Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lặp lại điều đã nói từ khi căng thẳng chủ quyền biển đảo giữa nước này và Philippines xảy ra từ hồi tháng 4. Theo đó, Trung Quốc kiên trì giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao, hai nước duy trì đối thoại và qua lại bình thường.
Bà Sonia Brady |
Ngày 30/5, Quốc hội Philippines đã phê chuẩn việc để bà Brady trở lại làm Đại sứ Philippines tại Trung Quốc, một trong những động thái giải quyết ổn thỏa các vấn đề tranh chấp chủ quyền gần đây.
Bà Brady (70 tuổi) từng làm đại sứ tại Trung Quốc từ tháng 4/2006 - 1/2010. Bà được biết đến là nhà ngoại giao cực kỳ thận trọng, nhất là khi giữ chức thứ trưởng phụ trách chính sách, đồng thời là một người có kinh nghiệm trong các vấn đề Châu Á.
Trước đó, bà cũng đảm trách vị trí bí thư thứ hai và lãnh sự tại Đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh từ năm 1976 - 1978.
Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt tại thủ đô Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói: "Chúng tôi đồng ý với nhau về ba điểm: kiềm chế các hành động, kiềm chế các phát ngôn không để nó tiếp tục leo thang, và sau đó chúng tôi tiếp tục tiến hành trao đổi cho đến khi tìm được một biện pháp hòa bình để giải quyết sự việc".
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc trong một cuộc gặp vào năm 2011 |
Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc trở nên căng thẳng từ đầu tháng 4, do tranh chấp chủ quyền với bãi đá không người trên Biển Đông mà Philippines gọi là Scarborough còn Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.
Trong diễn biến khác, Trung Quốc sẽ đảm nhận chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hơp Quốc vào cuối tháng 6 này để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế dựa trên nguyên tắc công bằng, trung lập nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế một cách hiệu quả. Tân Hoa Xã đưa tin.
Lý Bảo Đông - Đại sứ thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc trả lời phỏng vấn, chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an trong tháng 6 tới gồm 30 vấn đề gồm: Syria, Sudan và Nam Sudan, Trung Đông, vv. Đồng thời, Hội đồng Bảo an sẽ triệu tập một cuộc họp công khai bàn về an toàn cho người dân trong các cuộc xung đột vũ trang.
Tuy nhiên, trên các trang báo chính thống của Trung Quốc không nhắc tới chuyện, liệu vấn đề chủ quyền biển đảo có được đưa ra trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an.
Lần trước, Trung Quốc đảm nhận Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an vào tháng 3/2011.
Đỗ Hường
Bình luận