão lũ, biển động, ngư dân không đi biển, đó là lúc chúng ta có thể gặp họ để tuyên truyền. Chúng tôi đi truyền thông, hỗ trợ ngư dân là phải tính toán thời điểm, tính mùa vụ, sản xuất và đặc thù của họ", chuyên gia Tổng cục Thủy sản phân tích.
Trở ngại tiếp theo trong truyền thông về vấn đề rác thải nhựa là tìm kiếm chương trình, thông điệp phù hợp với học thức, khả năng tiếp thu của ngư dân.
"Mặt bằng học vấn của ngư dân là yếu tố cần nghiên cứu kỹ, đòi hỏi công tác truyền thông phải linh hoạt, sáng tạo. Chúng ta không thể đem bảng biểu, số liệu, văn bản thuần túy ra để trao đổi với một bộ phận ngư dân, mà cần những cách truyền đạt dễ hiểu hơn", đại diện Tổng cục Thủy sản phân tích thêm.
Với ngư dân, phương pháp truyền đạt không thể dừng ở mức "nói suông". Hơn hết, người dân cần chương trình hành động với hướng dẫn, mô hình cụ thể để làm theo.
Rốt ráo hành động
Từ tháng 12/2018 đến 31/12/2020, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã thực hiện Thí điểm quản lý rác thải nhựa đô thị khu vực vùng bờ Vịnh Hạ Long.
Các mục tiêu của dự án gồm: Nâng cao nhận thức, xây dựng và thử nghiệm mô hình thí điểm tăng cường hiệu quả quản lý, thu gom, phân loại, xử lý rác thải, thúc đẩy các sáng kiến và nhân rộng mô hình thí điểm thông qua hợp tác đối tác công-tư-cộng đồng, đúc kết và chia sẻ các bài học kinh nghiệm thông qua hội thảo, đối thoại và tài liệu dự án.
Dự án tiếp cận với khoảng 300 hộ ngư dân và đã sử dụng các biện pháp truyền thông đến nhóm này về rác thải. 111.017 người trực tiếp tham gia các hoạt động, trên 2,5 triệu người người tiếp cận thông tin, 1.598 người được tăng cường năng lực thông qua các hoạt động tập huấn, đối thoại và hỗ trợ kỹ thuật về quản lý rác thải rắn và rác thải nhựa.
"Không chỉ truyền thông trực tiếp trên biển, đi đến từng hộ thuyền giải thích và tuyên truyền, dán trực tiếp các tờ rơi, tờ truyền thông lên thuyền của họ, tập trung vào hình ảnh để tăng tính trực quan và giảm thiểu việc khó tiếp cận đến nhóm mù chữ,... mà MCD còn hỗ trợ các thùng rác nổi tại nơi neo đậu, có gói các giải pháp hỗ trợ hiệu quả thuyền thu gom rác của vịnh để tạo thói quen đổ rác đúng nơi quy định", ông Nguyễn Văn Công, đại diện MCD lý giải.
Bên cạnh MCD, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) tại Việt Nam cũng phối hợp cùng các cơ quan đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... để triển khai một số chương trình kêu gọi người dân không sử dụng túi nilon khi đi mua sắm, phối hợp với phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường học tại các địa bàn một số tỉnh triển khai các hoạt động về rác nhựa tới giáo viên và học sinh.
WWF cũng phối hợp cùng một số doanh nghiệp và ban quản lý cảng cá như ở Phú Yên, Phú Quốc, Đà Nẵng nhằm vận động và khuyến khích ngư dân trang bị lưới/thiết bị đựng rác trên thuyền để có thể thu gom rác, ngư cụ mang về vứt bỏ đúng nơi quy định.
Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình truyền thông ở các địa phương còn nhiều điểm hạn chế, khi chưa thể tổ chức thực hiện mẫu trên diện rộng, mà mới dừng ở một số nơi như Phú Quốc, Côn Đảo, Đồng Hới, Hạ Long.
Một vấn đề nữa đặt ra: tuyên truyền để ngư dân lắng nghe, thấu hiểu các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa, nhưng họ có thực hiện theo không thì chưa có đánh giá cụ thể. Những ngư dân đi tập huấn, rồi áp dụng được bao nhiêu, các cơ quan quản lý và tổ chức quốc tế cần thang đo chi tiết.
Tuy nhiên, số liệu cụ thể về hiệu quả của các chương trình đến việc giảm rác thải nhựa còn rất mơ hồ. Hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về rác thải nhựa trên địa bàn các tỉnh chưa mới ở mức lên kế hoạch xây dựng.
Khi chưa có thang đo hiệu quả, đồng thời chương trình hành động chưa được áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, không dễ để Việt Nam nhanh chóng tiến đến mục tiêu giảm rác thải nhựa đã đề ra.
"Công tác truyền thông đặt ra yêu cầu tổ chức thực hiện, làm gương, làm mẫu để đưa các chính sách, các giải pháp chính sách thành hành động thực tiễn. Dù vậy, việc tổ chức thực hiện mẫu ở các địa phương còn rất nhiều hạn chế bởi nhiều lý do khác nhau.
Kết quả báo cáo cho thấy còn nhiều người dân chưa biết về nỗ lực của nhà nước trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm nhựa. Thực trạng này đặt ra nhiều thách thức, cho thấy sự cần gia tăng các biện pháp truyền thông để người dân đồng hành cùng Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế", ông Tạ Anh Tuấn, đại diện WWF-Việt Nam chia sẻ.
Trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, WWF-Việt Nam đã triển khai thông điệp giảm rác thải nhựa trong chiến dịch “Giờ Trái Đất” thông qua các thông điệp truyền thông trên mạng xã hội (tiếp cận hơn 2,6 triệu người) và một talkshow trên đài truyền hình VTV1.
Chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cùng 19 nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, tương tác cộng đồng, để cùng chia sẻ các thông điệp.
Bình luận