Hôm 6/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Manila “có động cơ và ý đồ mang tính thù địch” khi gọi các tàu Trung Quốc là lực lượng dân quân biển, nhắc lại rằng ngư dân Trung Quốc được hưởng quyền đánh bắt cá và tìm nơi trú ẩn trong khu vực “trong hàng nghìn năm” .
"Tôi không hiểu tại sao một số bên liên quan lại gọi các ngư dân Trung Quốc là dân quân biển… Câu nói này phản ánh động cơ và ý đồ mang tính thù địch”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong một tuyên bố hôm 5/4 rằng, Manila sẽ phản đối hàng ngày cho đến khi Bắc Kinh rút hết các tàu khỏi khu vực. Philippines cũng đề cập đến phán quyết của Tòa thường trực (PCA) năm 2016 khi bác toàn bộ yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thế nhưng, ông Triệu Lập Kiên lại lớn tiếng cho rằng phán quyết của tòa PCA "bất hợp pháp và không có hiệu lực. Trung Quốc có lịch sử đánh bắt hàng nghìn năm. Bắc Kinh kêu gọi Manila ngừng cường điệu và ngừng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình Biển Đông”.
Cũng vào hôm 6/4, người phát ngôn Tổng thống Philippines - Harry Roque, cho biết ông Rodrigo Duterte cam kết giải quyết xung đột ngoại giao với Trung Quốc liên quan đến việc tàu Trung Quốc hiện diện ồ ạt gần đá Ba Đầu ở Biển Đông trong thời gian qua.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, hôm 6/4, Hải quân Mỹ xác nhận điều nhóm tấn công tàu sân bay Theodore Roosevelt đến Biển Đông. Đây là lần thứ hai tàu sân bay của Mỹ đi vào vùng biển này từ đầu năm.
Nhiều tàu Trung Quốc neo đậu gần đảo Sinh Tồn Đông từ hôm 7/3, bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt. Hôm 31/3, Philippines cho biết khoảng 220 tàu đã tỏa đi các bãi đá ngầm và đảo khác trong khu vực.
Lập trường của Việt Nam về hành động của nước ngoài tại Biển Đông, quanh quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, đã nhiều lần được thể hiện rõ ràng, nhấn mạnh các hành vi không có sự cho phép của Việt Nam là phi pháp, đi ngược lại luật quốc tế.
Bình luận