(VTC News) – Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh được cho là để thúc giục Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên.
Tờ Telegraph của Anh nói mối quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng từ thời hai cố Chủ tịch Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành luôn được mô tả như “môi với răng”.
Quân đội Triều Tiên - Ảnh: CRI |
Chính vì thế, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh hôm 13/4 được cho là mang mục đích thúc giục đồng minh lớn nhất của Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.
Phản ứng của Trung Quốc với căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, được tờ Telegraph nhìn nhận là “đã thấy những dấu hiệu lạc quan để tránh chiến tranh nổ ra”.
Trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói “không để quốc gia nào đẩy khu vực vào sự hỗn loạn”, câu nói được cho là ám chỉ đồng minh Triều Tiên sau những tuyên bố đe dọa chiến tranh của nước này.
Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng nói “không để chiến tranh nổ ra ở cửa ngõ Trung Quốc” khi được hỏi về phản ứng với Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Telegraph |
Nguồn tin của Telegraph nói giới quân sự Trung Quốc đang tức giận vì nếu chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Mỹ có cái cớ để đưa quân tới sát biên giới của quốc gia đông dân nhất thế giới.
“Liệu họ có cần đồng minh ngang bướng như vậy, khi mà khái niệm về một ‘quốc gia đệm’ để ngăn chặn Mỹ vẫn là điều cần thiết”, chuyên gia phân tích chính trị Malcolm Moore nói.
Tại Hàn Quốc, giới chức nước này cảnh báo nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un bấm nút phóng tên lửa, Triều Tiên sẽ “ngay lập tức mất sự ủng hộ của Trung Quốc”.
Seoul nhắc lại rằng Bắc Kinh đã tham gia bỏ phiếu đồng thuận với Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về quyết định trừng phạt vụ thử hạt nhân hồi tháng 2 vừa qua của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang là đối tác kinh tế lớn thứ tư của Trung Quốc. “Nếu nhìn từ góc độ kinh tế, Triều Tiên rõ ràng đang khiến giới chức Bắc Kinh nhức đầu”, một quan chức giấu tên ở Hàn Quốc nói với Telegraph.
Giới chức Mỹ chưa thống nhất về khả năng tên lửa Triều Tiên mang đầu đạn hạt nhân - Ảnh: KCNA |
Theo giới phân tích, nếu có quốc gia nào có khả năng ‘kiềm chế’ Triều Tiên, thì đó phải là Trung Quốc – nguồn cung cấp 80% dầu mỏ và 50% lương thực cho Triều Tiên.
“Trung Quốc rõ ràng là có thể ảnh hưởng mạnh đến chính sách của Triều Tiên, cho dù có vẻ ông Kim Jong-un không tỏ ra hợp tác như thời của cha mình. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là Trung Quốc cũng sẽ cảnh giác với Mỹ hơn là cảnh giác với đồng minh truyền thống”, chuyên gia Malcolm Moore nói.
|
Trong diễn biến khác, Hôm 11/4, Hạ nghị sĩ Doug Lamborn dẫn một báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Quân đội Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng có thể đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn về mặt công nghệ là chế tạo vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để lắp vừa đầu đạn tên lửa.
Một số nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ bắn tên lửa trong ngày lễ trọng đại mừng sinh nhật cố lãnh đạo Kim Nhật Thành 15/4 thay cho màn bắn đại bác chào mừng như những năm trước.
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ, Triều Tiên đã sẵn sàng phóng tên lửa tầm trung Musudan gần bờ biển Nhật.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng bắn nhiều tên lửa tầm ngắn khác về phía biển Nhật Bản.
Phân tích trước đó của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng có khả năng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa vào ngày 10/4.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 11/4 nói: “Từ đây đến ngày 15/4 không ngoại trừ khả năng Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo, vì đó là ngày lễ lớn ở nước này mừng sinh nhật cố chủ tịch Kim Nhật Thành”.
Nguyên Vũ
Bình luận