• Zalo

Vì sao nhận thức về rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam còn hạn chế?

Đời sốngThứ Hai, 22/11/2021 07:07:53 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo khảo sát của WWF-Việt Nam, chỉ 2,3% số người được hỏi có biết đến các chương trình, hoạt động của nhà nước trong nỗ lực chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

Rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề nhức nhối với môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng trên thế giới.

Theo thống kê của WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên), từ những năm 1950, con người đã sản xuất ra 8,3 tỷ tấn nhựa, trong đó 6,3 tỷ tấn là rác thải nhựa. Hơn 70% tổng số rác nhựa được đổ ra các bãi rác hoặc vứt bỏ trực tiếp ra môi trường tự nhiên, trong đó có đại dương. 

Có tới hơn 800 loài sinh vật biển bị ảnh hưởng trực tiếp bởi rác nhựa, chưa kể đến hậu quả đối với sức khỏe con người.

Vì sao nhận thức về rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam còn hạn chế? - 1

Ô nhiễm nhựa là vấn đề nhức nhối với công tác bảo vệ môi trường biển. 

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở nhóm đầu, với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển mỗi năm.

Để ngăn chặn ô nhiễm nhựa đại dương, Chính phủ, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đang phối hợp cùng các tổ chức quốc tế để đưa ra các dự án, chương trình hành động. Một trong những giải pháp mũi nhọn là thay đổi nhận thức, giúp người dân hiểu hơn về tác hại của rác thải nhựa đại dương, đồng thời hiểu thêm về các chính sách, quy định của nhà nước về vấn đề này. 

Tuy nhiên, hoạt động truyền thông về rác nhựa tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Chỉ 2,3% số người được hỏi có biết đến các chương trình, hoạt động của nhà nước trong nỗ lực chống ô nhiễm rác thải nhựa.

Chia sẻ với VTC News, ông Tạ Anh Tuấn, Quản lý truyền thông Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương của WWF-Việt Nam cho rằng truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách về rác thải nhựa cần được đẩy mạnh, nhằm giúp Chính phủ và các tổ chức quốc tế có sự đồng hành của người dân trong các dự án bảo vệ môi trường. 

Vì sao nhận thức về rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam còn hạn chế? - 2

WWF-Việt Nam tổ chức hoạt động thu gom, phân loại rác thải nhựa biển để góp phần nâng cao ý thức cộng đồng. 

- Nhận thức của người dân (hộ gia đình và hộ kinh doanh) về môi trường nói chung và rác thải nhựa nói riêng tại Việt Nam đang ở mức độ nào? 

Theo nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng nhựa do WWF-Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo, và Trung tâm truyền thông Tài Nguyên và Môi trường phối hợp triển khai tại 9 tỉnh thành trên toàn quốc, thì chỉ có 2,3% những người dân được hỏi là có biết đến các chương trình, hoạt động của nhà nước trong nỗ lực chống ô nhiễm rác thải nhựa.

Còn lại là 10,8% ý kiến cho thấy họ có biết một phần về chương trình chống rác thải nhựa của nhà nước. 42,6% các ý kiến cho thấy họ có biết một chút về chương trình của nhà nước. 

Thời gian qua, hoạt động truyền thông về các quy định về phòng chống ô nhiễm nhựa đã được triển khai rất tích cực, có hiệu quả cao và góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

Tuy nhiên, do chủ đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương mới được nêu lên tại Việt Nam trong vài năm gần đây, nên việc truyền thông trong thời gian qua tập trung nhiều vào vấn đề nâng cao nhận thức, chưa tập trung vào các hoạt động truyền thông về chính sách và quy định của nhà nước.

Vì sao nhận thức về rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam còn hạn chế? - 3

Việt Nam là một trong những nước xả thải rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới. 

- Truyền thông chính sách về rác thải nhựa cần lưu ý điểm gì đặc biệt?

Truyền thông chính sách là quá trình phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với các nỗ lực truyền thông và vận động khác.

Không đơn thuần là chia sẻ các thông tin, truyền thông chính sách đặt ra yêu cầu tổ chức thực hiện, làm gương để đưa các chính sách, các giải pháp chính sách thành hành động thực tiễn.

Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện mẫu ở các địa phương còn rất nhiều hạn chế bởi nhiều lý do khác nhau. Do đó, kết quả báo cáo cho thấy còn nhiều người dân chưa thực sự biết về các nỗ lực của nhà nước trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm nhựa.

Thực trạng này đặt ra nhiều thách thức và cho thấy sự cần thiết phải gia tăng các biện pháp truyền thông để người dân đồng hành cùng Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

- WWF đã có những hoạt động truyền thông cụ thể nào để thay đổi nhận thức người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ?

Cũng trong nghiên cứu nói trên, chúng tôi nhận thấy chỉ 22% những người được hỏi cho rằng bản thân cần giảm thiểu rác thải nhựa. Phần lớn người tiêu dùng (43%) cho rằng trách nhiệm này thuộc về xã hội.

Đặc biệt có tới 35% những người được hỏi cho rằng việc sử dụng nhựa dùng 1 lần là nhu cầu xã hội nên khó thay đổi được. 

Do vậy, WWF-Việt Nam đã thực hiện các hoạt động truyền thông với mục tiêu nâng cao trách nhiệm của người dân trong phòng chống ô nhiễm nhựa, cũng như khuyến khích các hành vi tiêu dùng bền vững hơn.

Ở cấp toàn quốc, chúng tôi đã có các chiến dịch truyền thông như "Cái giá thật sự của nhựa", "Cuộc xâm lấn của rác thải nhựa", "Giờ Trái Đất 2020" với thông điệp: Nói không với nhựa dùng 1 lần…

Vì sao nhận thức về rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam còn hạn chế? - 4

Rác thải nhựa để lại hậu quả nặng nề với hệ sinh thái biển. 

Ở cấp địa phương, chúng tôi phối hợp cùng các cơ quan đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên... để triển khai một số chương trình kêu gọi người dân không sử dụng túi nilon khi đi mua sắm như ở Phú Quốc, Côn Đảo, Đồng Hới.

WWF-Việt Nam cũng phối hợp với phòng Giáo dục và các trường học tại các địa bàn Rạch Giá, Phu Quốc, Long An, A Lưới,… triển khai các hoạt động về chủ đề rác nhựa tới giáo viên và học sinh, phối hợp cùng một số doanh nghiệp và ban quản lý cảng cá như ở Phú Yên, Phú Quốc, Đà Nẵng nhằm vận động và khuyến khích ngư dân trang bị lưới/thiết bị đựng rác trên thuyền để có thể thu gom rác, ngư cụ mang về vứt bỏ đúng nơi quy định.

Hiện nay, chúng tôi cũng đang phối hợp với một số đối tác khác để triển khai một chiến dịch truyền thông nhằm giảm hành vi sử dụng túi nilon tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ.

Đối với người tiêu dùng trẻ, chúng tôi đã triển khai một chiến dịch truyền thông với thông điệp "Giảm rác nhựa là việc cần làm ngay của chính mỗi người vì sức khỏe của bản thân, của những người thân yêu và vì thiên nhiên trong sạch. Bạn có thể quyết định việc đó".

Mục đích là nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy các thói quen tiêu dùng bền vững đối với các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày theo nguyên tắc 4T: Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam đã thải ra trên 31 triệu tấn rác thải sinh hoạt và gần 5 triệu tấn rác thải nhựa chỉ riêng trong năm 2018. Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác (ve chai, đồng nát) và tái chế bởi các doanh nghiệp nhỏ.

Rác thải nhựa làm tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, đe dọa tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương. Đặc biệt, hạt vi nhựa phân rã ra tự nhiên có mặt trong nước, hải sản, không khí và có thể hấp thụ vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp, để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe.

Thông điệp "Giảm rác nhựa là việc cần làm ngay của chính mỗi người vì sức khỏe của bản thân, của những người thân yêu và vì thiên nhiên trong sạch. Bạn có thể quyết định việc đó!" là nội dung chính của chiến dịch truyền thông của WWF-Việt Nam nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy các thói quen tiêu dùng bền vững đối với các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày theo nguyên tắc 4T: Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình Giảm nhựa, WWF-Việt Nam cho biết, thông qua chiến dịch truyền thông này, sẽ góp phần giúp người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ tuổi, hiểu rõ hơn về ô nhiễm rác nhựa, giúp họ hiểu rõ hơn về vai trò cũng như sức mạnh của người tiêu dùng trong việc thay đổi hiện trạng ô nhiễm rác nhựa và tạo ra xu hướng giảm nhựa từ chính các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ mà họ sử dụng, gắn với những giá trị mới như là người tiêu dùng văn minh, có trách nhiệm xã hội, đặc biệt là trách nhiệm với tương lai.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn