Theo kế hoạch trong giai đoạn 4 chương trình thám hiểm Mặt Trăng và sứ mệnh khám phá không gian sâu do Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc công bố mới đây, nước này sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ bản trạm nghiên cứu khoa học trên Mặt Trăng trong giai đoạn này và sau đó sẽ tiếp tục thực hiện việc lấy mẫu trên sao Hỏa, cũng như khám phá các hành tinh khác.
Cụ thể lộ trình tiếp theo là tàu Hằng Nga-6 sẽ được phóng lên Mặt Trăng vào khoảng năm 2025 với sứ mệnh lấy mẫu trên phần tối của Mặt Trăng và mang trở lại Trái Đất.
Tàu Hằng Nga-7 sẽ phóng vào khoảng năm 2026 với nhiệm vụ thăm dò tài nguyên và môi trường ở cực Nam Mặt Trăng và đặt nền móng cho việc xây dựng trạm nghiên cứu khoa học Mặt Trăng quốc tế.
Tàu Hằng Nga-8 sẽ được phóng vào khoảng năm 2028. Trong đó, Hằng Nga-7 và 8 sẽ tạo nên định hình cơ bản của trạm nghiên cứu khoa học ở cực Nam Mặt Trăng.
Ông Ngô Vĩ Nhân, kiến trúc sư trưởng của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành việc xây dựng một trạm nghiên cứu khoa học quốc tế trên Mặt Trăng vào trước năm 2035 và cũng hy vọng đây sẽ trở thành chương trình khoa học lớn của đất nước".
Ông Ngô Vĩ Nhân còn cho biết, Trung Quốc đang phát triển một hệ thống mới sử dụng năng lượng hạt nhân để giải quyết nhu cầu năng lượng cao và lâu dài của trạm nghiên cứu khoa học trên Mặt Trăng. Nước này cũng đang luận chứng việc đưa Mặt Trăng trở thành căn cứ chính, với việc xây dựng mạng Internet Mặt Trăng để có thể thực hiện việc truyền tín hiệu dữ liệu, điều hướng, viễn thám... giữa Trái Đất và Mặt Trăng cũng như các hành tinh.
Khi được hỏi liệu có thể coi Mặt Trăng là căn cứ tiền duyên để Trung Quốc tiếp tục khám phá không gian sâu hay không, câu trả lời của ông Ngô Vĩ Nhân là khẳng định: “Vì vậy có người nói rằng, sau này cất cánh từ Mặt Trăng bay đến sao Hỏa và các hành tinh khác sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức. Nếu cất cánh từ Mặt Trăng, mức độ khó khăn sẽ ít hơn nhiều".
Cũng theo ông Ngô Vĩ Nhân, nếu tàu Hằng Nga-6 thành công trong việc lấy mẫu ở phần tối của Mặt Trăng và đem về Trái Đất, đây sẽ là lần đầu tiên nhân loại làm được điều này.
Ngoài ra, theo Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, nước này cũng đã lên kế hoạch cho sứ mệnh lấy mẫu trên sao Hỏa và các tiểu hành tinh, thám hiểm sao Mộc, sao Thiên Vương và các hành tinh khác trong 10 đến 15 năm. Trong tương lai, các tàu thăm dò của Trung Quốc cũng sẽ đi đến rìa của hệ mặt trời để khám phá khoa học.
Bình luận