Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, theo Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng, nhà trường luôn chú trọng đầu tư và có cơ chế cởi mở với các nhóm nghiên cứu.
Cụ thể, với nhà khoa học có chỉ số H-index từ 15 hoặc hàng năm có 2-3 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín trở lên, trường có chính sách hỗ trợ tài chính để thầy cô có thu nhập phù hợp, yên tâm theo đuổi nghiên cứu.
Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, trường khuyến khích các thầy cô thực hiện đề tài khoa học tại các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp.
Theo thầy Thắng, điều này giúp thầy cô có cái nhìn sâu và tư duy nghiên cứu sát với thị trường.
Ngoài ra, tạo điều kiện để sinh viên tham gia các nhóm nghiên cứu mạnh, hỗ trợ các em biến ý tưởng thành sản phẩm.
“Sẽ rất lãng phí nếu trong suốt 5 năm đại học, một em sinh viên nào đó đặc biệt xuất sắc, có nhiều ý tưởng hay nhưng những ý tưởng ấy chỉ dừng lại ở một đồ án tốt nghiệp loại xuất sắc”, thầy Thắng nói.
Việc thu hút “nhân tố trẻ” vào các nhóm nghiên cứu mạnh cũng là điều mà ĐH Quốc gia Hà Nội đặc biệt chú trọng. Từng thành lập một nhóm nghiên cứu về lĩnh vực Vật liệu và kết cấu tiên tiến cách đây hơn 10 năm, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhớ lại, những ngày đầu tiên, ông đã trực tiếp lên giảng đường và lựa chọn những sinh viên giỏi nhất để dìu dắt.
Ban đầu, nhóm chỉ có một vài em, nhưng đến nay, đã có khoảng 30-40 sinh viên tham gia, thu hút nhiều tiến sĩ.
“Sau hơn 10 năm, nhóm đã công bố được gần 300 công trình khoa học với hơn 100 bài báo trên các tạp chí ISI”, GS Đức thông tin.
GS Đức cũng cho rằng, nhóm nghiên cứu là môi trường thích hợp để gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học, từ đó phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Đây vừa là mục tiêu, vừa là phương thức phát triển của các trường đại học.
Còn tại Trường ĐH Phenikaa, theo GS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng, từ những nhóm nghiên cứu đầu tiên được thành lập vào năm 2019, đến nay, trường đã xây dựng được 10 nhóm nghiên cứu mạnh và 11 nhóm nghiên cứu tiềm năng.
Ngay từ khi bắt đầu, các nhóm nghiên cứu phải đưa ra cam kết đầu ra với những chỉ tiêu cụ thể, như: số công trình khoa học công bố, giải pháp hữu ích, hợp đồng chuyển giao công nghệ,… cũng như số lượng đào tạo nghiên cứu sinh, đào tạo thạc sĩ và lượng sinh viên tham gia vào nhóm nghiên cứu.
Ngược lại, trường có chính sách học bổng nhằm tuyển và hỗ trợ nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ...
Yếu tố để giữ chân người tài
Việc xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh (không chỉ một trường mà có thể liên kết một vài trường), theo lãnh đạo các trường, là đặc biệt cần thiết.
Thống kê năm 2020 cho thấy, số bài báo ISI của các trường đại học chiếm khoảng 4/5 của cả nước. Điều đó đồng nghĩa với việc phần lớn các nhà khoa học đỉnh cao về mặt lý thuyết đều ở các trường đại học.
“Ở Việt Nam, nhiều nghiên cứu sinh có những công bố quốc tế xuất sắc. Cá biệt, có những người khi bảo vệ đã có khoảng 20 bài đăng trên các tạp chí quốc tế ISI. Đây cũng là niềm mơ ước của nhiều cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài”, GS Nguyễn Đình Đức dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo ông, để “giữ chân" người tài cần chú trọng vào một số yếu tố, trong đó ưu tiên hàng đầu là vấn đề tài chính.
“Một nhà khoa học muốn có những nghiên cứu tốt phải có nguồn thu nhập nhất định để đảm bảo cuộc sống cá nhân. Bên cạnh đó, các điều kiện khác cũng phải được đảm bảo để họ yên tâm nghiên cứu, phát huy tốt nhất khả năng của mình”.
GS Đức lấy dẫn chứng, cách đây 10 năm, khi nhóm nghiên cứu của ông mới thành lập, chưa có địa điểm làm việc riêng, cả thầy và trò chỉ có thể trao đổi trong phòng thí nghiệm hoặc ra… quán nước. Nhưng kể từ khi được tạo điều kiện về phòng làm việc, trang thiết bị, nhóm đã thu hút được rất nhiều nghiên cứu sinh, sinh viên.
Ngoài ra, theo GS Đức, nhóm nghiên cứu có được đồng nghiệp trong nước và quốc tế dõi theo và trích dẫn, sử dụng kết quả hay không thì định hướng nghiên cứu rất quan trọng. Trong đó, phải kể đến vai trò dẫn dắt của trưởng nhóm.
GS Phạm Thành Huy cho hay, tiêu chí chọn trưởng nhóm nghiên cứu mạnh của trường là có ít nhất 40 công trình công bố trên tạp chí quốc tế, trong đó, tối thiểu 50% là trên các tạp chí uy tín.
Nếu là nhóm nghiên cứu cơ bản, hàng năm, nhà nghiên cứu cần công bố 8 bài trên tạp chí quốc tế, trong đó có 5 bài trên tạp chí Q1.
Nếu là nhóm nghiên cứu ứng dụng, cần phải có các sản phẩm gia tăng giải pháp hữu ích và các hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, khi đã chọn được người, cần phải giao quyền tự chủ.
“Trưởng nhóm được giao toàn quyền, tuyển người và phải chịu toàn bộ trách nhiệm về hoạt động của người mà mình tuyển. Các nhóm cũng được phép đầu tư trang thiết bị theo đúng đề xuất”.
Nhóm nghiên cứu mạnh giờ đây không chỉ được hiểu là tập hợp những nhà khoa học có hướng nghiên cứu chuyên sâu, hợp tác quốc tế tốt, có bài báo công bố và chỉ số ảnh hưởng cao,… Nhóm nghiên cứu mạnh còn có thể hiểu là nhóm nghiên cứu tiên phong, đi vào lĩnh vực đặc thù, chưa có trích dẫn trước đó. Kết quả nghiên cứu của họ không chỉ trở thành sản phẩm công nghệ mà còn có thể áp dụng ngoài thị trường.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
Bình luận