• Zalo

Trung Quốc 'vật lộn' giải bài toán vũ khí ế ẩm

Thế giớiThứ Tư, 02/11/2016 10:20:00 +07:00Google News

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng - SCMP cho rằng, vũ khí Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có sự nghi ngờ về chất lượng với sự cạnh tranh đến từ Mỹ và Nga trước các khách hàng tiềm năng.

Bắt đầu từ ngày 1/11, hơn 900 vũ khí của Trung Quốc được trưng bày tại Triển lãm hàng không Chu Hải với khách hàng tiềm năng được nhắm tới là các nước ở châu Á và châu Phi.

Đây là dịp mà Trung Quốc hi vọng có thể sẽ giới thiệu sức mạnh quân sự của mình ra thế giới và chứng minh rằng các loại vũ khí của họ đang ngày càng được cải thiện về giá cả và chất lượng.

c705

 Tên lửa chống hạm C-705

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, Trung Quốc vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng thương hiệu trong thị trường bị Nga và Mỹ nắm giữ thị phần lớn, SCMP nhận định.

Tại Triển lãm Hàng không và quốc phòng châu Phi hồi tháng 9 tại Pretoria, Nam Phi, Trung Quốc mỏi mắt tìm kiếm khách hàng dù cho Bắc Kinh tìm mọi cách để bán được mẫu máy bay huấn luyện L-15 Falcon và tiêm kích JF-17, Andrei Chang chuyên gia tạp chí quân sự Kanwa Asian Defense tiết lộ.

Video: Hình ảnh chính thức đầu tiên về siêu tiêm kích tàng hình thế hệ mới của Trung Quốc

Một trong những lý do dẫn đến sự ế ẩm này, theo ông Chang có thể là do những dư âm từ vụ một trong số 4 chiếc trực thăng tấn công Z-9 Anh mua từ Trung Quốc gặp tai nạn ngay sau khi bàn giao.

Sau thương vụ này, phía Anh đã không còn mấy mặn mà với những lời mời chào hấp dẫn từ bạn hàng và thông báo không có ý định ký thêm bất cứ hợp đồng mua bán vũ khí nào do lo ngại về chất lượng.

Nhưng người ta không chỉ ngại vũ khí Trung Quốc chỉ vì thế.

Theo Jonathan Holslag, giáo sư đến từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại Brussel, các thương vụ mua bán vũ khí đều phải đi kèm với các điều kiện bảo trì và huấn luyện sử dụng, nhưng Bắc Kinh lại khó có thể làm các 'thượng đế' của mình hài lòng trong việc đáp ứng những yêu cầu này.

Khó khăn lại càng thêm chồng chất với Trung Quốc khi mới đây thông tin về tên lửa chống hạm C-705 của Trung Quốc phóng 'xịt' trong một cuộc tập trận của quân đội Indonesia hồi tháng 9 được đăng tải lên khắp các phương tiện truyền thông quốc tế, SCMP cho biết thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Trung Quốc lại bào chữa rằng vụ phóng hỏng có thể đến từ những yếu tố như thời tiết hoặc người nhận trách nhiệm thực hiện không tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn.

Để khắc phục những nhược điểm này, SCMP dẫn lời chuyên gia hải quân Li Jie cho rằng, các nhà cung cấp vũ khí của Trung Quốc nên tập trung phát triển phần mềm là các dịch vụ hậu mãi thay vì chỉ chăm chăm phát triển phần cứng là sản xuất vũ khí.

"Tạo ra một thương hiệu là một thách thức, nhưng đó là mục tiêu cuối cùng và cần thiết đối với một quốc gia như Trung Quốc để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp quốc phòng”, ông Li kết luận.

Song Hy (Nguồn: SCMP)
Chuyên đề: Tin tức Trung Quốc
Bình luận
vtcnews.vn