Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển loại pháo nước “thông minh” đầu tiên trên thế giới, được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI), qua đó đưa loại vũ khí không gây sát thương này lên tầm cao mới.
Bắc Kinh ngày càng coi vũ khí này là yếu tố quan trọng để tăng khả năng kiểm soát trên biển, đồng thời giảm nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang.
Pháo nước hay còn gọi là "vòi rồng", là thiết bị được điều khiển bởi máy bơm nước áp suất cao, tạo ra tia nước mạnh, tốc độ cao. Một khẩu pháo nước mạnh mẽ có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 100 m, tạo ra áp suất hơn 1,2 megapascal. Một người đàn ông trưởng thành đối diện trực diện với lực tác động gần 9 tấn, tương đương với việc bị một con voi châu Phi giẫm lên.
Theo SCMP, những tháng gần đây, tàu thuyền Philippines thường xuyên bị trúng vòi rồng khi đối đầu với tàu tuần duyên Trung Quốc ở Biển Đông. Trong vụ việc đáng chú ý vào tháng trước, kính chắn gió buồng lái của tàu Philippines bị vỡ, khiến một số nhân viên bị thương.
Tuy nhiên, dựa trên các video được phát hành bởi cả hai bên, độ chính xác của những vũ khí này còn nhiều vấn đề, thường bắn trượt mục tiêu trong điều kiện biển động.
Loại pháo nước thông minh do các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát triển được cho là đã khắc phục những nhược điểm này.
Được phát triển bởi Viện nghiên cứu thiết bị động cơ điện hàng hải Vũ Hán, loại pháo nước này có thể tự động xác định mục tiêu và điều chỉnh công suất cũng như quỹ đạo tia nước dựa trên phản hồi thời gian thực từ camera quang điện.
Bên cạnh đó, loại pháo nước mới còn được trang bị cảm biến chuyển động giúp thu thập thông tin trạng thái lắc của tàu để điều chỉnh các thông số đạn đạo.
Điều kiện trên biển tạo ra các mô hình gió và chất lỏng môi trường phức tạp, cũng như các lỗi truyền động cơ học, do đó, rất khó để khóa mục tiêu và bắn trúng một vị trí chính xác trên tàu ở xa, chẳng hạn như ống khói, bằng tia nước trên một tàu tuần duyên đang lắc lư.
Tuy nhiên, bằng cách sử dụng lý luận nghịch đảo dựa trên sự thay đổi của môi trường cũng như khả năng tự học, AI đã chứng minh rằng nó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, theo nhóm nghiên cứu Trung Quốc.
Trong các thử nghiệm, pháo nước thông minh có thể bắn trúng mục tiêu trên mặt nước với sai số chỉ hai mét trong điều kiện biển động mạnh với sóng cao 4 m và gió lớn.
"Độ chính xác được cải thiện từ 33 đến 54% so với vòi rồng tự động truyền thống", nhà khoa học Cheng Bosen dẫn đầu dự án, cho biết.
Viện nghiên cứu của Cheng là nhà cung cấp thiết bị động cơ điện trên tàu hải quân lớn nhất cho hải quân Trung Quốc, và điều hành một số phòng thí nghiệm hàng đầu về công nghệ hải quân.
Pháo nước xoay đầu tiên trên thế giới được kỹ sư người Mỹ Antonio Marchese phát minh vào năm 1944, và loại chạy bằng động cơ điện cũng xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào những năm 1950. Kể từ đó, công nghệ này không có quá nhiều sự cải tiến do phạm vi ứng dụng hạn chế.
Cuộc đua vũ khí không sát thương
Trung Quốc phát triển mạnh mẽ lực lượng hàng hải của mình trong những thập kỷ gần đây, gồm tàu sân bay có máy phóng điện từ, tên lửa chống hạm siêu thanh, hệ thống tác chiến điện tử công suất cực cao và các thiết bị tiên tiến khác.
Tất cả đều là những vũ khí đáng gớm nhưng khó có thể được triển khai trong các cuộc tranh chấp với các quốc gia láng giềng trên Biển Đông, để tránh xảy ra xung đột vũ trang.
Do đó, Bắc Kinh đã tăng cường đầu tư vào công nghệ pháo nước, phát triển loạt các sản phẩm ngày càng tự động hóa và mạnh mẽ hơn.
Năm 2022, Trung Quốc chính thức đưa pháo nước có tầm bắn vượt quá 100 m vào danh mục kiểm soát xuất khẩu, củng cố vị thế thống trị của họ trong việc sử dụng vũ khí này.
Theo SCMP, cho đến nay, trong các tranh chấp ở Biển Đông, chỉ có Trung Quốc sử dụng pháo nước hay vòi rồng. Philippines không sử dụng bất kỳ vũ khí nào để trả đũa.
Zhang Yuqiang, nhà nghiên cứu thuộc Ban Chỉ huy Học viện Cảnh sát Hàng hải Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc, cho biết, các loại vũ khí không sát thương trên tàu như pháo nước “sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cuộc xung đột trên biển trong tương lai”.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Kỹ thuật Trang bị Trung Quốc vào tháng 2, Zhang và các đồng nghiệp của ông viết: "Những năm gần đây, cạnh tranh và tranh chấp xoay quanh lợi ích và quyền lực trên biển ngày càng trở nên gay gắt, tranh chấp hàng hải trở thành thách thức chung mà hầu hết các quốc gia có biển trên thế giới phải đối mặt".
Nhóm nghiên cứu cho biết do tất cả các bên đều đang "chiến đấu vì từng mét đất và không chịu nhường nhượng", việc sử dụng vũ khí sát thương truyền thống trong các cuộc đụng độ nhỏ có thể khiến chúng leo thang thành các cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn. Đây là tình trạng mà cả Trung Quốc và các nước khác xung quanh Biển Đông đều không mong muốn xảy ra.
Nhóm của Zhang viết: "Vũ khí không sát thương không trực tiếp gây ra thương vong cho người, phá hủy thiết bị và thiệt hại về môi trường. Chúng chỉ sử dụng các phương tiện kỹ thuật cụ thể để làm mất khả năng chiến đấu của thủy thủ hoặc thiết bị của tàu, đạt được mục tiêu khuất phục đối phương mà không cần chiến đấu".
Họ cho biết thêm rằng, các quốc gia hàng hải lớn khác đang đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai các loại vũ khí không sát thương khác, gồm tia laser gây mù và sóng vi ba có thể gây ra cảm giác bỏng da. Ngoài ra, còn có sự quan tâm đặc biệt đến vũ khí infrasound (sóng hạ âm) "có thể gây chóng mặt, buồn nôn, khó thở và thậm chí là rối loạn thần kinh".
Nhóm của Zhang cho biết: "Vũ khí infrasound có đặc điểm là xuyên thấu mạnh, tốc độ phát đi nhanh, che giấu tốt và khoảng cách xa. Ngoài việc tấn công tàu trên mặt biển, chúng còn gây ra mối đe dọa đáng kể đối với tàu ngầm ở biển sâu và sẽ đóng vai trò thiết yếu trong các trận chiến trên biển trong tương lai".
Bình luận