Thập kỷ mới, trong dòng chảy khó lường của các biến động chính trị và kinh tế toàn cầu, một bài toán đặt ra cho các tổ chức khu vực như ASEAN là làm thế nào để đứng vững và phát triển giữa muôn vàn “va đập” lợi ích, biến thách thức thành cơ hội.
ASEAN hiện nay đã không còn là ASEAN của 10 năm trước, hình thành với mục đích đối phó với những mối đe dọa còn tồn đọng sau chiến tranh. Từ một tổ chức được lập ra trong nghi kỵ, đối đầu ở khu vực, ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực thành công năng động và sáng tạo với tiềm năng kinh tế đứng thứ 5 thế giới và thu hút được sự quan tâm và hợp tác của cộng đồng quốc tế (1).
Nhưng đằng sau câu chuyện “từ chiến trường thành thị trường” (2) này vẫn còn không ít “sóng ngầm”.
Ngày 23/7/2009, tại hội nghị giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và bộ trưởng ngoại giao các nước hạ nguồn Mekong, Mỹ khởi xướng Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong (LMI). Thông qua sáng kiến, Mỹ muốn thúc đẩy hợp tác với nhiều nội dung bao trùm, từ nông nghiệp và an ninh lương thực đến giáo dục, an ninh năng lượng, môi trường và nước, y tế,...
Điều này cho thấy sự quan tâm vô cùng lớn của Mỹ đối với khu vực sông Mekong. Nhưng không chỉ có Mỹ là “người ngoài” duy nhất quan tâm tới khu vực này.
Tháng 8/2019, Hội nghị Bộ trưởng Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong kỷ niệm 10 năm hợp tác. Phát biểu mở đầu hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thẳng thừng chỉ trích đối tác thương mại hàng đầu của mình, Trung Quốc.
“Chúng tôi nhận thấy họ nỗ lực quản lý dòng sông, làm suy yếu Ủy hội sông Mekong", vị Ngoại trưởng Mỹ nói tại hội nghị.
Cùng khoảng thời gian diễn ra hoạt động kỷ niệm trên, trên thượng nguồn Nam Ou, một nhánh Mekong ở Lào, các nhà thầu Trung Quốc xây một loạt đập mà theo ông Pompeo, đã khiến mực nước sông Mekong xuống thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Nam Ou là một trong những sông lớn nhất ở Lào. Giữa tình cảnh thiếu nước ở khu vực hạ nguồn, việc xây đập được một số tờ báo bình luận giống như “xát muối vào vết thương”.
Điều đáng chú ý, đây là một công trình nổi bật của Sáng kiến Vành đai và Con đường, kế hoạch cơ sở hạ tầng tham vọng của Trung Quốc.
Xuất hiện trong hàng loạt các sáng kiến hợp tác liên quan đến khu vực Mekong (ít nhất 12 sáng kiến với các đối tác), Sáng kiến Mekong – Lan Thương (LMC) do Trung Quốc khởi xướng nổi bật với cả 6 nước ven sông là thành viên.
Thông điệp của Trung Quốc là LMC như một sự bổ sung cho các cơ chế khác trong khu vực liên quan đến sông Mekong, nhưng nhiều người lo ngại những sáng kiến như LMC có thể trở thành công cụ kiểm soát của Trung Quốc đối với chương trình nghị sự tiểu vùng. Tại LMC, Trung Quốc từng bị chỉ trích vì hứa hẹn giải quyết các vấn đề như chia sẻ dữ liệu thủy văn, song chưa có hành động cụ thể. Trước tình hình đó, từ 1/11/2020, nước này mới bắt đầu cung cấp dữ liệu thủy văn của sông Mekong đoạn chảy qua Trung Quốc cho Ủy hội sông Mekong quốc tế và 5 nước hạ nguồn.
Hơn nữa, LMC cũng được xem là “phiên bản riêng” của Trung Quốc nhằm thách thức LMI của Mỹ. Đứng giữa cạnh tranh của các nước lớn, ASEAN ở vị thế cần thể hiện vai trò “trung tâm”, nhất là khi có đến 5 nước trong khối ASEAN là những nước nằm bên dòng Mekong.
Mục tiêu duy trì vai trò trung tâm của ASEAN xoay quanh việc cả 10 quốc gia thành viên đều nắm rõ rằng tập trung vào khối là nền tảng để duy trì sự trung lập. Và ASEAN cần được duy trì như một tổ chức mà khi hành động cùng nhau sẽ mạnh mẽ hơn bất cứ một quốc gia nào hành động đơn lẻ.
Trên thực tế, vấn đề hợp tác tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mekong, với ASEAN làm trung tâm đã được thúc đẩy trong năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN 2020.
Hôm 14/7, tại Diễn đàn ASEAN về phát triển tiểu vùng với chủ đề “Gắn kết hợp tác Mekong với các mục tiêu của ASEAN”, một hoạt động trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc gắn kết giữa Mekong và ASEAN. Việt Nam muốn gắn kết các chương trình phát triển của tiểu vùng Mekong với các chương trình, kế hoạch phát triển của ASEAN, để các nguồn lực được phối hợp với nhau trở thành chương trình cộng hưởng, tạo ra các hành lang kinh tế phù trợ lẫn nhau đem đến kết quả cao hơn.
Theo Vụ trưởng Vụ ASEAN Vũ Hồ - nhà ngoại giao tham gia chặt chẽ vào các chương trình nghị sự năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam: “Một trong những vấn đề nổi bật trong hợp tác ASEAN là tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng ASEAN. Những tiểu vùng nên được nhìn nhận như những bộ phận không thể tách rời của ASEAN dù đó là khu vực nào, kể cả sông Mekong. Trong hoạt động của ASEAN, tinh thần là không để ai ở lại phía sau, không để khu vực nào bị tách ra khỏi phát triển chung”.
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì tính trung tâm và đoàn kết của ASEAN trong các nỗ lực xây dựng cộng đồng, trong khi đẩy mạnh tham gia với các đối tác bên ngoài. Tầm quan trọng của việc thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN được nhấn mạnh trong các vấn đề như phát triển tiểu vùng, an ninh mạng, trong quan hệ với các đối tác bên ngoài thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Những điều này cho thấy, để đảm bảo tính bền vững phát triển cho ASEAN như trong câu chuyện lợi ích trên dòng Mekong, các quốc gia ASEAN cần có một điểm tựa vững chắc. Đó chính là giữ được vai trò trung tâm của ASEAN.
Năm 2020 không phải là lần đầu tiên ASEAN nhắc đến vai trò trung tâm. “Vai trò trung tâm” từng được biết đến với khái niệm “vai trò điều phối”, “vai trò chủ đạo” vào đầu những năm 90.
Thực tế, vai trò trung tâm của ASEAN là một khái niệm đã có từ lâu, được đưa vào hiến chương ASEAN từ năm 2008.
Bước sang đầu thế kỉ 21, khi các vấn đề cạnh tranh chiến lược tăng lên, ASEAN mở ra nhiều cơ chế hợp tác. Đến đây, vai trò trung tâm thể hiện qua việc ASEAN khởi xướng các cơ chế này, điều phối, đưa các vấn đề ra bàn luận, lấy lợi ích khu vực ASEAN đặt lên hàng đầu.
Nhìn chung, các cơ chế phải lấy ASEAN làm trung tâm, do ASEAN nắm vai trò chủ đạo, điều hành. Vấn đề có thể là câu chuyện chung của thế giới nhưng phải bàn luận trên tinh thần ASEAN, đặt lợi ích ASEAN lên trên.
Nhận định về điều này, ông Trần Khánh, Nguyên Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết:
“ASEAN dàn xếp, điều hòa lợi ích chính đáng của các thành viên. Nói chung, trung tâm ở đây hiểu là anh phải ‘nắm trịch’, nắm vai trò chủ đạo trong các vấn đề anh đưa ra”.
Mở rộng ra, có thể thấy các hình thức hợp tác của ASEAN (ASEAN+1, ASEAN +3, thượng đỉnh Đông Á EAS, Diễn đàn khu vực ARF,…) tuy xuất phát từ những nhu cầu khác nhau nhưng đều hướng tới một mục tiêu đưa ASEAN đóng vai trò trung tâm trong tất cả các mối quan hệ, giữa khối với quốc tế và giữa các thành viên trong khối.
Tại các diễn đàn này, mỗi thành viên có cơ hội mang “chuyện nhà” đến trình bày, thảo luận, để từ đó thống nhất một tiếng nói chung của khu vực.
Theo ông Vũ Hồ, vai trò trung tâm của ASEAN được thể hiện trên rất nhiều phương diện, không phải chỉ trong quan hệ đối ngoại. Vai trò này chính là duy trì tinh thần độc lập, tự chủ, không để bị lôi kéo và cuốn vào những diễn biến phức tạp đang diễn ra trên thế giới; duy trì tinh thần của ASEAN từ năm 1967 khi thành lập đến nay, bảo đảm các đối tác tham gia hỗ trợ và ủng hộ ASEAN trong quá trình xây dựng hòa bình và duy trì ổn định trong khu vực.
“ASEAN giữ vai trò trung tâm và không có một trung tâm nào có thể chọn bên trong thời đại ngày nay”, ông Vũ Hồ bình luận.
“Vai trò trung tâm giúp ASEAN có tiếng nói trong các vấn đề, là tiếng nói tập thể, mục tiêu hòa giải các vấn đề khu vực, thúc đẩy hội nhập khu vực trên các mặt, làm cho các nước lớn cùng giải quyết vấn đề chung, tránh cho các nước lôi kéo từng thành viên một, và có muốn lôi kéo cũng khó hơn”, ông Trần Khánh cũng nêu quan điểm tương tự.
Trong câu chuyện sông Mekong, ASEAN cũng được kỳ vọng phát huy vai trò trung tâm, tránh cho các nước bị kẹt vào cạnh tranh chiến lược, nhất là khi các nước có lợi ích không đồng đều liên quan đến vấn đề. Giới quan sát cho rằng nên thúc đẩy các cơ chế Mekong sẵn có thay vì lập ra một cơ chế mới, điển hình như Hợp tác phát triển lưu vực sông Mekong ASEAN (AMBDC), được thành lập vào năm 1996.
Một trong những thảo luận được đưa ra tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng điều phối ASEAN ngày 9/9 về phát triển tiểu vùng, là về “hội tụ hợp tác tiểu vùng Mekong với các mục tiêu ASEAN”.
“Chúng tôi chào mừng và khuyến khích những nỗ lực từ các khung hợp tác tiểu vùng, bao gồm ở khu vực Mekong, như ACMECS, BIMP-EAGA và IMT-GT, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và công bằng trong cộng đồng ASEAN, bằng cách kết hợp phát triển tiểu vùng với phát triển toàn diện của ASEAN”, phiên họp cho biết.
Như vậy, có thể thấy, về lâu dài, những giá trị và lợi ích của tiểu vùng Mekong cũng trở thành những giá trị và lợi ích của ASEAN, đặt ASEAN vào vị trí trung tâm.
Để giữ được “chìa khóa” vai trò trung tâm, ASEAN cần gì? Chính là sự đoàn kết.
Theo ông Trần Khánh, vai trò trung tâm của ASEAN đang đứng trước thách thức rõ ràng là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, đòi hỏi vai trò phải được củng cố. “Thách thức lớn nhất hiện nay là phải củng cố vai trò trung tâm bằng cách duy trì sự đoàn kết của ASEAN, đây là yếu tố cốt lõi”.
Ông chỉ ra những thách thức với khối đoàn kết ASEAN bao gồm việc các nước có lợi ích khác nhau, do những lôi kéo từ bên ngoài và do cả thách thức từ đại dịch COVID-19.
Đầu tháng 8/2020, Philippines trở thành nước bị COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất ở Đông Nam Á, với 119.460 ca bệnh, 2.150 người chết. Thống kê cùng thời điểm cho thấy kinh tế Philippines trong quý II giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2019, là mức suy giảm lớn nhất tính theo quý của Philippines kể từ năm 1981.
Chính phủ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đau đầu với việc cân đối các gói kích cầu kinh tế, nhấn mạnh các gói này phải “phù hợp với khả năng” và vừa đủ để đề phòng trường hợp COVID-19 sẽ không biến mất trong một sớm một chiều, mà gây thiệt hại lâu dài và sâu rộng.
“Đại dịch COVID-19 tác động lên các nước với tiềm lực khác nhau, ảnh hưởng khác nhau, có những nước bị tăng trưởng âm và kéo lùi đến 10-15 năm, khiến phân hóa trong ASEAN về kinh tế sẽ rất rõ, thất nghiệp nhiều lên,… nghĩa là các vấn đề xã hội sẽ tăng lên”, ông Khánh nói.
Trong bối cảnh này, cuộc chạy đua về thu hút đầu tư nước ngoài, huy động nguồn lực phục hồi kinh tế, khó khăn nội bộ có thể khiến một số nước “lơ là” khỏi mục tiêu củng cố vai trò trung tâm. Bên cạnh đó, vấn đề sức khỏe cộng đồng về lâu dài cũng là thách thức lớn.
Khi các nước như Philippines cần hỗ trợ, ASEAN thể hiện vai trò trung tâm rõ ràng nhất. Các thành viên ngay lập tức tập trung lại thảo luận và đề ra các sáng kiến trong khu vực nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch, ví dụ như thành lập Quỹ Ứng phó ASEAN COVID-19, hướng tới thành lập Dự trữ Vật tư Y tế Khu vực ASEAN và Quy trình Hoạt động Tiêu chuẩn để Ứng phó với Tình huống Khẩn cấp Y tế Công cộng.
Việc trao đổi dữ liệu để đối phó với dịch bệnh cũng rất cần thiết. Về vấn đề này, ASEAN đã và đang đóng vai trò trung tâm, như Trung tâm ảo BioDiaspora của ASEAN (ABVC), nơi tổng hợp các số liệu thống kê và quy định mới nhất trong thời kỳ đại dịch ở Đông Nam Á, với báo cáo có sẵn và dễ dàng truy cập trên trang web.
Các cuộc thảo luận trực tuyến được tổ chức dày đặc và nhịp nhàng, mở đầu bằng việc các đại biểu cảm ơn lẫn nhau “vì đã tập hợp tại đây trong thời điểm khó khăn chưa từng có này”, đã thể hiện sự “gắn kết và chủ động thích ứng” của ASEAN.
Không chỉ thế, vai trò trung tâm của ASEAN còn là để chống đỡ trước cuộc chiến cạnh tranh nước lớn, và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.
“Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng và có thể thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này tạo nên những vấn đề chung cho cả thế giới, không riêng gì ASEAN.
Khi các nước lớn khác nhau, có thể đặt ra sự chia rẽ nhất định trong quan điểm của các nước và đặt ra nguy cơ các nước có thể chọn bên. Nhưng ASEAN đã xác định và các nước thành viên ASEAN cũng vậy, là sẽ không chọn bên mà chọn lợi ích của ASEAN”, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết trong buổi họp báo về hội nghị cấp cao ASEAN 36 hồi tháng 6.
Có ý kiến cho rằng chủ nghĩa đa phương đang gặp đe dọa khi xuất hiện “xu hướng” xa rời các tổ chức quốc tế, như Anh rời EU, Mỹ rời WTO. Lúc này, sự gắn kết của ASEAN trong nỗ lực phòng chống đại dịch cho thấy các nước hoàn toàn có thể liên kết sức mạnh để đạt được những mục tiêu chung, đặt hy vọng lớn cho thấy đa phương hóa có thể là giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.
“Thách thức cũng tạo ra những cơ hội”, ông Trần Khánh nói.
Thứ nhất, những biến động trong chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch tạo cơ hội cho khối thu hút đầu tư từ các đối tác, ví dụ như từ Mỹ và Nhật Bản. Thứ hai, đây cũng là cơ hội để ASEAN biết rằng cần có những điều chỉnh chính sách để không phụ thuộc vào nước ngoài, hoàn thiện “cơ chế tự đề kháng” của khu vực.
Ngay trong câu chuyện phát triển tiểu vùng Mekong cũng mang đến những tiềm năng lớn cho ASEAN. Các chuỗi cung ứng xuyên quốc gia được kết nối tốt hơn có thể giúp nâng đỡ nền kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN khỏi sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Hài hòa được lợi ích giữa các nước lớn, các cực quyền và đạt được “cân bằng động”, sẽ giúp ASEAN tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của khu vực và ngược lại khiến các nước lớn phải hợp tác, “có thể giống như một con lắc nhưng không mất đi trụ cột”.
Như vậy một mặt đa phương hóa, không mất lòng nước lớn, một mặt tránh được sự lôi kéo, giữ được vai trò trung tâm là bảo vệ.
Hơn nữa thế giới ngày nay không phải là thế giới hai cực mà là thế giới đa cực và “loạn cực”, khiến việc “chọn phe” không còn nhiều ý nghĩa. ASEAN sẽ giữ được sự cân bằng chiến lược dù trong tương lai “đa cực” có hình thành, chuyên gia nhận định.
Với vai trò trung tâm, ASEAN đã và đang tìm ra con đường vượt qua các thách thức trong thời đại mới, cả truyền thống lẫn phi truyền thống, bao gồm từ đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu đến ô nhiễm môi trường, quản lý nguồn nước,… Đứng một mình, các nước ASEAN có khoảng cách rất lớn về tiềm lực kinh tế, quân sự so với các nước phát triển. Song là một khối, ASEAN có khoảng 616 triệu dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thị trường sôi động, có không gian địa chính trị quan trọng trong bối cảnh các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng được quan tâm.
“ASEAN được đánh giá là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trong lĩnh vực hội nhập khu vực. Sức mạnh của ASEAN là ở chỗ với phương cách hội nhập độc đáo phù hợp với điều kiện tình hình cụ thể của một khu vực rất đa dạng cả về văn hóa, tôn giáo, lịch sử, hệ thống chính trị. Sự đa dạng mà vì nó, nhiều khu vực trên thế giới đã phải chìm trong hỗn loạn, bạo lực, chiến tranh. ASEAN đã biến sự đa dạng này từ một một yếu tố bất lợi thành một lợi thế trong quá trình hội nhập và xây dựng cộng đồng”, Nguyên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết năm 2015.
ASEAN những ngày đầu rực rỡ vì sự thống nhất trong đa dạng, và tương lai khu vực cũng nằm ở sự thống nhất này. Như vậy, duy trì và thúc đẩy vai trò trung tâm cùng với sự phát triển của 3 cộng đồng sẽ là trụ cột vững chắc để ASEAN đương đầu với thách thức và khẳng định mình trong các vấn đề của khu vực và quốc tế.
--
(1) trích trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhân 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN
(2) trích lời của Thủ tướng Thái Lan Chatichai Choonhavan năm 1989
Năm 2020, nước ta lần thứ 2 trở thành nước Chủ tịch ASEAN, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 25 năm ngày Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. VTC News xin gửi đến quý độc giả tuyến bài viết tìm hiểu về chặng đường này qua góc nhìn của các nhà ngoại giao cũng như điểm lại các dấu mốc lịch sử quan trọng.
Đọc bài trước:
Bài 1: Việt Nam gia nhập ASEAN: Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei
Bài 2: Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN
Bài 3: Xây dựng cộng đồng ASEAN: Biển Đông có là rào cản?
Bài tiếp theo: Đầu tàu Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020
Bình luận