• Zalo

Trung Quốc ngang ngược bác bỏ phán quyết Toà trọng tài, sức mạnh luật pháp quốc tế thể hiện thế nào?

Thế giớiThứ Tư, 13/07/2016 15:02:00 +07:00 Google News

Chuyên gia kỳ cựu về luật pháp quốc tế lý giải sức mạnh của luật pháp quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông khi Bắc Kinh vẫn ngang ngược bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài.

Chiều 12/7, Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông. Nổi bật nhất trong đó là phủ nhận đường 9 đoạn Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông.

VTC News tiếp tục có bài phỏng vấn TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển để làm rõ hơn về phán quyết cách áp dụng phán quyết này.

Đường 9 đoạn Bắc Kinh đơn phương vạch ra một cách phi lý ở Biển Đông, đã bị Tòa trọng tài bác bỏ

Đường 9 đoạn Bắc Kinh đơn phương vạch ra một cách phi lý ở Biển Đông, đã bị Tòa trọng tài bác bỏ

- Tòa trọng tài đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, kết quả này có thể nói là có lợi cho Philippines, vậy quan điểm của ông về phán quyết này như thế nào?

Trước tiên, phán quyết này của Tòa trường trực là thắng lợi của công lý quốc tế, thắng lợi của việc tôn trọng và duy trì trật tự pháp lý quốc tế trên biển được hình thành từ Công ước UNCLOS 1982.

Phán quyết này đáp ứng mong muốn, chờ đợi của các quốc gia có liên quan và có trách nhiệm với trật tự pháp lý quốc tế, đặc biệt là các quốc gia ven Biển Đông.

Việc Tòa trọng tài ra quyết định không những nhận được sự hoan nghênh của các nước trong khu vực mà còn có các quốc gia bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ hay EU.

hoang ngoc giao

TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển - Ảnh: Phạm Thịnh

- Ông nhận định gì về quá trình đấu tranh, theo đuổi vụ kiện của Philippines ròng rã 3 năm qua?

Trước hết, xin được chúc mừng nhân dân Philippines. Philippines đã dũng cảm, kiên trì theo đuổi vụ kiện, giải quyết các vấn đề liên quan đến biển của mình bằng con đường tài phán quốc tế và nhận được kết quả xứng đáng.

- Trong trường hợp Bắc Kinh phớt lờ phán quyết của Toà, uy tín của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng thế nào trên toàn cầu khi nhiều người cho rằng Trung Quốc đang tự đẩy mình vào ngõ cụt với những lập luận ngang ngược cùng thái độ bất hợp tác?

Rõ ràng, nếu có hành vi như trên, uy tín của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu có hành động leo thang căng thẳng ở Biển Đông, các quốc gia có trách nhiệm như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hay EU sẽ có những phản ứng mạnh mẽ và không chỉ phản ứng mà còn có những chế tài kinh tế để chống lại Trung Quốc.

Giống như nước Nga đang phải hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và EU hiện nay liên quan đến vấn đề Ukraine.

Điều này, rõ ràng sẽ gây áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc khi nó vẫn chưa thực sự vững chắc, thị trường chứng khoán và tài chính nước này liên tiếp trải qua những ‘cơn đột quỵ’, chưa kể đến những vấn đề nội bộ của Bắc Kinh.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, Trung Quốc có thể vùng vẫy, dùng những thủ đoạn đe dọa với sức mạnh quân sự nhưng không dám manh động đến mức nhận lấy sự trừng phạt về kinh tế cũng như bị cô lập trên trường quốc tế.

Video kết quả vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông

- Tòa trọng tài có cơ chế pháp lý nào để buộc Bắc Kinh phải tuân theo phán quyết của mình hay không, thưa Tiến sỹ?

Nên nhớ, pháp luật quốc tế được hình thành trên cơ sở tự nguyện, các quốc gia cùng đàm phán để đưa ra những chuẩn mực, những luật lệ chung. Khác với quy mô quốc gia, pháp luật quốc tế không cưỡng chế mà các cơ quan tài phán chỉ đứng ra để giúp các nước giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên vẫn có những trường hợp đặc biệt, trong vụ kiện của Philippines, theo phụ lục 7 của UNCLOS cho phép có quyền tài phán bắt buộc với một số vấn đề. Chính vì thế, Bắc Kinh luôn tìm cách thoát ra khỏi vụ kiện này.

- Vậy pháp luật quốc tế lấy gì làm sức mạnh khi không có cơ chế cưỡng chế?

Như tôi đã nói, nếu một quốc gia không chấp nhận phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế thì hậu quả về mặt ngoại giao, kinh tế với họ sẽ rất lớn.

Nếu hành động như vậy, quốc gia đó đã không còn sự tin cậy, tạo cảm giác không thể hợp tác với các nước khác. Khi đó, quan hệ ràng buộc về kinh tế hay các vấn đề khác của nước này với các đối tác sẽ bị ảnh hưởng, tất cả sẽ thận trọng hơn trong việc xem xét hợp tác.

Chưa kể đến, nếu có những hành xử bạo lực, đe dọa dùng vũ lực thì các cơ chế của Liên Hợp Quốc hay cơ chế của các nhóm quân sự, chính trị trên thế giới có thể được áp dụng.

Trong trường hợp của Nga, hiện nay Matxcơva đang phải hứng chịu những chế tài trừng phạt của Mỹ và EU vì vấn đề Ukraine. Ngoài ra, Triều Tiên cũng đang phải gánh rất nhiều lệnh trừng phạt vì vấn đề nghiên cứu, thử nghiệm hạt nhân.

Vì vậy, Trung Quốc sẽ không là trường hợp ngoại lệ. Nếu phản đối, không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, Bắc Kinh sẽ phải nhận lấy sự tẩy chay, cô lập từ phía các quốc gia khác.

- Theo ông, phản ứng của Washington sau phán quyết này sẽ như thế nào khi Lầu Năm Góc ngày 7/7 kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, tránh “những tuyên bố hay hành động gây hấn"?

Theo tôi, Washington, EU hay nhiều quốc gia có trách nhiệm với trật tự pháp lý và trật tự quan hệ quốc tế sẽ ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài.

- Là chuyên gia kỳ cựu về luật pháp, theo ông vụ kiện và phán quyết của Tòa trong tài sẽ có tác dụng gì trong việc khẳng định vai trò trung tâm của UNCLOS và luật pháp quốc tế trong tranh chấp biển cũng như giảm thiểu các yêu sách mơ hồ mà một số quốc gia đang duy trì ở Biển Đông?

Có thể nói, UNCLOS có vai trò quan trọng đối với hơn 160 quốc gia tham gia công ước, trong đó có Trung Quốc. Đây là luật lệ chung và trong từng trường hợp cụ thể, khi có tranh chấp xảy ra, UNCLOS có riêng một phần về Cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan việc áp dụng và giải thích công ước.

Vì vậy, khi phán quyết này được đưa ra, nó sẽ có ý nghĩa củng cố, khẳng định trên thực tiễn vai trò của UNCLOS và giúp các quốc gia hiểu và áp dụng UNCLOS đúng với tinh thần và câu chữ của công ước.

- Vụ kiện này có các dụng mở đường cho các nước đang cân nhắc giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) thế nào, thưa Tiến sỹ?

Theo tôi, trước hết, phán quyết này của Tòa trọng tài sẽ làm giảm sự tự tin và ngông cuồng của Trung Quốc.

Ngoài ra, phán quyết này sẽ làm niềm tin vào công lý quốc tế với các quốc gia khác, là nạn nhân hoặc có liên quan trong khu vực Biển Đông. Từ đó, các quốc gia có thể chuẩn bị các hồ sơ cần thiết để có thể khởi kiện Trung Quốc.

 
Nếu phản đối, không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, Bắc Kinh sẽ phải nhận lấy sự tẩy chay, cô lập từ phía các quốc gia khác.

TS. Hoàng Ngọc Giao

- Vậy phán quyết này có tác động gì với Việt Nam?

Như câu trả lời phía trên, ở Biển Đông, Việt Nam có thể xem là một nạn nhân trước những hành động ngang ngược, bành trướng của Trung Quốc, giống như Philippines.

Phán quyết này có ý nghĩa đặc biệt tốt với hồ sơ pháp lý của Việt Nam trong tương lai khi mà chúng ta muốn tổ chức đấu tranh bằng con đường pháp lý, con đường ngoại giao để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền, các đảo, bãi đá ngầm của mình ở Biển Đông.

Việc khởi kiện Trung Quốc, không chỉ thuần túy về vấn đề ‘Đường lưỡi bò’, vấn đề xâm chiếm Hoàng Sa và một số bãi ở Trường Sa mà còn có thể khởi kiện Bắc Kinh về việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đe dọa và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, những điều cơ bản đã được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta đã có các căn cứ cần thiết và nhiều con đường để khởi kiện Trung Quốc vì các hành động ngang ngược, đe dọa và sử dụng vũ lực trên các vùng biển của Việt Nam ra các cơ quan tài phán quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Tùng Đinh (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn