Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) được các thành viên ASEAN ký năm 1995, cam kết đảm bảo khu vực không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt khác. Trong thời gian dài, Bắc Kinh đã bày tỏ sẵn sàng tham gia vào thỏa thuận này.
Hôm 22/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục cho biết Trung Quốc sẵn sàng ký thỏa thuận “càng sớm càng tốt”.
Thực tế, chưa có nước nào trong 5 cường quốc hạt nhân – Trung Quốc, Mỹ, Nga, Anh và Pháp – đi đến bàn ký kết. Theo thỏa thuận, các nước sẽ có nghĩa vụ không phát triển, sản xuất hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như không nhận sự trợ giúp để làm điều đó.
Các nhà quan sát cho rằng dù chưa tham gia thỏa thuận, áp lực từ sự thành lập của liên minh mới giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) có thể khiến Trung Quốc muốn thúc đẩy quá trình này. Bắc Kinh dường như hướng tới “kiềm chế” AUKUS và muốn làm giảm căng thẳng ở khu vực bằng cách ủng hộ vùng phi hạt nhân.
Hồi tháng 9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với các quan chức đồng cấp Malaysia và Brunei rằng AUKUS và kế hoạch phát triển tàu ngầm năng lượng hạt nhân có thể làm ảnh hưởng đến việc thành lập vùng phi hạt nhân ở Đông Nam Á.
Theo tuyên bố của cuộc gặp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN hồi tháng 8, các nước ASEAN đang tiếp tục làm việc với các cường quốc hạt nhân về thỏa thuận và cố gắng giải quyết những vấn đề phát sinh.
Zhao Tong, nhà nghiên cứu chương trình chính sách hạt nhân tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, cho rằng trong sự cạnh tranh với Mỹ, trọng tâm của Trung Quốc đã chuyển sang các mối quan hệ khu vực thay vì quan hệ với các cường quốc hạt nhân khác. “Thể hiện sự ủng hộ đối với hiệp ước là một cách xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với ASEAN”, ông nói.
Bình luận